Nhồi máu cơ tim thường được biết đến là một căn bệnh liên quan đến người lớn tuổi nhưng ngày nay đang ngày càng trở nên phổ biến ở những người trẻ tuổi.
Một trong những trường hợp gần đây là nam bệnh nhân 30 tuổi, làm IT (công nghệ thông tin). Do đặc thù công việc, thanh niên này thường xuyên thức khuya, ngồi một chỗ nên có tình trạng béo phì, thừa cân. Bệnh nhân đã đến viện khám do bị tức ngực.
Sau các xét nghiệm, bệnh nhân được xác định nhồi máu cơ tim cấp. Các hình ảnh chụp chiếu còn cho thấy anh có dấu hiệu hẹp động mạch từ lâu. Điều này chứng tỏ bệnh nhân đã có tổn thương động mạch vành từ trước.
Nhiều người trẻ hiện nay thường xuyên thức khuya và nó đã trở thành thói quen khó bỏ của họ. Ảnh minh họa.
Ngay sau đó, bác sĩ đã tái thông động mạch, đặt stent lớn vào động mạch liên thất trước của bệnh nhân. Sau khi can thiệp, dòng chảy mạch máu tốt, các triệu chứng cải thiện dần, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được ra viện sau 3 ngày.
Bác sĩ cho biết, ở người già, các cơn đau ngực thường xuất hiện nhiều lần, cộng với sự quan tâm về sức khỏe nên bệnh thường được phát hiện sớm. Trong khi đó, người trẻ ít quan tâm đến sức khỏe hơn nên khi xuất hiện tình trạng đau ngực thường chủ quan bỏ qua. Chính tâm lý này khiến họ không nghĩ rằng các cơn đau ngực có liên quan đến bệnh tim mạch nguy hiểm.
Nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. (1)
Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong.
Do đó, việc nhận diện những dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch ở người trẻ, đặc biệt là triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất quan trọng.
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:
– Xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay. Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
– Người bệnh có biểu hiện vã mồ hôi, khó thở, thở khò khè
– Biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực
– Biểu hiện nôn, buồn nôn, lú lẫn
– Một số người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Lưu ý, không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột. Vì vậy, người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu bất thường trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể, tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cần làm gì để phòng tránh nhồi máu cơ tim?
Muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều người trẻ cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học. Cụ thể cần lưu ý những điều sau:
-Cần theo dõi và kiểm soát tốt hàm lượng Cholesterol trong máu.
– Kiểm soát huyết áp, bệnh tiểu đường.
– Không hút thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích gây hại.
– Chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
– Giữ cân nặng luôn ổn định, tránh béo phì.
– Luyện tập thể dục thể thao điều độ.
– Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng.
– Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để phát hiện và tầm soát bệnh sớm nhất.
Theo Người Đưa Tin