Lỡ quá chén vì vui xuân, nhiều người đã dùng thuốc giải rượu, kích thích nôn hoặc tắm gội mà không lường hết hậu quả.
Những cách giải rượu cần tránh
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết nhiều người sử dụng thuốc giải rượu như một biện pháp hiệu quả sau khi uống quá chén. Tuy nhiên, các chất có trong thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại, cũng không giúp triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để giảm hoàn toàn chứng say xỉn.
Lạm dụng các loại thuốc giải rượu còn dẫn tới tăng men gan, giảm các chất có chức năng bảo vệ gan, gây tác dụng phụ như viêm dạ dày. Các chuyên gia đều khẳng định không có bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có thể giúp giảm say.
Mặt khác, việc pha rượu với nước tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao còn nguy hại hơn rất nhiều, bởi khi có thêm chất này, người uống trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình, điều này khiến nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.
Lạm dụng các loại thuốc giải rượu còn dẫn tới tăng men gan.
Bên cạnh việc dùng thuốc giải rượu, nhiều người còn giải rượu bằng cách móc họng gây nôn ói, tắm gội… mà không lượng tác hại. Theo BS. Mạnh, việc móc họng sau khi uống để tống cồn ra khỏi cơ thể cũng rất nguy hiểm. Hành động gây nôn khi đang say vô hình trung làm tổn thương thực quản, dẫn đến các trường hợp viêm thực quản, loét thực quản hay chảy máu thực quản. Móc họng cũng làm rối loạn hệ tiêu hóa, gây ảnh hưởng và tổn thương hệ tiêu hóa của người say.
Uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, gặp hơi nóng đột ngột khi xông hơi sẽ khiến mạch máu giãn to hơn, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở, nguy cơ dẫn đến đột quỵ và tử vong. Do vậy tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất hoặc khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió.
BS. Mạnh khuyên để hạn chế tình trạng say rượu, tốt nhất không hoặc uống ít rượu. Một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế việc say xỉn. Cơ chế của những loại thuốc này giống như một lớp màng bảo vệ dạ dày, ngăn chặn sự tấn công trực tiếp của acid vào thành dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào trong máu.
Một cách khác giảm say sau khi uống rượu là bù điện giải bằng uống oresol pha theo chỉ dẫn. Bổ sung nhiều nước sau uống rượu bia cũng là cách tăng bài tiết, giảm cảm giác say. Khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn, từ đó giảm say. Tuy nhiên, việc uống nước cần đúng cách, bổ sung từ từ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể.
Kỹ năng xử lý khi ngộ độc rượu
Còn theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp Tết, trung tâm thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Ngộ độc rượu ethanol thường xuất phát từ triệu chứng nhẹ như mất kiểm soát, kích thích, hung hăng đến các triệu chứng chuyển nặng như khó thở, hôn mê, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp. Hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu ethanol chuyển biến nặng thường xuất hiện sau 3 – 4 giờ khi có các dấu hiệu ngộ độc nhẹ.
Đối với trường hợp ngộ độc rượu methanol thường xuất hiện khi sử dụng các loại rượu pha chế. So với ngộ độc ethanol thì methanol cũng gây ra các triệu chứng ngộ độc nhẹ tương tự. Điểm khác biệt chính là ngộ độc methanol sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng sau 8 giờ kể từ uống rượu.
Kỹ năng xử lý ban đầu khi người thân bị ngộ độc rượu là rất quan trọng.
Trường hợp sử dụng kết hợp 2 dạng cồn này sẽ có thời gian biểu hiện ngộ độc rượu sau 18-24 giờ. Biến chứng ngộ độc rượu methanol thể hiện mạnh và nguy hiểm hơn như thở nhanh, tắt đường thở, giãn đồng tử, mạch nhanh, co giật, sùi bọt mép…
BS Nguyên cho hay kỹ năng xử lý ban đầu khi người thân bị ngộ độc rượu là rất quan trọng, để tình trạng không bị diễn biến nặng lên và có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy cần lưu ý những nguyên tắc chăm sóc, sơ cứu cho người say rượu, ngộ độc rượu như sau:
– Cần đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để hạn chế việc bệnh nhân khi nôn, trớ ra lại hít vào phổi. Đồng thời, tư thế nằm này cũng giúp hạn chế hiện tượng tụt lưỡi.
– Thực hiện các biện pháp ủ ấm, bởi người say rượu, ngộ độc rượu rất dễ bị mất nhiệt.
– Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra. Đặc biệt, với những người gầy yếu, suy dinh dưỡng thì nguy cơ tụt đường huyết lại càng cao.
– Một biện pháp cũng rất quan trọng chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân. Khi say, người ta thường nôn nhiều, vã mồ hôi, không ăn được dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải. Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả, dễ thực hiện ngay tại nhà là uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối…
– Người bị ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra, nhằm có biện pháp đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Theo báo Giao Thông