Xăng dầu cùng nhiều nhu yếu phẩm tăng giá đột ngột khiến người dân, doanh nghiệp chật vật trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.
Con đường từ nhà lên văn phòng ở quận 3 của Khánh Toàn (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) dài 12 km. Thông thường, anh mất chừng 60.000 đồng để bắt một cuốc xe ôm công nghệ. Bây giờ, giá đội lên 72.000 đồng, nghĩa là giá tăng 20%.
“Cứ đà này chắc tôi chuyển sang làm việc ở nhà toàn thời gian”, Toàn ngao ngán cho biết.
Lương thưởng giảm, chi tiêu tăng chóng mặt
Ngoài ra, Khánh Toàn nhận thấy những mã giảm giá cũng không còn nữa. Điều này càng khiến anh thêm chắc chắn với quyết định xin sếp cho chuyển sang làm tại nhà.
“Giá xăng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Không sớm thì muộn, tôi nghĩ giá thành các sản phẩm khác cũng sẽ bị áp lực tăng giá theo”, người đàn ông này nhận xét.
Trong mùa giãn cách vừa qua, vợ anh Toàn là chị Mai Anh do cắt giảm nhân sự mà thất nghiệp. Một mình người đàn ông này phải gánh chi phí sinh hoạt của gia đình 3 người.
Dù không muốn, Toàn phải ra quyết định cân đối bằng cách bỏ đi những khoản chi tiêu không cần thiết như mang cơm nhà đi làm, nói “không” với mua sắm quần áo, trữ nhu yếu phẩm để tránh đi siêu thị nhiều lần…
“Lương thưởng chẳng những không tăng mà giảm, đây là khoảng thời gian khó khăn cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình”, Khánh Toàn bộc bạch.
Cũng như Khánh Toàn, anh Hưng Thịnh (37 tuổi, ngụ quận Thanh Khê, Đà Nẵng) nhận thấy giá các thực phẩm mua tại chợ trong một tuần trở lại đây tăng nhẹ.
“Vợ chồng tôi thường lựa chọn chợ Cồn gần nhà để mua sắm thực phẩm. Do đi mỗi ngày nên tôi thường so sánh giá và thấy rau củ, trái cây tăng đều. Cách vài bữa lại ‘đội lên’ vài nghìn”, anh Thịnh chia sẻ.
Anh Thịnh cho biết giá cả tăng nhưng chợ Cồn vẫn đông khách. Ảnh: Phạm Ngôn.
Trung bình, mỗi loại thực phẩm tăng 5.000-10.000 nghìn đồng/kg. Nếu trước kia gia đình anh chỉ cần 200.000 đồng để đi chợ cả ngày cho 4 người thì nay họ mất thêm 50.000-100.000 đồng.
Theo quan sát, anh Thịnh nhận ra giá gừng, sả và nước dừa, những món hỗ trợ trong việc điều trị bệnh cho F0, cũng tăng 30-50% so với trước. Ngoài ra, que test Covid-19 tại mỗi nhà thuốc cũng được bán với mức giá khác nhau, song, giá đội lên cao.
Doanh nghiệp “gồng mình” mong trụ vững
“Thông báo đến quý khách đã và đang nhập sản phẩm dầu nhờn nhập khẩu E. từ công ty của chúng tôi. Hiện, tình hình giá dầu gốc và phụ gia trên thế giới đang ‘leo thang’, ngoài ra các vấn đề về sản xuất bao bì cũng như cước vận tải tăng đáng kể…”, chị Thanh Xuân (37 tuổi, Hà Nội) viết trên Facebook cá nhân.
Qua đó, chị gửi bảng báo giá mới về các sản phẩm mà công ty mình đang phân phối. Với các dòng cơ bản, giá tăng nhẹ 4-10%, còn những dòng cao cấp hơn thì nâng lên 12-18%.
Trái ngược lo lắng của chị Thanh Xuân, phần lớn khách hàng bày tỏ sự thông cảm.
Cơ sở kinh doanh của chị Xuân hoạt động hết công suất để bù lại phần thâm hụt do tăng giá. Ảnh: NVCC.
Họ cho biết mình vẫn sẽ lấy hàng từ công ty và cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, chị Xuân vẫn e ngại các dòng cao cấp sẽ bán chậm hơn mọi khi.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực kinh doanh dầu nhờn nhập khẩu, người phụ nữ này nhận định ảnh hưởng của giá xăng sẽ kéo dài ít nhất trong 6 tháng tới. Doanh nghiệp buộc phải tìm cách thích nghi, nếu không rất dễ bị thụt lùi và loại ra khỏi thị trường.
Chung hoàn cảnh, công ty xuất nhập khẩu hàng nội địa Trung Quốc của bà Nguyễn Thị La (50 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM) còn lao đao hơn vì hàng xuất theo dạng container ùn ứ ở cảng vì quy định nhập khẩu ngày càng khó.
Điều này dẫn đến giá của sản phẩm như cá hồi, thịt bò nhập khẩu tăng 5-10%. Giá mua vào tăng, tính ra không lời nên nhiều khách “hủy đơn”. Điều này dẫn tới việc phía công ty của bà La cũng hạn chế số lượng container nhập về.
Giá mua vào tăng, tính ra không lời nên nhiều khách “hủy đơn”. Về phía công ty của bà La, nhiều mặt hàng giá tăng nên họ cũng hạn chế không nhập về.
Thay vì thuê kho riêng, bà La cùng chủ một số doanh nghiệp khác hùn vốn thuê kho bãi rộng rãi rồi chia nhau sử dụng. Nhân viên cũng phải làm việc 200% năng suất để tìm thêm các khách hàng tiềm năng.
“Chúng tôi đang cố gắng và hy vọng trụ vững trước những thay đổi thị trường”, bà La chia sẻ.
Theo Zing