Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: Học cách quản trị cảm xúc, học tập từ những người đi trước.
Học tập từ những người đi trước
Bỏ học từ sớm, chật vật vì thiếu định hướng, tuy nhiên bằng việc học tập người đi trước và sự cố gắng của bản thân mà chàng trai dân tộc Tày Lưu Lập Đức đã thành công trong việc xây dựng tổ hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay mọi nỗ lực của anh đều được đền đáp xứng đáng, khi anh tạo công ăn việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương, đưa thương hiệu nông sản Đức Trọng (Lâm Đồng) lên tầm cao mới. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, chàng trai sinh năm 1992 đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín.
“Thật ra học tập người đi trước không phải là kiến thức trên trường lớp hay những kiến thức có ngay để sử dụng được. Tôi phải đi theo những người thành công để họ định hướng, chia sẻ bí quyết. Mình làm được thì người ta mới chỉ tiếp cho mình được. Những người đi trước rất tài năng, họ mang những tinh hoa họ có được rất nhiều năm để hướng dẫn cho mình. Việc của mình là lĩnh ngộ phục vụ cho công việc của mình”, anh Lưu Lập Đức chia sẻ.
Cuộc sống chính là một hành trình cố gắng và nỗ lực, để có thể thành công, ngoài năng lực và trình độ chuyên môn, kinh nghiệm được học từ những người đi trước cũng là một yếu tố rất quan trọng. Đó có thể là kinh nghiệm trong cuộc sống, công việc, cách ứng xử với đồng nghiệp. Việc lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước sẽ giúp chúng ta định hình con đường phía trước rõ ràng hơn. Những kinh nghiệm quý báu của người đi trước là bài học thực tế đã được đúc kết. Chỉ cần biết lắng nghe, học hỏi, chắt lọc thông tin chúng ta có thể rút ngắn con đường dẫn đến thành công.
Cuộc sống với muôn vàn bài học mà chúng ta không thể học hết được, chính vì thế việc học tập kinh nghiệm từ những người đi trước là cách nhanh nhất để chúng ta hạn chế những sai lầm. Tuy nhiên, trong quá trình học hỏi đó cần thông qua sự sàng lọc, áp dụng chúng một cách khoa học và hiệu quả. Không một ai cho dù tài năng, nổi bật đến đâu lại có thể đạt được thành công mà không cần có sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Một khi tìm đến và lắng nghe chia sẻ, kinh nghiệm từ những người đi trước, chúng ta sẽ nhận ra sự hỗ trợ này sẽ mang đến nhiều giá trị và kinh nghiệm hữu ích.
Thạc sĩ Trần Hải Nghiên – Chuyên gia Tâm lý chia sẻ: “Để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước, chúng ta cần quan sát và đưa ra nhận định, họ có phải là nơi đáng tin cậy để chúng ta học tập những cái tốt từ họ không. Đồng thời, xem xét lại bản thân xem chúng ta đã có được những gì. Sau đó, chọn lọc và phát triển từ bản thân mình. Sau khi trải qua những bài học, giá trị thực tiễn rút ra kinh nghiệm về bản thân, cái nào chưa hoàn thiện và cái nào đã hoàn thiện rồi”.
Clip Học tập từ những người đi trước:
Học cách quản trị cảm xúc
Khi cảm xúc lấn át lý trí, hành động và lời nói sẽ bộc phát thiếu kiểm soát. Không dừng lại ở đời thực, nhiều người còn mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế cảm xúc trên không gian mạng, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thực tế, cảm xúc chúng ta thể hiện trên mạng có thể phản ánh và ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời thực.
Trong cuộc sống chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều dạng cảm xúc. Nếu không có kỹ năng, chúng ta sẽ dễ hành động nóng vội, khó kiểm soát hậu quả, thậm chí vô tình làm tổn thương người khác. Việc cân bằng tốt cảm xúc giúp chúng ta giữ gìn và phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là trong công việc. Thế nhưng trên thực tế, không ít người chưa biết cách quản lý cảm xúc cả ngoài đời lẫn không gian mạng, đặc biệt là cảm xúc nóng giận bực tức.
Chị Trần Ái Ân (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thấy có những thông tin rất bình thường nhưng kéo xuống phần bình luận thấy nhiều người bức xúc, chửi bới, bình luận tiêu cực, có những lời nói nếu tôi là nhân vật chính sẽ rất tổn thương”.
Anh Trần Tuấn Vũ (TP.HCM) tâm sự: “Nhiều khi tôi gặp chuyện buồn tôi muốn đăng lên mạng xã hội để xả cảm xúc nhưng thật ra làm như vậy cũng không giúp ích được gì. Người này người kia ý kiến nhưng việc của mình vẫn còn đó không được giải quyết”.
Việc quản trị cảm xúc trên mạng có thể phức tạp hơn so với cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng, chúng ta cần cân nhắc trước khi đăng tải một bài viết, bình luận hoặc chia sẻ thông tin. Suy nghĩ về cách chúng ta chia sẻ có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào, tránh việc truyền tải cảm xúc một cách tiêu cực một cách quá mức. Điều này có thể tạo ra một môi trường tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tinh thần của chính mình và người khác.
Thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng (Chuyên gia tâm lý) đưa ra giải pháp: “Việc đầu tiên là cần nhận diện cảm xúc của mình. Không nên bỏ qua những cảm xúc nho nhỏ hàng ngày, lâu dần sẽ tích tụ dẫn đến một cơn giận bùng nổ. Phải học cách đối diện, không né tránh. Tự hỏi lại bản thân vì sao nóng giận, điều gì khiến bản thân nghĩ như vậy. Tình huống này có cách nghĩ nào khác không? Dần dần chúng ta sẽ làm chủ được suy nghĩ và kiểm soát được cảm xúc”.
Trong quá trình kiểm soát cảm xúc, lời nói ngôn từ mà chúng ta sử dụng là yếu tố rất quan trọng. Sử dụng những từ ngữ khích lệ động viên tinh thần, sẽ giúp chúng ta nhìn nhận sự việc tích cực hơn. Từ đó, giúp kiểm soát cảm xúc không chỉ của bản thân mình mà còn đối với những người còn lại trong cuộc giao tiếp. Thông thường những người thiếu tự tin thường sẽ dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, dẫn đến bi quan, tức giận vô cớ. Trong khi người tự tin có khả năng chủ động kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Có được sự tự tin trong mọi tình huống giao tiếp giúp chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá phán xét của người khác, từ đó duy trì tinh thần lạc quan đầy năng lượng.
Việc cân bằng tốt cảm xúc giúp chúng ta giữ gìn, và phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là trong công việc. Trong quá trình kiểm soát cảm xúc, lời nói và ngôn từ của chúng ta sử dụng là yếu tố rất quan trọng. Sử dụng những từ ngữ mang yếu tố khích lệ và động viên tinh thần sẽ giúp chúng ta nhìn nhận sự việc tích cực hơn. Từ đó giúp kiểm soát cảm xúc, không chỉ đối với bản thân mình mà còn đối với những người còn lại trong cuộc giao tiếp.
Clip Học cách quản trị cảm xúc:
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Nguyễn Đình Cường