Sau năm 2024, chúng ta trải qua 8 cái Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết, khoảnh khắc giao thừa sẽ diễn ra vào đêm 29 tháng Chạp, vì sao có hiện tượng kỳ lạ này?
Chỉ còn hơn 7 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người bắt đầu xem lịch năm mới và phát hiện ra một hiện tượng thú vị qua lịch vạn niên. Đó là không những Tết cổ truyền sắp tới không có ngày 30 Tết, mà suốt cả 7 năm sau đó, tháng 12 Âm lịch đều chỉ có 29 ngày. Nói cách khác, suốt 8 năm liền kể từ năm Ất Tỵ, chúng ta sẽ không trải qua ngày 30 Tết.
Năm 2025, không có ngày 30 tháng Chạp âm lịch. (Ảnh: Lịch Vạn Niên)
Vì sao tháng Chạp có năm 29 ngày, có năm 30 ngày?
ThS Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tác giả cuốn “Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI” phân tích: Ngày mồng 1 Âm lịch là ngày mà Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời nằm thẳng hàng; Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất.
Dân gian xưa gọi đây là ngày không trăng, hay ngày sóc. Điểm sóc (Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời thẳng hàng) rơi vào ngày nào (ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ 0h đến 24h) thì ngày đó là mồng 1 Âm lịch.
Tháng Âm lịch chính là khoảng cách giữa hai ngày sóc. Độ dài tháng Âm lịch chỉ thay đổi trong khoảng từ 29,27 ngày đến 29,84 ngày, trung bình là 29,53 ngày và các nhà làm lịch làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) và 30 ngày (tháng đủ). Điều này dẫn đến hiện tượng một số năm không có ngày 30 tháng Chạp.
Việc nhiều năm liên tiếp có hoặc không có ngày 30 Tết khá thường gặp. Chẳng hạn, 8 năm liền kể từ 2014 đến 2021, Tết Nguyên đán luôn có ngày 30 Tết. Sau đó là năm 2022 (Nhâm Dần) có tháng Chạp thiếu, năm 2023 (Quý Mão) và 2024 (Giáp Thìn) lại có tháng Chạp đủ. Tiếp theo là 8 năm liền kết thúc năm Âm lịch bằng ngày 29 tháng Chạp.
ThS Trần Tiến Bình nêu một ví dụ về ảnh hưởng của điểm sóc đến Tết Nguyên đán: Năm 1968, Việt Nam ăn Tết Nguyên đán trước Trung Quốc 1 ngày vì Việt Nam dùng lịch theo múi giờ GMT+7; còn Trung Quốc dùng múi giờ GMT+8.
Ngày 31/12/1967 tương ứng với ngày mồng 1 tháng Chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc, nhưng điểm sóc rơi vào thời điểm 23h29 ngày 29/1/1968 theo giờ Việt Nam, do đó tháng Chạp ở lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày (tháng thiếu). Theo giờ Bắc Kinh, thời điểm này là 0h29 của ngày 30/1, cũng là 30 tháng 12 Âm lịch. Vì vậy, mồng 1 Tết Nguyên đán Mậu Thân năm 1968 tại Việt Nam đến sớm hơn Trung Quốc 1 ngày.
Năm 1968, Việt Nam đón năm mới sau ngày 29 tháng Chạp, còn Trung Quốc vẫn có ngày 30 Tết.
Không có ngày 30 Tết từ năm 2025 đến 2032, vì sao?
Theo lịch vạn niên, năm Giáp Thìn sẽ kết thúc vào ngày 29 tháng Chạp, ứng với ngày 28/1/2025. Khoảnh khắc giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ đến khi giây phút cuối cùng của ngày 29 tháng Chạp Giáp Thìn qua đi. Mùng 1 Tết là ngày 29/1 Dương lịch.
Ất Tỵ là năm bắt đầu chuỗi 8 năm Âm lịch liên tiếp, tháng Chạp chỉ có 29 ngày, đến tận năm 2032. Sang tận Tết Nguyên đán Quý Sửu 2033, chúng ta mới gặp lại ngày 30 Tết. Sự vắng bóng của ngày 30 Tết suốt nhiều năm khiến nhiều người thắc mắc, liệu có quy luật nào trong hiện tượng này không?
Như đã nói ở trên, việc tháng Chạp của năm nào đó có 29 hay 30 ngày không phải do sự sắp xếp chủ quan của người làm lịch, mà dựa vào xác định điểm sóc. Theo ThS Trần Tiến Bình, sự xuất hiện các năm không có ngày 30 tháng Chạp không theo quy luật nhất định, do việc tính toán lịch dựa theo sự chuyển động của các thiên thể và Mặt trăng rất phức tạp. Mặt trăng bị ảnh hưởng nhiễu loạn bởi sức hút của Mặt trời, Trái đất và nhiều hành tinh khác, dẫn đến điểm sóc – liên quan đến tháng thiếu, tháng đủ – cũng dao động không theo chu kỳ nhất định nào.
Vì sao 8 năm liền kể từ 2025, Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết?
Do đó, với câu hỏi vì sao suốt 8 năm liền kể từ 2025, Tết Nguyên đán không có ngày 30 Tết, chúng ta chỉ có thể trả lời rằng, vì những năm đó điểm sóc của tháng Chạp rơi vào ngày 29. Còn tại sao điểm sóc của tháng Chạp nhằm vào ngày 29 liên tiếp nhiều năm như vậy thì các nhà làm lịch cũng không giải thích được.
Việc các đài thiên văn tính toán sai vài chục giây cũng có thể khiến tháng thiếu thành tháng đủ và ngược lại. Ngay cả Đài thiên văn Tử Kim Sơn (Trung Quốc) cũng nhầm trong ấn phẩm lịch công bố năm 2002. Vào ngày 28/9/2057, điểm sóc rơi vào 23h59; ngày 4/9/2089, điểm sóc rơi vào 23h57; ngày 7/8/2097, điểm sóc rơi vào 23h59, nhưng do các nhà thiên văn tính nhầm vài chục giây, đẩy điểm sóc sang ngày hôm sau, làm thay đổi độ dài tháng.
Ông Bình cho biết, vì lịch tính theo Mặt trăng khó dự đoán như vậy nên việc thống kê quy luật các tháng Chạp đủ 30 ngày là không khả thi. Lịch các năm phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn từ 2033 đến 2037 có các tháng Chạp đủ, từ 2038 đến 2040 là các tháng Chạp thiếu, đến 2041 lại có tháng Chạp đủ.
Theo VTC