Bộ Y tế nêu một số lý do khiến nhiều người đã đến lịch tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 nhưng chưa đi tiêm.
Đến hết quý I năm 2022, ước tính khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 (40,4 triệu người). Đến hết 31/3, 33,4 triệu người được tiêm mũi 3. Tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên là 49% (đạt khoảng 83% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm), đến ngày 8/4 là 50,8%.
Một số chưa tiêm mũi 3 vì vừa qua lượng người mắc COVID-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng. Bên cạnh đó, có người tiêm 2 liều vaccine sau khi mắc COVID-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người TP.HCM. (Ảnh: Sở Y tế TP.HCM)
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.
Các địa phương cũng cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay sau khi được cung ứng.
Liên quan đến tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, theo Bộ Y tế, đến nay, hơn 53 quốc gia có kế hoạch/triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng cho trẻ ở các quốc gia được triển khai khác nhau, nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh Châu Âu, Mỹ triển khai tiêm chủng cho toàn bộ trẻ 5-11 tuổi. Các nước chủ yếu sử dụng vaccine Pfizer tiêm cho trẻ 5-11 tuổi và vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi.
Đến nay Việt Nam đã tiêm được 208,2 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 8/4 là: Mũi 1 và mũi 2 100%, tiêm mũi 3 đạt 50,8%. Đối với người từ 12 – 17 tuổi mũi 1 là 99,8% và mũi 2 là 95,2%.
Theo VTC