Nếu nhận thấy con mình đang có xu hướng tâm sự với ông bà nhiều hơn với bạn, thì cũng đừng lo lắng, đây hẳn là điều không hiếm gặp.
Khoảng một nửa số trẻ em ngày nay cảm thấy thoải mái hơn khi đến gặp ông bà để xin lời khuyên hơn là đến gặp cha mẹ. (Ảnh: ITN).
Trên thực tế, nghiên cứu mới chỉ ra rằng, khoảng một nửa số trẻ em ngày nay cảm thấy thoải mái hơn khi đến gặp ông bà để xin lời khuyên hơn là đến gặp cha mẹ.
Cuộc khảo sát do Preply thực hiện đã hỏi các bé những câu hỏi về ông bà, bao gồm biệt danh mà chúng gọi ông bà, tần suất chúng dành thời gian bên ông bà và khả năng chúng sẽ tìm kiếm sự chỉ bảo từ họ.
Kết quả khá thú vị và vẽ nên một bức tranh tổng thể tích cực về mối quan hệ ông bà với các cháu ngày nay.
Mối ràng buộc ông bà và các cháu
Ông bà ngày nay không muốn con cháu nghĩ mình là người già. (Ảnh: ITN).
Một số lượng lớn trẻ em (68%) được khảo sát tại Hoa Kỳ cho biết, chúng thích dành thời gian với ông bà hơn là cha mẹ của chúng.
Theo Sylvia Johnson, người đứng đầu phương pháp luận tại Preply cho biết: “Ngày nay, ông bà có thể đảm nhận vai trò cố vấn nhiều hơn cho các cháu mà không phải chịu đựng cảm giác căng thẳng hàng ngày và chịu trách nhiệm như khi nuôi dạy con cái.
Đồng thời, một đứa trẻ có thể đến gặp ông bà để xin lời khuyên mà không sợ bị cha mẹ thất vọng hay phán xét”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ không có vai trò tích cực và quan trọng trong cuộc sống của con cái. Ông bà chỉ đóng một vai trò khác.
Johnson nói thêm: “Đây là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó trong gia đình, đặc biệt là ở những nhà có nhiều thế hệ chung sống cùng nhau”.
Michelle Landeros, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết: “Trẻ em cũng có thể tiếp thu mối liên kết mạnh mẽ và có ảnh hưởng mà mẹ chúng từng có với bà, vì vậy chúng hướng về bà ngoại một cách tự nhiên.
Bà ngoại có thể thông thạo các kỹ thuật và cách tiếp cận chăm sóc của người mẹ, dẫn đến sự tương tác suôn sẻ hơn với trẻ.”
Mặt khác, ông bà ngày nay không muốn con cháu nghĩ mình là người già. Sau khi con cái lập gia đình riêng, ông bà thường vẫn năng động, khỏe mạnh và có thể sống lâu hơn.
Johnson cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xu hướng đó ngày càng phổ biến. Ông bà thời nay thích dùng những biệt danh hiện đại hơn thay vì “ông” và “bà” thông thường”.
Lợi ích của mối quan hệ ông bà và cháu
Sự tham gia của ông bà mang lại lợi ích rất lớn cho trẻ em và gia đình. (Ảnh: ITN).
Sự tham gia của ông bà mang lại lợi ích rất lớn cho trẻ em và gia đình. Nghiên cứu đã xác nhận rằng trẻ em lớn lên cảm thấy an toàn hơn và dễ dàng đối phó với những biến cố bất lợi trong cuộc sống hơn khi có ông bà thường xuyên tham gia chăm sóc chúng.
“Những đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có ông bà thường có xu hướng thể hiện tình yêu thương vô điều kiện. Từ đó chúng sẽ cảm thấy an toàn hơn và có giá trị hơn”, Landeros nói.
Chìa khóa để ông bà nhận được những lợi ích này chính là việc tham gia chăm sóc trẻ và đóng vai trò tích cực trong cuộc sống của trẻ.
Johnson cho biết: “Những đứa trẻ tham gia cuộc khảo sát tiết lộ rằng chúng tâm sự với ông bà về những điều chúng không thoải mái khi nói chuyện với cha mẹ. Chúng cũng dành thời gian với ông bà thường xuyên gấp đôi so với những người khác”.
Có một người lớn là điểm tựa an toàn khi cảm thấy khó nói chuyện với cha mẹ sẽ tạo nên sự khác biệt khi trẻ phải đối mặt với những thử thách cá nhân.
Giới chuyên gia cũng đồng ý rằng, mối quan hệ giữa ông bà và cháu thường ít căng thẳng và ít bất đồng hơn, chủ yếu là do ông bà thường áp dụng cách tiếp cận không can thiệp.
Trong khi nhiều bậc cha mẹ có xu hướng chỉ bảo, sửa chữa và đôi khi khiển trách con cái, thì ông bà lại có xu hướng ít phán xét và ít chỉ trích hành động của cháu mình, vì vậy trẻ em có thể dễ mất cảnh giác hơn và ít đề phòng hơn khi ở cạnh ông bà.
Theo Giáo Dục Thời Đại