Nhiều nước trên thế giới quy định mức tiền xử phạt nặng tay để răn đe hành vi phản bội bạn đời. Tại một số nơi, lăng nhăng dù đã kết hôn có thể đổi lại bằng việc ngồi sau song sắt.
Giống với Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới quy định xử phạt với hành vi ngoại tình. Thậm chí, ngoài đóng tiền phạt, việc lừa dối người bạn đời của mình có thể quy kết thành tội hình sự, chịu án tù nếu bị kết luận có tội.
Nộp tiền phạt, bóc lịch vì không chung thủy
Tại Mỹ, nhiều tiểu bang áp dụng mức xử phạt riêng cho tội ngoại tình, trong đó dù đi tù hay không, người phản bội vẫn phải đóng một số tiền phạt vì làm tổn thương người vợ hoặc người chồng của mình.
Tính đến năm 2015, có 16 bang xem ngoại tình là một tội. Các bang như New York, Maryland, Florida, Alabama quy định hình phạt thường là một khoản phạt từ 10 USD đến 500 USD hoặc một mức tù giam không quá một năm.
Nhiều nơi trên thế giới có mức xử phạt tiền nặng tay cho hành vi ngoại tình. Ảnh: Stock.
Cá biệt, có những bang như Idaho, Minnesota, Georgia, Utah áp đặt mức phạt 1.000 USD để răn đe. Trong khi đó, bang Wisconsin xử phạt mạnh tay với những kẻ không chung thủy, với mức phạt lên đến 10.000 USD.
Ở bang South Dakota, người bị lừa dối được quyền kiện cả bạn đời và nhân tình để đòi bồi thường. Điều luật này đã tồn tại từ thế kỷ 17, tuy nhiên điều khoản người vợ được phép kiện cả người cặp kè với chồng mình ra tòa mới được bổ sung vào năm 2002. Trước đó, người chồng chỉ được phép kiện người đàn ông đã lăng nhăng với vợ mình.
Theo Argus Leader, tờ báo địa phương tại bang này, một bác sĩ phẫu thuật đã phải trả án phạt 400.000 USD vì hành vi ngủ với phụ nữ đã có chồng.
Tại bang Mississippi, khoản tiền bồi thường được trao nếu chứng minh được có kẻ thứ ba xen vào giữa cuộc hôn nhân. Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định một khoản tiền thích hợp cho bên nguyên đơn, dựa vào căn cứ mất mát tình cảm hay bị cướp vợ/chồng.
Mức án tù cao nhất cho hành vi ngoại tình ở Mỹ là 5 năm, kèm theo 500 USD tiền phạt. Ảnh: Stock.
Theo luật của bang, kẻ ngoại tình ở bang Illinois sẽ đối mặt với mức án tù 1 năm và bị phạt số tiền 2.500 USD. Song, thực tế cho thấy điều luật này hiếm khi được thi hành.
Ngoại tình còn trở thành trọng tội ở bang Oklahoma, khi người bị kết án nhiều khả năng đối diện với mức án 5 năm tù. Ngoài ra, người ngoại tình còn phải đóng thêm 500 USD tiền phạt. Luật của bang này cũng quy định cấm sống chung với người khác trong vòng 30 ngày kể từ khi ly hôn hoặc tái hôn trong vòng 6 tháng.
Ở bang North Carolina, với điều luật cho phép người bị bạn đời phản bội đòi bồi thường thiệt hại, một người chồng từng thắng kiện số tiền 8,8 triệu USD. Theo thống kê, tại bang này, mỗi năm có khoảng 200 đơn kiện vợ/chồng mình ngoại tình được đệ lên tòa án.
Bác bỏ việc hình sự hóa tội ngoại tình
Mặc dù ngoại tình là hành vi đáng chê trách, song nhiều nơi vẫn gây tranh cãi vì hình sự hóa tội ngoại tình. Các ý kiến phản đối cho rằng các quy định này là vi hiến.
Ở những nơi luật pháp bị ảnh hưởng bởi tôn giáo, như ở một số quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á theo đạo Hồi, hành vi ngoại tình sẽ bị trừng phạt bằng cả việc đi tù lẫn phạt tiền và không hiếm các biện pháp cực đoan hơn.
Một số quốc gia đã bãi bỏ hình sự hóa tội ngoại tình, chỉ phạt tiền kẻ không chung thủy. Ảnh: Twitter.
Ở Phillipines, phụ nữ bị phát hiện lừa dối chồng có thể ngồi tù tối đa 6 năm, trong khi mức án cao nhất cho đàn ông là 4 năm 6 tháng. Nếu người này quan hệ tình dục với phụ nữ đã có gia đình, mức án bị đẩy lên 6 năm. Ngay cả nhân tình của người chồng cũng không thoát tội, họ có thể chịu tù 4 năm.
Tại Indonesia, luật pháp chính thức của đất nước này không có quy định cụ thể nào về việc trừng phạt tội ngoại tình. Tuy nhiên, theo quy định của đạo Hồi, tôn giáo chính tại đây, người phản bội bạn đời sẽ ngồi bóc lịch 9 tháng nếu bị phát hiện.
Tại tỉnh Aceh, chính quyền còn ban hành quy định “không được phép ở một mình với người khác giới mà bạn không kết hôn”.
Trong khi đó, tại một số nơi, tòa án đã quyết định chấm dứt hình sự hóa tội ngoại tình, không bắt tù giam người không chung thủy nữa mà chỉ dừng ở mức phạt tiền.
Năm 2015, Hàn Quốc cũng có động thái không bắt người ngoại tình đi tù. Trong hơn 60 năm trước đó, người ngoại tình ở xứ kim chi bị xét xử sẽ nhận án phạt tù 2 năm. Năm 2018, đến lượt Ấn Độ bãi bỏ luật hình sự về hành vi ngoại tình có tuổi đời 158 năm.
Theo đó, bất kỳ người đàn ông Ấn Độ nào quan hệ tình dục với một phụ nữ đã kết hôn mà không được chồng của cô này cho phép, là phạm tội. Luật quy định đàn ông trong trường hợp này là người dụ dỗ, còn phụ nữ không bị xử phạt như một người tiếp tay.
Luật cũng không cho phép phụ nữ kiện chồng khi anh ta ngoại tình. Một người bị cáo buộc ngoại tình có thể ngồi tù tối đa 5 năm, phạt tiền hoặc cả hai.
Theo Zing