Đầu giờ chiều 28/3, Tú Duyên, nhân viên văn phòng tại quận 5 (TP.HCM), và đồng nghiệp nhận email từ quản lý thông báo mọi người có thể làm việc online đến hết ngày.

Một số công ty ở TP.HCM để nhân viên nghỉ làm hoặc làm việc online trong chiều 28/3. Ảnh: Linh Huỳnh.
Văn phòng của Duyên nằm ở tầng cao nhất của một tòa cao ốc trên đường Trần Nhân Tôn. Khoảng 13h30 ngày 28/3, cô cảm nhận mọi thứ xung quanh bắt đầu rung lắc. “Ban đầu tôi cứ nghĩ do mình mệt quá nên bị chóng mặt”, nữ nhân viên văn phòng chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Tuy nhiên, khi mọi thứ lắc mạnh hơn khiến một bóng đèn ở văn phòng bị vỡ, Duyên và đồng nghiệp cảm nhận rõ sự bất thường. Tất cả nhanh chóng bảo nhau đi thang bộ, rời khỏi tòa nhà.
“Thực sự đến khi xuống tầng trệt rồi, chúng tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra”, Duyên nói.
Các nhân viên khác cũng hoang mang, phân vân không biết có nên trở lại phòng làm việc vào buổi chiều hay không. “Đến 14h15, chúng tôi nhận được email thông báo mọi người có thể về nhà và làm việc online. Tất cả đều cảm thấy nhẹ nhõm, thu dọn đồ đạc rồi về luôn”, Duyên cho hay.


Nhân viên ở quận 1, quận 7 (TP.HCM) rời tòa nhà cao tầng vào trưa 28/3. Ảnh: NVCC.
Còn Hà Linh, nhân viên làm việc tại quận 7, đã bắt xe về thẳng chung cư vào trưa 28/3, trong khi một số đồng nghiệp vẫn nán lại ở các quán cà phê xung quanh tòa nhà văn phòng.
Tuy nhiên, vì ở tầng 22 của chung cư, Linh không lên thẳng nhà, mà chọn ngồi ở quán nước gần đó. “Quán nước tôi ngồi nằm riêng biệt nên tôi nghĩ nó vẫn an toàn hơn những quán nằm trong các tòa nhà cao tầng xung quanh văn phòng”, cô nói.
Nhân viên này cho biết công ty cô nằm ở tầng 19 của tòa nhà. Gần 14h, nhiều người cảm thấy chóng mặt. “Ban đầu ai cũng nghĩ mình bị tụt đường huyết, nhưng sau khi đồ đạc rung chuyển nhiều hơn thì mới biết tòa nhà đang lắc lư. Tất cả nhanh chóng gập laptop, mang balo chạy xuống dưới”.
Linh kể một vài người còn muốn chờ thang máy, nhưng bảo vệ đã thông báo tất cả phải di chuyển bằng đường bộ. “Xuống đến nơi ai cũng thở dốc”.
Ngoài Linh, nhiều đồng nghiệp cũng xin làm online trong buổi chiều. “Quản lý hiểu mọi người lo lắng nên không ép buộc chuyện trở lại văn phòng”, cô chia sẻ.

Dân văn phòng ở quận 1 xuống đường sau khi cảm nhận tòa nhà rung lắc. Ảnh: Linh Huỳnh.
Công ty của Nguyễn An ở quận 1 thậm chí còn hủy luôn một sự kiện kỷ niệm trong chiều 28/3. Nhân viên được tan ca, trở về nhà từ 14h.
“Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến cảnh các bóng đèn rung lắc, cảm giác rất chóng mặt và buồn nôn”, nhân viên làm việc ở tầng 12 kể lại.
Anh cho biết vào thời điểm đó anh và các đồng nghiệp nhanh chóng đi thang bộ rời khỏi tòa nhà. Mọi người bảo nhau không nên mang theo quá nhiều vật dụng, chẳng hạn như balo, máy tính. Đầu giờ chiều, công ty để nhân viên nghỉ làm sớm và cho biết sẽ thông báo lại kế hoạch tổ chức sự kiện kỷ niệm sau.
Khoảng 13h20 (giờ Hà Nội) ngày 28/3, một trận động đất có độ lớn hơn 7 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ (21,71 độ vĩ Bắc, 96,02 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Động đất xảy ra tại Myanmar, nhưng đã gây ảnh hưởng tới cả các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Nhiều người dân sống hoặc làm việc trên các tòa chung cư, cao tầng ở một số khu vực tại Hà Nội và TP.HCM thấy nhà rung chuyển. Nhiều người chóng mặt như bị tụt huyết áp.
Trao đổi với Tri Thức – Znews, ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái đất – cho biết trận động đất xảy ra ở Myanmar có cường độ rất mạnh, nên người dân ở các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TP.HCM dễ cảm nhận được.
“Trận động đất rất lớn nên tầm ảnh hưởng hàng trăm km là bình thường”, ông Xuân Anh lý giải vì sao ở vị trí xa tâm chấn như TP.HCM vẫn cảm nhận được rung lắc. Ông cho biết thêm Viện Các Khoa học Trái đất đang tiếp tục theo dõi hiện tượng này.
Theo ZNews