Đường Nguyễn Duy Trinh, vòng xoay Mỹ Thủy, ngã tư An Sương… nằm trong 7 “điểm đen” tai nạn ở TP HCM, được người dân ví là các “con đường tử thần”.
10h30 sáng 10/8, chị Bùi Thị Diệu (37 tuổi) chạy xe máy trên đường Nguyễn Duy Trinh hướng về cảng Phú Hữu (quận 9) đón con tan học. Gần đến UBND phường Phú Hữu, người phụ nữ bật xi-nhan, chân chầm chậm đạp đất, loay hoay qua đường giữa dòng xe tải, container… bủa vây. “Đường hẹp, xe đông, nhất là ôtô lớn dày đặc nên chỉ cần sơ sẩy dễ xảy ra tai nạn”, chị Diệu nói.
Biển báo “đã có 8 người chết” trong 9 tháng đầu năm 2019, gắn trên trụ điện đường Nguyễn Duy Trinh, ngày 10/8. Ảnh: Gia Minh
Đường Nguyễn Duy Trinh nối từ quận 2 qua quận 9, chạy dọc theo các khu dân cư đông đúc và là tuyến huyết mạch ra vào cảng Phú Hữu. Mặt đường rộng khoảng 7 m, không dải phân cách, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn chạy cùng xe máy. Chỉ cần hai container đi ngược chiều, mặt đường bị chiếm trọn, xe máy phải leo lề hoặc luồn lách trong các khoảng hở…
Trên tuyến đường này, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu tới cảng Phú Hữu dài gần 2 km bị ví là “con đường tử thần” bởi xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người. Đoạn đường treo dày đặc biển báo từ khuyến cáo “chú ý quan sát”, “tuyến đường thường xảy ra tai nạn”, cho đến bảng cảnh báo “9 tháng đầu năm 2019 trên đoạn đường có 8 người chết do tai nạn giao thông”.
Tuy nhiên, con số trên chưa cập nhật hết bởi năm 2019, con đường này xảy ra 11 vụ tai nạn làm 11 người chết.
Hiện, đoạn đường phía quận 9 cấm xe trên 3,5 tấn chạy từ 6h đến 8h, 11h đến 13h và từ 16h đến 20h. “Vẫn còn nhiều tài xế cho xe chạy vào giờ cấm. Nhất là về đêm khi đường vắng, các đoàn xe ben, container… chạy như đua, gầm rú cày rát mặt đường”, ông Thanh, nhà gần vòng xoay Phú Hữu nói.
Cách đó 3 km, với mật độ hơn 16.000 lượt xe mỗi ngày, cùng dày đặc rào chắn công trình, nút giao Mỹ Thủy (quận 2) cũng nằm đầu “danh sách đen” tai nạn tại TP HCM nhiều năm qua. Nút giao thông ba tầng này là điểm kết nối các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công qua Nguyễn Thị Định – tuyến “độc đạo” ra vào cảng Cát Lái – cảng đứng đầu cả nước về sản lượng hàng hóa.
Xe container, xe máy đi qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) ngày 10/8 – một “điểm đen” tai nạn ở TP HCM. Ảnh: Gia Minh
Tại vòng xoay Mỹ Thủy, hầu hết tai nạn xảy ra giữa container và xe máy. Mới đây là hai vụ tai nạn làm 2 người chết, 2 người bị thương. “Bụi mù mịt, dòng xe rầm rập chạy, bóp còi loạn xạ… là cảnh tượng thường xuyên tại đây. Nếu không có CSGT chốt trực, xe cộ khi qua đây cứ mạnh ai nấy đi, rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Phước (chủ tiệm tạp hóa gần phà Cát Lái, quận 2) nói.
Một “điểm đen” khác thường xảy ra tai nạn nhiều năm qua là vòng xoay An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) – nút giao trọng điểm cửa ngõ Tây Bắc TP HCM. Năm 2018 và 2019, vòng xoay này xảy ra 5 vụ tai nạn làm 6 người chết, 2 người bị thương.
Bốn điểm “tử thần” còn lại nằm ở khu vực nội đô, gồm: đường Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt (quận 1), cầu Sài Gòn 2 (quận Bình Thạnh) và cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5). Hai năm 2018 và 2019, cầu Sài Gòn 2 xảy ra 3 vụ tai nạn, làm 5 người chết; cầu Nguyễn Tri Phương xảy ra 6 vụ tai nạn, làm 6 người chết…
Để xóa “danh sách đen” tai nạn, thành phố có các giải pháp như bổ sung hệ thống biển báo, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, lắp đặt camera phạt nguội, tăng cường xử lý vi phạm… Một số điểm có các vụ tai nạn kéo dài sẽ triển khai những công trình để chia sẻ, điều tiết giao thông, như ở nút giao Mỹ Thủy đang đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Mỹ Thủy 3.
Ở đường Nguyễn Duy Trinh, Sở Giao thông Vận tải có một số biện pháp giảm tai nạn như: thu hẹp vỉa hè để mở rộng đường; tốc độ tối đa không vượt quá 40 km/h; lắp gờ giảm tốc… “Thành phố đã phê duyệt dự án nâng cấp con đường này lên 30 m trên tổng chiều dài 1,6 km từ đoạn giao Võ Chí Công đến cảng Phú Hữu”, đại diện Sở Giao thông Vận tải nói và cho biết dự án có tổng đầu tư hơn 832 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2021.
Nhánh N2 hầm chui nút giao An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn), thông xe hôm 15/7 được kỳ vọng giảm tải kẹt xe, tai nạn ở cửa ngõ Tây Bắc TP HCM. Ảnh: Gia Minh
Với các “điểm đen” khác nhất là những nơi nằm trong khu vực nội thành, UBND thành phố yêu cầu địa phương phải xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, dừng đỗ xe trái phép, trả lại không không gian cho người đi bộ, lắp thêm đèn chiếu sáng, bảng cảnh báo phản quang…
Trên cầu Sài Gòn, CSGT được yêu cầu phải xử lý nghiêm việc xe hai bánh chạy vào làn ôtô bởi đây là nguyên nhân khiến tai nạn ở đây tăng cao. Cơ quan chức năng và địa phương phải báo cáo kết quả xử lý 7 “điểm đen” giao thông về Sở Giao thông Vận tải trước ngày 17 hàng tháng. Mới đây sở này công bố xóa điểm thường xảy ra tai nạn trên cầu Bình Lợi 1 (quận Bình Thạnh).
Sáu tháng đầu năm, thành phố xảy ra 1.374 vụ tai nạn giao thông khiến 248 người chết và 978 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, giảm 279 vụ tai nạn, 54 người chết và 168 người bị thương. Năm nay, thành phố mong kéo giảm ít nhất 5% số vụ, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông.
Theo VnExpress