Uống nước 1-2 giờ trước khi ngủ giúp cấp ẩm cho cơ thể, giải tỏa căng thẳng, thúc đẩy thải độc tự nhiên và cải thiện sức khỏe tiêu hóa.
Thiếu nước có thể tác động tiêu cực đến tâm trạng, ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ – thức. Người thường xuyên uống nước và đủ lượng nước khuyến cáo có xu hướng giữ bình tĩnh tốt hơn, ít cảm xúc tiêu cực. Ngược lại, người uống ít nước thường mất bình tĩnh, dễ mệt mỏi, cáu gắt.
Uống một cốc nước ấm vào buổi tối trước khi ngủ có thể giải độc cơ thể và cải thiện tiêu hóa. Nước ấm làm tăng lưu thông máu, tăng khả năng phân hủy chất thải và tăng lượng mồ hôi. Đổ mồ hôi khiến bạn mất một ít chất lỏng, song quá trình này có thể hỗ trợ loại bỏ lượng muối hoặc chất độc dư thừa, làm sạch tế bào da. Uống nước ấm trước khi ngủ giúp cơ thể loại bỏ các độc tố không mong muốn, từ đó giảm đau hoặc chuột rút ở dạ dày.
Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, bị nghẹt mũi dễ mất nước do thở bằng miệng, khiến vòm miệng dính và đường mũi khô, làm tăng nguy cơ ngáy ngủ. Giữ đủ nước có thể giảm ngáy vào ban đêm.
Tuy nhiên, bạn nên tính toán thời gian và lượng nước cần uống trước khi ngủ. Không nên uống nước ngay trước khi lên giường, thay vào đó nên uống một cốc nước vừa khoảng 100-200 ml cách giờ ngủ 1-2 tiếng. Duy trì uống nước trong ngày để tránh mất nước hoặc tăng cường rau, trái cây chứa nhiều nước. Cung cấp chất lỏng cho cơ thể nhiều hơn khi làm việc ngoài trời nắng và hoạt động thể dục thể thao.
Uống nước sát giờ ngủ có thể đi tiểu đêm nhiều lần, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tuổi tác đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ và chu kỳ tiết niệu. Người lớn tuổi, chức năng bàng quang tiết niệu có thể suy yếu. Do đó, những người này nên uống ít nước hơn vào buổi tối.
Người uống nước trước khi ngủ gặp triệu chứng bất thường nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể. Tránh uống nước tăng lực, đồ uống nhiều đường, chứa caffeine vào buổi chiều, tối vì dễ làm tăng đường huyết, tỉnh táo không cần thiết, khiến chất lượng giấc ngủ kém.
Theo VNExpress