Ngoài công dụng trị đau nhức, cảm mạo…, dầu gió còn được sử dụng trong một số mẹo vặt gia đình, chẳng hạn như nhỏ dầu gió vào bồn cầu.
Dầu gió có thành phần là tinh dầu thảo dược như bạc hà, khuynh diệp, gừng, quế, tràm… và các chất chiết xuất từ tinh dầu như menthol, methyl salicylat, camphor… nên có mùi thơm đặc trưng.
Nhỏ dầu gió vào bồn cầu có tác dụng gì?
Bồn cầu, nhà tắm thường xuyên ẩm ướt, vi khuẩn tích tụ, sinh sôi nên dễ gây mùi hôi, khiến không gian sống trở nên khó chịu, kém an toàn. Với những tác dụng nổi bật như khử mùi và làm sạch không khí, nhiều người đã dùng dầu gió vào việc làm sạch bồn cầu và khử mùi hôi trong nhà vệ sinh.
Bạn có thể nhỏ vài giọt dầu gió vào một góc của bồn cầu hoặc đặt một chai dầu gió mở nắp ở một góc của nhà vệ sinh. Dầu gió có mùi thơm đặc trưng sẽ giúp át đi các mùi hôi khó chịu cũng như mùi ẩm mốc. Ngoài ra, dầu gió cũng có tác dụng đuổi muỗi, đuổi côn trùng hiệu quả.
Nhỏ dầu gió vào bồn cầu là cách khử mùi hôi hiệu quả. (Ảnh: Linkedln)
Bạn cũng có thể kết hợp tinh dầu gió với giấm trắng để tạo nên hỗn hợp xịt khử mùi hôi nhà vệ sinh.
Cách làm rất đơn giản: Đổ 150-200ml giấm trắng vào một chiếc bát hoặc bình tưới cây loại nhỏ; nhỏ thêm 10-15 giọt dầu gió cùng 200ml nước trắng để pha loãng, trộn hoặc lắc đều hỗn hợp này với nhau. Dùng hỗn hợp tinh dầu gió và dấm trắng xịt trực tiếp vào bồn cầu hoặc xịt xung quanh nhà vệ sinh. Mùi hôi sẽ giảm dần rồi hết hẳn. Mùi thơm từ dầu gió sẽ lan tỏa, giúp không gian trong nhà vệ sinh trở nên thoáng đãng và dễ chịu hơn.
Dầu gió cũng có tác dụng kháng khuẩn nhẹ, đặc biệt là đối với các vi khuẩn gây mùi trong bồn cầu. Các thành phần như khuynh diệp, quế trong dầu gió có tính kháng khuẩn tự nhiên, giúp giảm thiểu sự phát triển của vi khuẩn gây mùi. Khi nhỏ vài giọt dầu gió vào bồn cầu, các vi khuẩn sẽ bị giảm bớt, không gian nhà vệ sinh sẽ trở nên sạch sẽ và an toàn hơn.
Những tác dụng khác của dầu gió
Không chỉ có công dụng khử mùi hôi trong nhà vệ sinh, dầu gió khi kết hợp với nước rửa bát hay kem đánh răng cũng đem lại những công dụng tuyệt vời khác:
– Trộn dầu gió với kem đánh răng để tẩy quần áo: Nếu quần áo bị dính mực khó giặt sạch, bạn hãy đổ trực tiếp một ít dầu gió lên vết mực (dầu có thể hòa tan các thành phần trong mực), sau đó bôi tiếp một ít kem đánh răng xung quanh vết mực (kem đánh răng chứa chất mài mòn, có khả năng làm sạch vết bẩn). Sau khi vết mực được hòa tan, bạn đổ một ít nước sạch lên rồi vò để mực bút bi bở ra và mờ dần. Cuối cùng, bạn chỉ cần giặt lại áo với bột giặt thông thường và phơi khô là có chiếc áo trắng sạch như mới.
Không chỉ vậy, hỗn hợp dầu gió – kem đánh răng còn giúp khử mùi hôi và làm sạch vết dầu mỡ trong nhà bếp.
– Trộn dầu gió với nước rửa bát để diệt rệp cây: Nếu phát hiện cây có rệp, bạn chỉ cần nhỏ vài giọt dầu gió cùng một chút nước rửa bát vào nước trắng, lắc trong chai nhựa hoặc bình xịt; sau đó xịt trực tiếp vào những chỗ có rệp, nhện hay các loại côn trùng khác để tiêu diệt chúng. Cách này khá hiệu quả mà an toàn với cây trồng trong gia đình.
Những lưu ý khi dùng dầu gió cho bồn cầu
Mặc dù việc nhỏ dầu gió vào bồn cầu có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc khử mùi nhà vệ sinh, nhưng cũng cần phải lưu ý một số điểm sau:
– Dầu gió có thể mang lại mùi thơm dễ chịu, nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì không gian sẽ trở nên quá nồng và có mùi khó chịu. Nên sử dụng dầu gió vừa phải, chỉ nhỏ vài giọt mỗi lần.
– Dầu gió có thể hỗ trợ trong việc khử mùi và diệt khuẩn nhưng không thể thay thế hoàn toàn các chất tẩy rửa mạnh mẽ như thuốc tẩy, đặc biệt đối với những vết bẩn cứng đầu trong bồn cầu.
– Dầu gió có thể gây kích ứng da hoặc mắt nếu tiếp xúc trực tiếp. Hãy đảm bảo rằng dầu gió được bảo quản ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
Theo VTC