VietNamNet trao đổi với LS Phan Vũ Tuấn về những vấn đề pháp lý xoay quanh tranh chấp giữa con gái và gia đình em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh.
LTS: Sau khi nghệ sĩ Vũ Linh qua đời ngày 5/3 đến nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan tranh chấp về tài sản giữa con gái – chị Võ Thị Hồng Loan và em gái – nghệ sĩ Hồng Nhung, cháu gái – ca sĩ Hồng Phượng, trợ lý Lê Trần Kim Nga.
Vừa qua bà Hồng Nhung kiện chị Loan đòi chia di sản thừa kế, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đã thụ lý vụ án dân sự.
VietNamNet đã liên hệ đôi bên để làm rõ tranh chấp nhưng không nhận được phản hồi. Mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin sai sự thật, tin xấu độc liên quan lẫn không liên quan đến tranh chấp giữa đôi bên gây nhiễu dư luận.
Với mong muốn làm rõ những thắc mắc của dư luận về vụ việc gây ồn ào ở góc độ pháp lý, VietNamNet có cuộc trao đổi với LS Phan Vũ Tuấn – Sáng lập và điều hành Phan Law Vietnam, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM về những vấn đề xoay quanh tranh chấp giữa con gái và gia đình em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh.
– Hiện tại, bà Hồng Loan làm thế nào để chứng minh mình là con ruột của cố nghệ sĩ Vũ Linh?
LS Phan Vũ Tuấn: Căn cứ theo quy định tại điểm b, Điều 6, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 quy định về Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân, giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
Việc bà Hồng Loan có giấy khai sinh có thể hiện cố nghệ sĩ Vũ Linh là cha của mình đây được xem là giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, con của ông Linh và bà Loan. Bà Loan có thể dùng làm căn cứ để có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác định quan hệ cha con.
Ngoài ra, việc sử dụng kết quả giám định ADN cũng là một trong những căn cứ để chứng minh quan hệ cha con giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Hồng Loan. Trong trường hợp không thể có được ADN của ông Vũ Linh, bà Loan có thể thông qua việc sử dụng mẫu ADN của người thân để xác nhận quan hệ cha con.
Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con theo quy định tại điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Nếu xảy ra tranh chấp, việc xác định cha con trong trường hợp này thuộc về TAND có thẩm quyền. Bà Loan có thể yêu cầu TAND có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con đối với ông Vũ Linh.
Cháu gái Hồng Phượng và con gái Hồng Loan trong đám tang nghệ sĩ Vũ Linh.
– Việc bà Hồng Loan có hay không có quan hệ huyết thống với cố nghệ sĩ Vũ Linh sẽ làm thay đổi thế nào về quyền và nghĩa vụ đối với di sản thừa kế của ông?
LS Phan Vũ Tuấn: Về việc có hay không mối quan hệ huyết thống đối giữa bà Loan và cố nghệ sĩ Vũ Linh hiện chưa thể xác định vì chưa có đủ thông tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong trường hợp bà Loan thật sự là con của ông Vũ Linh theo xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bà Loan có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người con đối với cha của mình.
Khi nghệ sĩ Vũ Linh mất, nếu không có di chúc hoặc thuộc các trường hợp khác quy định tại khoản 1 Điều 650 của Bộ luật Dân sự 2015, phần di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật. Theo Điều 651 quy định về người thừa kế theo pháp luật, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người c.hết.
Như vậy, trường hợp bà Loan có quan hệ cha con với ông Vũ Linh sẽ phát sinh quan hệ thừa kế, bà Loan và các đồng thừa kế còn lại (nếu có) sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà ông Vũ Linh để lại theo quy định của pháp luật.
Cần lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật tại Điều 651, không phân biệt giữa con nuôi và con ruột. Vì vậy, trong trường hợp bà Loan chỉ là con nuôi của ông Vũ Linh đi nữa, quyền và nghĩa vụ đối phần di sản thừa kế của bà Loan không bị ảnh hưởng.
– Những chủ thể nào có quyền thừa kế tài sản của ông Vũ Linh trong trường hợp ông qua đời không để lại di chúc?
LS Phan Vũ Tuấn: Theo điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp không có di chúc sẽ áp dụng thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 651 quy định về những người thừa kế theo pháp luật thứ tự như sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người c.hết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người c.hết; cháu ruột của người c.hết mà người c.hết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người c.hết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người c.hết; cháu ruột của người c.hết mà người c.hết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người c.hết mà người c.hết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã c.hết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Với thông tin và dữ kiện hiện tại, chưa thể xác định cụ thể những ai được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp của cố nghệ sĩ Vũ Linh, chỉ có thể dựa trên quy định của pháp luật mà nói đó là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông.
