Theo cảnh báo của BS Nguyễn Trung Nguyên, thuốc lá điện tử không chỉ gây hại cho sức khỏe người dùng mà nguy hại hơn việc đưa các loại ma túy, cần sa vào trong thuốc lá điện tử bán cho người sử dụng.
Nhiều tổn thương từ thuốc lá điện tử
Tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế tổ chức sáng 22/3, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết: Nicotin không chỉ có trong thuốc lá truyền thống mà còn có trong thuốc lá điện tử.
Nicotin thực sự là chất độc và gây nghiện, thậm chí các nước cấm dùng nicotin làm thuốc trừ sâu, gây độc lên các bộ phận trên cơ thể. Vậy tại sao đưa nicotin và thuốc lá điện tử với nồng độ cao?
Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn nhiều chất gây hại khác, chất gây ung thư, tổn thương não, ảnh hưởng hô hấp…
“Với cơ chế của thuốc lá điện tử, việc sử dụng thường xuyên sẽ khiến người trẻ mang các bệnh lý như 1 người già, gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể như vôi hóa mạch máu, đột quỵ…”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Thuốc lá điện tử núp bóng dưới nhiều hình thức hấp dẫn giới trẻ sử dụng, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Ông Nguyên cho biết thêm, Mỹ là quốc gia đang chịu gánh nặng với số lượng bệnh nhân tổn thương phổi và tử vong vì căn bệnh này do thuốc lá điện tử có chứa chất evali, tương tự ở Thái lan, Trung Quốc….
Tại VN, qua kiểm tra trên người dùng thuốc lá điện tử, chụp phổi cho thấy rõ tổn thương phổi cấp. 25-85% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau, rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau ra viện, tổn thương phổi mạn tính…
Tác hại không kém thuốc lá thông thường, thậm chí ngoài gây viêm phế quản phổi mạn, thuốc lá điện tử còn gây giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tác động đề tâm thần kinh, tổn thương não nặng hơn cả với đột quỵ ở người cao tuổi…
Ông Nguyên còn cảnh báo việc đưa các loại ma túy, cần sa vào trong thuốc lá điện tử bán cho người sử dụng. Khiến nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không thuốc lá điện tử…
Dẫn chứng điều này, BS Nguyên cho biết, tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi với tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tin, sốc, suy thận. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma túy tổng hợp. Hay như bệnh nhân nam mới chỉ 17 tuổi, đến việc trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật, tiêu cơ vân, nhịp tim chậm vì nguyên nhân ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa chất gây hại…
Có bệnh nhân dùng thuốc lá điện tử khi vào viện dù nhìn bề ngoài bình thường nhưng kiểm tra có dấu hiệu bệnh lý động kinh, giảm trí nhớ, mất ngủ…
“Rượu và thuốc lá truyền thống đã mang lại nhiều mối nguy về sức khỏe, chúng ta chưa giải quyết xong, do vậy nếu tiếp tục “thả” thuốc lá điện tử thì không thể lường hết hậu quả do sản phẩm này mang lại về cả sức khỏe và kinh tế… Chúng ta cần có chính sách quản lý phù hợp, cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử”, ông Nguyên chia sẻ.
Gia tăng người trẻ dùng thuốc lá điện tử
Ths. BS Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBrigde Việt Nam chia sẻ: Thuốc lá điện tử núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như thỏi son, hộp sữa, cây kem và nhiều hương vị ko để lại mùi hôi như thuốc lá truyền thống; Giá cả đa dạng từ 17.000 đồng, với chương trình khuyến mại “mua 2 tặng 1″…. khiến giới trẻ dễ tiếp cận với sản phẩm này. Cha mẹ không thể kiểm soát.
Bà An cho biết thêm, thuốc lá điện tử được bán trên các sàn điện tử với các quảng cáo núp bóng “mỹ phẩm”, “bàn chải điện”… hoặc bán trực tiếp tại các shop Vape trên nhiều con phố.
Theo điều tra của WHO, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên. Nếu năm 2019 (nhóm 13-17 tuổi), tỷ lệ chung 2 giới sử dụng thuốc lá điện tử là 2,6%; năm 2022 tỷ lệ tăng lên 3,5%; Năm 2023, trong nhóm 11-18 tuổi tỷ lệ là 7%, trong nhóm 13-15 tuổi tỷ lệ là 8%…
“Việt Nam cần ban hành chính sách để kiểm soát các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ Việt Nam”, bà An khuyến cáo.
Trước thực trạng này, Ths Đinh Thị Thu Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay: Hiện đang thiếu cơ chế pháp lý đối với thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Tuy nhiên với tác hại của thuốc lá mới, cần đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới. Điều này phù hợp với xu thế trên thế giới đối với phần lớn các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, tác động tích cực về kinh tế, xã hội và sức khỏe người dân…
Việc cấm còn hạn chế việc sử dụng, nghiện thuốc lá mới, các chất ma túy hoặc chất cấm khác có thể pha trộn trong thuốc lá mới, từ đó hạn chế các tệ nạn xã hội có thể phát sinh do hành vi nghiện gây ra…
Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái an, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Theo Báo Giao Thông