Nhà có 5 người lại thuê thêm cả giúp việc, 2 vợ chồng chị Trâm chưa tháng nào mà không tiêu ít hơn mức 40 triệu đồng.
Đây chính là thực tế bài toán chi tiêu gia đình của nhà chị Võ Hoài Trâm (32 tuổi). Hiện vợ chồng chị đã có ba con (1 con lớn, 1 con nhỏ và 1 bé sơ sinh) đang thuê 1 căn hộ ở chung cư khu vực Đống Đa, Hà Nội.
Thực tế chi tiêu gia đình 5 người ở Hà Nội
Với tổng thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng trẻ này chừng 45 – 50 triệu/tháng. Thu nhập gia đình không được fix cứng bởi Trâm buôn bán online, trung bình thu nhập mỗi tháng từ 25 – 40 triệu. Còn chồng Trâm làm điện nước bên ngoài nên thu nhập mỗi tháng ước chừng từ 12-16 triệu. Bởi thế, số tiền sẽ có dao động mỗi tháng khác nhau.
Chưa mua căn hộ chung cư vì hai vợ chồng chị Trâm sợ đi vay tiền không đủ tiềm lực trả, phần vì gia đình con cái còn khá nhỏ và nheo nhóc, phần vì phải giữ vốn còn làm ăn. Nhà đông con, lại bận rộn với công việc buôn bán nên chị Trâm thuê thêm 1 người giúp việc. Mỗi tháng tổng những khoản tiền cứng chị phải chi trả “đều như vắt tranh” như sau:
– Tiền điện, nước, internet và di động: 1,1 triệu/tháng
– Tiền thuê căn hộ, phí quản lý: 7 triệu/tháng
– Tiền gửi 1 xe đạp, 2 xe máy: 230k/tháng (100k/xe máy, 30k/xe đạp)
– Tiền gửi ô tô: 800k/tháng
– Tiền xăng xe: 1,5 triệu/tháng (do ô tô của nhà chị Trâm chỉ dùng để đi về quê hoặc đi chơi cuối tuần. Còn hàng ngày đi làm, đưa con đi học, đi chợ, vợ chồng chị đều sử dụng xe máy nên tiền xăng xe mỗi tháng hết khoảng: Xe của vợ: 300k, xe của chồng: 400k, xe ô tô: 800k).
– Tiền thuê giúp việc: 6 triệu/tháng
– Tiền chợ cho gia đình 5 người 1 giúp việc: 12 triệu/tháng. Để tiết kiệm chi tiêu, nhà chị Trâm đi chợ theo tuần ở chợ đầu mối và ăn sáng 100% ở nhà. Thông thường bữa sáng nhà chị Trâm ăn cơm rang, nấu xôi, nấu bún, cháo, mỳ và đổi bữa luân phiên.
– Tiền ga và đồ dùng linh tinh trong nhà: 1 triệu/tháng. Thông thường 1 tháng nhà chị Trâm dùng không hết một bình ga, nhưng chị phải mua giấy vệ sinh, kem đánh răng, xà phòng, khăn mặt… Và khoản tiền này không tháng nào không hết chừng đó.
– Tiền học của con thứ nhất: 3 triệu/tháng, học trường công, đã tính cả tiền học thêm.
– Tiền học của con thứ hai: 1,7 triệu/tháng. Con 5 tuổi nên chị cho đi học mẫu giáo ở trường công. Số tiền này đã cộng các khoản tiền ăn, phụ thu thêm và tiền cho con học thêm tiếng Anh.
– Tiền sữa cho con: 1 triệu/tháng
– Tiền hiếu hỷ: 1 triệu/tháng
– Bảo hiểm cho 5 người: 5 triệu/tháng
– Cafe, xem phim, hưởng thụ, shopping quần áo giày dép cả nhà: 2 triệu/tháng. Cuối tuần, vợ chồng chị Trâm thường cho con ra ngoài chơi. Nếu tháng nào không đi, chị sẽ để vào một góc riêng để dành cho các chuyến đi vào các dịp nghỉ lễ cho cả gia đình.
– Tiền dự phòng ốm đau: 1 triệu/tháng
Tổng chi: 44.330.000 đồng/tháng
Nói về tổng chi của nhà mình, chị Trâm chia sẻ: “Không tháng nào, nhà mình lại không phải chi tiêu trong chừng ấy. Nói chung gia đình mình chi tiêu không phải quá tằn tiện, tiết kiệm nhưng cũng chỉ đi ăn chơi hưởng thụ 1 chút. Nếu tháng nào kiếm được thì vợ chồng còn có tiền tiết kiệm. Còn tháng nào kiếm được ít hơn thì mình lúc ấy phải tự hạn chế khoản du lịch, giày dép, ăn nhậu đi để cố gắng cân bằng các khoản chi tiêu trong gia đình”.
Mẹo chi tiêu tiết kiệm cho có khoản tiền để phòng lúc ốm đau, mua bảo hiểm mỗi tháng
Theo bà nội trợ này cho biết, để cố gắng có khoản tiền để dành mỗi tháng phòng lúc ốm đau, nhà có việc hay cho việc mua bảo hiểm thì chị luôn phải áp dụng những mẹo chi tiêu sau:
– Để dành ra ngay một khoản tiết kiệm nếu có thể: Nếu tháng nào, thu nhập từ công việc làm điện nước của chồng ổn định, hoặc bán hàng được nhiều hơn thì chị Trâm sẽ để dành vài triệu đó ngay để tiết kiệm 1 khoản cho tương lai. Số tiền tiết kiệm này, chị gửi ngân hàng. Tùy theo mức lãi suất thay đổi theo từng ngân hàng và từng thời điểm mà chị tính toán gửi ở ngân hàng đó.
– Luôn để dự phòng 1 khoản cho ốm đau: Nhà có trẻ nhỏ nên hầu như tháng nào cũng phải dùng tới khoản này khi “tới thăm” bác sĩ hoặc lấy thuốc. Do đó, ngay từ đầu tháng chị Trâm cũng dành riêng một khoản dự phòng này. Tháng nào không dùng tới, lại cho vào quỹ tiết kiệm.
– Khi đi chợ đầu mối cuối tuần hoặc đi siêu thị, chỉ nhất định mua hàng trong danh sách đã liệt kê. Quyết không mua những khoản phát sinh hoặc chi tiêu không kế hoạch.
– Liệt kê những khoản chi tiêu cứng cho cả tháng. Đó là những khoản tiền mà tháng nào theo chị Trâm cũng phải bỏ tiền ra như: gạo, mắm, muối, dầu ăn, tiền xăng xe đi lại, xà phòng…
“Mình toàn phải làm vậy để số còn lại dự kiến cho tiêu dùng hàng ngày, chia đều cho các ngày trong tháng. Chỉ như vậy mình mới biết được chi tiêu bao nhiêu mỗi tháng. Nói chung chi tiêu như vậy, bản thân mình đánh giá là hợp lý. Chi tiêu cho 5 người, thêm 1 giúp việc trong gia đình ở Hà Nội, phải chừng đó mới đủ”, chị Trâm chia sẻ.
Theo Sức Khỏe Đời Sống