Chị Hồng Loan bên cha – nghệ sĩ Vũ Linh thời bé. Ảnh: FBNV
– Trên internet xuất hiện đoạn video nghệ sĩ Vũ Linh sinh thời nói về quyền sở hữu một bất động sản sau khi ông mất, có được xem là di chúc miệng?
LS Phan Vũ Tuấn: Căn cứ Khoản 1, Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc bằng miệng có thể được lập khi người đó bị cái c.hết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
Bên cạnh đó, Điều 630 bộ luật còn quy định di chúc bằng miệng được xem là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Theo video clip mà quý báo gửi, chúng tôi chưa đủ cơ sở để xác định ý chí của cố nghệ sĩ Vũ Linh vào thời điểm đó là lập di chúc hay chỉ là lời tâm sự đơn thuần.
Hơn nữa, giả sử cố nghệ sĩ có ý định lập di chúc, bối cảnh chưa cho thấy có ông bị cái c.hết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản, cũng như việc lập di chúc miệng có được ghi lại bởi người làm chứng và sau đó lời ghi chép đó được công chứng hay chứng thực hay không.
Trường hợp lời nói của ông Vũ Linh đáp ứng yêu cầu về hình thức, sau 3 tháng kể từ thời điểm có đoạn hội thoại kia, nếu ông vẫn còn sống thì di chúc đó mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy với thông tin hiện tại, chúng ta chưa thể kết luận được nghệ sĩ Vũ Linh có để lại di chúc miệng hay không.
Nghệ sĩ Hồng Nhung (bên phải) – em gái nghệ sĩ Vũ Linh.
– Theo luật, chủ thể nào có quyền tổ chức đám tang, ký hợp đồng truyền thông chương trình lễ tang và ký hợp đồng xây mộ cho nghệ sĩ Vũ Linh với bên thứ 3?
LS Phan Vũ Tuấn: Hiện tại, pháp luật không quy định cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức tang lễ đối với người không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Vì vậy, việc tổ chức tang lễ sẽ thực hiện theo phong tục, tập quán Việt Nam mà theo đó những người thân thích, thành viên gia đình thường sẽ là người đứng ra tổ chức tang lễ cho người đã mất.
Việc ký hợp đồng truyền thông chương trình lễ tang và xây mộ là giao dịch dân sự. Các bên có quyền tự do thỏa thuận và thực hiện với điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Như vậy, người thân thích, thành viên gia đình có thể được xem là chủ thể có quyền ký các hợp đồng này.
– Cháu gái Hồng Phượng, em gái Hồng Nhung và trợ lý Kim Nga có quyền và nghĩa vụ gì đối với ông Vũ Linh và bà Hồng Loan?
LS Phan Vũ Tuấn: Phan Law trả lời câu hỏi này trong bối cảnh quý báo đưa ra là bà Hồng Loan không đồng ý việc phía Hồng Phượng không công bố sao kê số tiền phúng điếu bao nhiêu, chi cho việc gì; tự ý sử dụng danh nghĩa của nghệ sĩ Vũ Linh để kêu gọi quyên góp tiền; và đặt vấn đề số tiền BH Media trả cho phía Hồng Phượng sau khi ghi hình chương trình tang lễ.
Về vấn đề tiền phúng điếu: Mục đích gửi tiền phúng điếu thường được hiểu là hỗ trợ cho cho những khoản chi phí khi tổ chức tang lễ. Như vậy, người gửi tiền sẽ là người có quyền yêu cầu người nhận chứng minh việc sử dụng tiền đúng mục đích, nếu không người nhận phải chịu trách nhiệm theo pháp luật.
Như vậy, nếu bà Hồng Loan không phải là người gửi tiền thì bà Hồng Phượng không phải cung cấp thông tin cho bà Loan.
Theo khoản 1 Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015, về nguyên tắc, chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng sẽ được trích từ di sản của người c.hết. Như vậy, các chi phí tổ chức đám tang của cố nghệ sĩ Vũ Linh sẽ được trích trả từ khoản tiền phúng điếu này.
Vấn đề tự ý sử dụng danh nghĩa ông Vũ Linh để kêu gọi quyên góp tiền: Phan Law không có đủ thông tin về việc quyên góp này được thực hiện như thế nào và có ảnh hưởng ra sao đến bà Hồng Loan. Tuy nhiên, tương tự việc sử dụng tiền phúng điếu, người nhận phải chịu trách nhiệm nếu không sử dụng tiền đúng mục đích đã quyên góp.
Về số tiền BH Media đã trả: Theo thông tin của quý báo, Phan Law hiểu rằng số tiền này phát sinh từ hợp đồng truyền thông tang lễ giữa BH Media và bà Hồng Phượng.
Về nguyên tắc, hợp đồng chỉ ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia và có hiệu lực nếu không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Do đó, chúng ta phải có được bản hợp đồng mới có thể xác định được các vấn đề pháp lý liên quan.
Theo Vietnamnet