Ảnh hưởng không khí lạnh phía Bắc, nhiệt độ TP HCM sáng sớm xuống 19 độ C, trưa tăng lên 33 độ C, chênh lệch khá lớn khiến trẻ nhỏ, người lớn tuổi dễ mắc bệnh.
Sớm 13/1, nhiều người dân TP HCM ra đường mang áo len, quấn khăn quàng cổ, đeo găng tay , khẩu trang bịt kín người vì nhiệt độ xuống thấp. Nhân viên bảo vệ các cửa hàng mang sơ mi đồng phục, cảnh sát giao thông làm việc tại các nút giao khoanh hai tay trước ngực vì lạnh. Nhiều em nhỏ được phụ huynh chở đến trường mang áo khoác, đội nón len, găng tay .
Người dân TP HCM ra đường mang áo khoác, khăn quàng cổ, sáng 13/1. Ảnh: Hà An.
Anh Vũ Ngọc Thanh, 37 tuổi, chở hai con gái đến trường mầm non trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh cho biết, từ đêm qua trời lạnh khiến cả nhà khi đi ngủ phải đắp chăn dày. “Sáng nay chở con đi học, tôi phải che chắn, giữ ấm cho hai đứa, nhất là bé lớn hay bị cảm khi thời tiết thay đổi”, anh Thanh nói.
Ở công viên Lê Văn Tám, quận 1, nhiều người chạy bộ, chơi cầu lông, bóng chuyền phải khoác thêm áo dài, đeo găng tay . Chị Ngọc Thúy, 35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh nói sáng nay nhiệt độ xuống thấp nên khi vào công viên đánh cầu lông, chị mang thêm áo khoác giữ ấm cơ thể, tránh sốc nhiệt.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, số liệu quan trắc tại trạm Tà Lài (Đồng Nai) sáng nay 14,4 độ C, thấp nhất các tỉnh Đông Nam Bộ. Nhiệt độ ở Tây Ninh hơn 16 độ C, Bình Phước 17 độ C, Bình Dương 17 độ C, Nhà Bè (TP HCM) 19 độ C. Tuy nhiên đến trưa nhiệt độ các khu vực này lên 32-33 độ C.
Ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, nhiệt độ TP HCM và Đông Nam Bộ còn xuống thấp trong 2 -3 ngày tới. Sau đó khối không khí lạnh ở phía Bắc suy yếu, gió Đông Bắc khô ảnh hưởng, khiến thời tiết Nam Bộ, trong đó có TP HCM ngày giảm mây, nắng nhiều hơn, nhiệt độ sáng sớm ở mức 22-24 độ C.
Chênh lệch lớn giữa nhiệt độ sáng và trưa, ông Quyết khuyến cáo người dân cần giữ ấm cơ thể khi ra đường, đặc biệt trẻ em, người lớn tuổi. Người lao động ở công trường, làm việc lâu ngoài trời dễ bị mệt mỏi, cần uống nhiều nước. Nhiệt độ buổi trưa tăng cao, độ ẩm thấp dễ xảy ra cháy nổ.
Hơn 10 năm qua, TP HCM từng có đợt lạnh 17 độ C cuối năm 2009. Những năm sau đó, nhiệt độ thấp nhất mỗi năm phổ biến mức 18 độ C vào đầu năm 2015, 2016… Tuy nhiên, theo dữ liệu từ năm 1976 đến 2019 của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiệt độ TP HCM từng xuống 16,4 độ C vào ngày 25/12/1999 đo ở trạm Tân Sơn Hòa.