Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục lên sóng chia sẻ với những câu chuyện: “Kén việc” khiến nhiều người mất dần cơ hội phát triển, Giải tỏa áp lực trong công việc, Dạy con tôn trọng cá tính của người khác.
“Kén việc” khiến nhiều người mất dần cơ hội phát triển
Hiện nay, có rất nhiều trường hợp mặc dù không có việc làm nhưng vẫn rất kén công việc. Họ thường không mấy mặn mà đi tìm công việc mới hoặc thậm chí có cơ hội đến họ vẫn từ chối vì cảm thấy công việc chưa thật sự tương xứng với bản thân, trong khi chính họ đang rơi vào tình cảnh thất nghiệp, thiếu thốn về mặt kinh tế. “Kén việc” trên thực tế là một hiện tượng hay mắc phải ở những người trẻ, điều này không chỉ khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng mà còn đánh mất cả cơ hội phát triển bản thân.
Chị N.H (TP.HCM) thổ lộ: “Bản thân tôi tốt nghiệp loại xuất sắc nên tôi hơi tự cao về bản thân mình. Tôi nghĩ rằng tôi đã mất công đi tìm việc làm thì tôi nên lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực cũng như trình độ của mình. Theo tôi, việc xin vào làm ở bất kỳ công ty nào đang tuyển dụng thì khi vào làm tôi sẽ phải hối hận về sau”.
Thạc sĩ Trịnh Viết Then (Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) khẳng định: “Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “kén việc” như họ cho rằng công việc đó không xứng đáng hoặc xứng tầm, không phù hợp với lĩnh vực, chuyên môn của họ. Nếu trường hợp người lao động không tham gia hoặc từ chối một công việc mới thì họ sẽ đánh mất cơ hội được tích lũy kinh nghiệm trong những lĩnh vực, nghề nghiệp”.
Giữa nhiều nguồn thông tin tuyển dụng hiện nay thì sự lựa chọn đánh giá, kỹ lưỡng là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc từ chối công việc ngay cả những công việc phù hợp với bản thân cũng sẽ khiến cho chúng ta đánh mất cơ hội được khẳng định mình.
Giải tỏa áp lực trong công việc
Trong công việc thì chuyện căng thẳng, lo lắng là điều khó tránh khỏi. Đôi khi những điều đó lại chính là động lực thúc đẩy cho chúng ta làm việc tốt hơn, nhưng nó cũng là mối nguy hiểm đến sức khỏe và cuộc sống nếu chúng ta không có phương pháp quản lý căng thẳng, áp lực đúng cách và kịp thời.
Chị Đào Thị Xuyến (TP.HCM) thổ lộ: “Có một khoảng thời gian dài tôi rơi vào trạng thái áp lực, mệt mỏi. Việc đó khiến tôi bị suy nhược cơ thể trầm trọng. Tuy nhiên, sau một thời gian tôi chợt nhận ra là bản thân mình bắt buộc phải thay đổi. Khi bị áp lực tôi thường sẽ không mang về nhà bởi vì tôi không muốn những người xung quanh tôi bị ảnh hưởng từ những điều tiêu cực đó”.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Việt Nam) khẳng định: “Khi một người trẻ chịu áp lực trong một khoảng thời gian dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt tinh thần, dẫn đến sẽ mắc phải hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, mất đi những động lực, niềm vui trong cuộc sống và công việc. Trường hợp này được gọi là hội chứng kiệt sức đối với người lao động. Để giảm đi những áp lực từ công việc thì đầu tiên chúng ta hãy tự nâng tầm những giá trị, khả năng của bản thân mình, tích lũy thêm những kỹ năng và tri thức từ lĩnh vực công việc của mình. Thứ hai, chúng ta phải thay đổi tư duy của mình, đối diện với những áp lực, hãy xem nó là những thử thách, cơ hội để mình phát triển. Thứ ba, đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực mình, học cách quản lý tốt về mặt thời gian, cân bằng tốt giữa cuộc sống và công việc của chính bản thân”.
Để có thể giảm bớt áp lực trong công việc thì người trẻ có thể tham gia các hoạt động như nuôi thú cưng, tham gia các hoạt động trải nghiệm, tập luyện thể thao hay tập cho mình thói quen đọc sách. Chính những việc làm đơn giản như thế sẽ giúp chúng ta giải tỏa những năng lượng tiêu cực trong công việc và cuộc sống.
Dạy con tôn trọng cá tính của người khác
Cá tính với những đặc trưng riêng biệt và độc đáo là nền tảng tạo nên sự đa dạng và phong phú cho cộng đồng. Vì vậy, tôn trọng cá tính khác biệt là một cách ứng xử thông minh mà mỗi trẻ nhỏ nên được giáo dục ngay từ sớm. Nếu hiểu biết và tôn trọng cá tính của người khác thì trẻ sẽ tự tin thể hiện cá tính riêng của mình cũng như trẻ sẽ biết cách sống yêu thương và gắn kết với mọi người xung quanh hơn.
Chị M.K.T (TP.Đồng Tháp) chia sẻ: “Khi ở trường, con của tôi rất sợ phát biểu vì sợ ý kiến của mình sai, còn khi làm bài tập nhóm thì bé lại sợ các bạn chê bai ý kiến của mình. Tôi cũng thường khuyên con là ý kiến của ai cũng đáng được tôn trọng và con có thể nói lên suy nghĩ của mình bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, tôi còn khuyên bé là nên giữ gìn cá tính của riêng mình, miễn sao cá tính đó không gây ảnh hưởng đến người khác”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Để giáo dục trẻ tôn trọng sự khác biệt thì đầu tiên chúng ta cần dùng lời nói để cho trẻ có thể hiểu. Tiếp theo ba mẹ cần thể hiện sự tôn trọng đối với con của mình và đưa ra những đề nghị để con tôn trọng sự khác biệt của ba mẹ. Chắc chắn rằng thành công của việc giáo dục trẻ có thể tôn trọng sự khác biệt của người khác là xuất phát từ gia đình”.
Trong cuộc sống, việc tôn trọng cá tính của người khác không chỉ là một hành động văn minh mà còn là biểu hiện của sự tiến bộ trong quan niệm sống. Khi chúng ta dạy trẻ tôn trọng cá tính của người khác thì trẻ sẽ hiểu và thể hiện sự tôn trọng đối với sự khác biệt. Tránh xúc phạm hoặc làm tổn thương người khác, điều này sẽ khiến cho trẻ cảm thấy được yêu mến, tự tin và trẻ sẽ có văn hóa biết quý trọng giá trị con người.
Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,…
Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Đồng thời, chương trình còn tạo nên kênh thông tin phản biện, định hướng dư luận xã hội, mang đến những kỳ vọng về sự tốt đẹp, an lành và hướng thiện.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.
Nguyễn Đình Cường