Hai trong số 345 người ngộ độc do ăn cơm gà ở Nha Trang được xác định dương tính với vi khuẩn Salmonella.
Trứng gà sống có thể chứa khuẩn Salmonella. Ảnh minh họa: Pexels.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, hai trường hợp dương tính với vi khuẩn Salmonella là trẻ em, được lấy mẫu xét nghiệm tại một bệnh viện. Hiện sức khỏe của hai em đều ổn định.
Các trường hợp nghi ngộ độc đều ăn cơm ở quán cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, phường Phương Sài, TP Nha Trang). Hiện quán đã bị tạm đình chỉ hoạt động.
Trước đó, tại TP.HCM cũng xảy ra vụ 61 người ngộ độc do vi khuẩn Salmonella, sau khi ăn bánh su kem tại một buổi tiệc trung thu. Vụ ngộ độc này khiến một bệnh nhi tử vong.
Vi khuẩn quen thuộc
Trực khuẩn Salmonella là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến trong cộng đồng. Vi khuẩn này cũng là nguyên nhân gây ra bệnh thương hàn – một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, vi khuẩn Salmonella có thể tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm nhiễm khuẩn: thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, rau, hoa quả và thậm chí cả trong thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn bơ hạt, bánh nướng đông lạnh….
Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella còn có thể xuất hiện trên bề mặt hay các dụng cụ dùng trong chế biến thức ăn.
Ngoài ra, trang News Medical nhấn mạnh thịt sống và sữa chưa tiệt trùng được coi là nguồn lây nhiễm đặc biệt quan trọng. Các sản phẩm có nguy cơ cao khác là trứng sống hoặc nấu chín một phần, sốt mayonnaise tự làm và kem, nước ép trái cây chưa tiệt trùng và mầm hạt nấu chín sơ hoặc sống.
Theo CDC Khánh Hòa, người ăn hoặc uống bất kỳ thực phẩm nào bị nhiễm một số loại vi khuẩn Salmonella, đều có thể là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm Salmonella.
Người dân thường nhiễm bệnh do ăn thực phẩm sống, hoặc thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh.
Nhiễm khuẩn Salmonella là một trong những bệnh lây truyền qua thực phẩm phổ biến, nghiêm trọng ở người. Ảnh: Shutterstock.
Biểu hiện khi ngộ độc Salmonella
Khi nhiễm khuẩn Salmonella, người bệnh thường sốt, đau quặn bụng và tiêu chảy trong vòng 12-72 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Những người trưởng thành khỏe mạnh thường bị ốm 4-7 ngày. Không ít người bị tiêu chảy nghiêm trọng đến mức bệnh nhân phải nhập viện.
Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, khuẩn Salmonella đi vào máu và gây ra các bệnh nặng hơn như nhiễm trùng động mạch, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Những trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Theo News Medical, nhiễm trùng Salmonella là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng do ổ chứa động vật lớn và đa dạng, sự hiện diện của con người và động vật mang mầm bệnh cũng như thiếu các chương trình phối hợp để kiểm soát.
Mặc dù các trường hợp nhiễm khuẩn salmonella ở người đã giảm dần kể từ năm 1995, vi khuẩn này vẫn là một trong những bệnh lây truyền qua thực phẩm phổ biến, nghiêm trọng ở người.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần tuân thủ 10 nguyên tắc an toàn thực phẩm để phòng bệnh:
Chọn thực phẩm an toàn
Nấu kỹ thức ăn
Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn
Không để lẫn thực phẩm sống và chín
Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ
Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác
Sử dụng nguồn nước sạch
Theo ZNews