Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, cả nước ghi nhận gần 4.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 75.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Chủng virus sốt xuất huyết lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, với số ca mắc không ngừng gia tăng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Các bác sĩ cho biết virus gây sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với type virus nào chỉ có khả năng tạo miễn dịch với type virus đó.
Người sống ở khu vực lưu hành dịch có thể mắc 3-4 lần trong đời. Đáng chú ý, khi tái nhiễm, diễn biến bệnh thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh.
Khi đó, các kháng thể của 2 hoặc 3 type virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể, đồng thời virus cũng được nhân lên rất mạnh, khiến các phản ứng như sốt, đau mỏi… sẽ trầm trọng hơn. Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong.
Thời kỳ ủ bệnh của sốt xuất huyết là 3-6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ vùng đau thắt lưng, chân.
Một số trường hợp có thể kèm dấu hiệu đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.
Từ ngày 3 đến ngày thứ 8 hết giai đoạn sốt, bệnh nhân thường kèm biểu hiện có chấm xuất huyết dưới da và chảy máu mũi.
Sau khi hạ sốt, người bệnh thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Những trường hợp có nguy cơ cao tái nhiễm sốt xuất huyết là người dân sống ở khu vực sốt xuất huyết lưu hành. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người bệnh nên đi khám sớm để được hướng dẫn cách theo dõi, điều trị.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, với số ca mắc không ngừng gia tăng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết ngay trong tuần đầu của tháng 9/2023 đã tăng gấp đôi so với tháng 8/2023. Theo đó, nếu như tháng 8/2023, có vào khoảng 500-600 ca sốt xuất huyết/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.100 ca/tuần.
Thế nhưng, trong khi dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, nguy hiểm thì một bộ phận người dân vẫn chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng và điều trị bệnh.
Ngoài nguyên nhân khí hậu và thời tiết thời điểm này rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển thì chính thói quen, sinh hoạt của người dân cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch diễn biến phức tạp.
Qua công tác kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai – địa bàn có số ca mắc đứng thứ 2 của TP.Hà Nội (với 623 ca) cơ quan chức năng phát hiện nhiều bể chứa nước, các chậu hoa, cây cảnh không được thay rửa thường xuyên dẫn đến có nhiều bọ gậy.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Ngoài ra, khi mắc bệnh nhiều người còn chủ quan tự điều trị bệnh, do đó, không ít trường hợp người mắc sốt xuất huyết nhập viện khi rơi vào tình trạng nguy hiểm. Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô là gần 1.300 ca, trong đó có 35 ca nặng.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là một bệnh lý không mới. Tuy nhiên, các vấn đề về kiểm soát, dự phòng và điều trị vẫn luôn là những thách thức với ngành Y tế.
Các bác sĩ cũng cho rằng, đa số trường hợp sốt xuất huyết trở nặng đều do thói quen chủ quan không đi khám bệnh, tự uống thuốc và nghĩ rằng hết sốt là hết bệnh. Trong khi đó, sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc hiệu, bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng.
Do đó, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là sau khi hết sốt. Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến 7.
Bệnh nhân gặp các biến chứng như tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, sốc sốt xuất huyết. Nếu chậm trễ điều trị, người bệnh có thể tử vong
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương một lần nữa nhấn mạnh, tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cần xác định việc loại trừ các ổ bọ gậy là yếu tố căn cơ, cốt lõi.
Theo chỉ đạo của ngành Y tế Hà Nội các địa phương cần tăng cường tổng vệ sinh hằng tuần, xây dựng phong trào vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp tại gia đình, khu dân cư, trên diện rộng tại khu đất trống, đền chùa, khu vực xây dựng, trường học…
Đáng lưu ý, khi phát hiện sốt cao liên tục, người dân cần báo ngay cho trạm y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám, điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.
Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.
Tại Bangladesh, ít nhất 691 người chết vì sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay, trong khi hơn 138.000 người khác mắc bệnh.
Dù chưa hết năm, 2023 đã trở thành năm chết chóc nhất kể từ khi ca sốt xuất huyết đầu tiên được ghi nhận ở Bangladesh năm 2000.
Còn Nepal, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 13 trường hợp tử vong và hơn 21.200 ca bệnh ở 75 trong số 77 huyện toàn quốc.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định mối đe dọa từ sốt xuất huyết không chỉ giới hạn ở Nam Á mà đang xảy ra trên toàn cầu.
Năm 2022, WHO ghi nhận khoảng 4,2 triệu ca bệnh, tăng gấp 8 lần so với năm 2000. Biến đổi khí hậu theo hướng thời tiết ấm lên đang tạo điều kiện cho bệnh dịch lan rộng.
Theo báo Đầu Tư