Kênh YouTube Hậu Cáo gây phản cảm với các video hành hạ động vật, máu me, ngôn từ kích động. Đặc biệt, đối tượng xem kênh này chủ yếu là trẻ em.
Đầu tháng 9, cộng đồng mạng bất bình trước video luộc gà nguyên lông của YouTuber Hưng Vlog. Ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang phạt YouTuber này 7,5 triệu đồng. Chưa đầy một tháng sau, kênh YouTube thứ 2 của Nguyễn Văn Hưng với hơn 580.000 đăng ký tiếp tục đăng video hướng dẫn trẻ em ăn cắp tiền và bị phạt 10 triệu đồng.
Kênh YouTube Hậu Cáo TV đăng video cho rắn siết cổ khỉ.
Tuy vậy, thành tích bất hảo này chưa là gì nếu so sánh với kênh YouTube có tên Hậu Cáo TV.
Ngày 6/10, kênh YouTube Hậu Cáo TV, đăng tải video có tựa đề “Khỉ đột ăn thịt rắn”. Nội dung video ghi lại cảnh một người cho một con rắn siết cổ chú khỉ.
Theo ông Tằng A Páu, chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã, đây có thể là khỉ đuôi dài, loài vật sắp nguy cấp theo sách đỏ IUCN. Hiện video trên vẫn tồn tại trên YouTube và được bật kiếm tiền từ quảng cáo. Tính đến ngày 10/10, video trên nhận được hơn 250.000 lượt xem.
Sau khi được đăng tải, video trên ngay lập tức bị phản đối bởi chính những người từng hâm mộ Hậu Cáo. Nhiều bình luận chỉ trích hành vi ngược đãi động vật của Hậu. “Anh quá độc ác rồi. Tôi sẽ hủy đăng ký kênh anh. Quá tội cho chú khỉ”, tài khoản Mạnh Nguyễn để lại bình luận bên dưới video của Hậu Cáo.
“Không ai đăng ký kênh của bạn nữa đâu. Bạn quá độc ác, mang con khỉ ra làm trò tào lao”, người dùng Quyền Nguyễn bức xúc.
Nhiều bình luận chỉ trích việc ngược đãi động vật của Hậu Cáo.
Đây không phải lần đầu tiên kênh YouTube Hậu Cáo hành hạ động vật. Tháng 12/2018, cộng đồng mạng từng dậy sóng khi YouTuber Hậu Cáo nướng xác một con mèo sau đó cho chó ăn.
Từ năm 2018 đến nay, Hậu Cáo liên tục đăng tải các video có nội dung hành hạ động vật. Các loại động vật đang được bảo vệ như chim ưng, khỉ, rắn đều được YouTuber này tận dụng để “sáng tạo nội dung” với hàng chục clip.
Bất chấp việc người xem của Hậu Cáo là trẻ em, kênh này vẫn sử dụng các hình ảnh bạo lực, máu me, man rợ, chửi thề để câu kéo lượt xem.
Hiện Hậu Cáo được xếp vào top 109 YouTuber tại Việt Nam, theo SocialBlade. Kênh này hiện có gần 1,8 triệu lượt đăng ký, 650 triệu lượt xem với hơn 500 video đã được đăng tải.
Những nội dung bẩn của kênh Hậu Cáo TV từng khiến cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam cảnh báo.
Cộng đồng YouTuber chưa bao giờ chấp nhận gọi một người như Hậu là nhà sáng tạo nội dung. Những nội dung của Hậu hoàn toàn không có giá trị giáo dục, vô bổ và gây hại cho trẻ em
Quan Dũng, YouTuber sở hữu nhiều kênh nút vàng tại Hà Nội.
Fanpage Hanoi Pet Adoption từng mở chiến dịch kêu gọi báo cáo nội dung kênh Hậu Cáo TV từ năm 2018. Tuy vậy, đến nay kênh này vẫn hoạt động và nhận tiền quảng cáo từ Google.
Một số ý kiến khá bất ngờ trước việc kênh Hưng Vlog bị phạt vì luộc gà nguyên lông trong khi Hậu Cáo TV vẫn nhởn nhơ tồn tại với nội dung kinh khủng hơn. “Tôi khá bất ngờ khi Hưng bị phạt còn Hậu thì không trong khi lượt đăng ký của hai kênh gần tương đồng”, Quang Vinh, quản trị viên cộng đồng nhà sáng tạo nội dung với hơn 260.000 thành viên cho biết.
Hậu Cáo từng có những video man rợ gấp nhiều lần Hưng Vlog.
Nhiều người khác lại cho rằng Hậu Cáo TV không xứng đáng được gọi là nhà sáng tạo nội dung. “Cộng đồng YouTuber chưa bao giờ chấp nhận gọi một người như Hậu là nhà sáng tạo nội dung. Những video của Hậu hoàn toàn không có giá trị giáo dục, vô bổ và gây hại cho trẻ em”, Quan Dũng, YouTuber sở hữu nhiều kênh nút vàng tại Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh Hậu Cáo, Nguyễn Văn Sơn, em của Hậu Cáo cũng có một kênh YouTube với tên Cáo Đệ. Tương tự anh mình, kênh Cáo Đệ cũng đăng tải những video có nội dung độc hại, thậm chí sử dụng trẻ em trong các cảnh quay nguy hiểm.
Nổi bật là video “Sập nhà, đứa bé tử trận”. Video này có 50.000 lượt xem, nội dung là cảnh một đứa trẻ bị gạch đá đè vào người sau khi sập nhà. Ngoài ra, kênh Cáo Đệ cũng đăng tải các video đốt phá, đánh nhau…
Hôm 6/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.
Trước đó, cơ quan báo chí liên tục phản ánh mạng xã hội tràn ngập video nhảm nhí, có nội dung giật gân để lôi kéo người xem với mục đích kiếm tiền.
Văn bản chỉ đạo nêu rõ những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe – nhìn của xã hội đi xuống. Song, các nội dung này vẫn rất khó kiểm soát.Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, có hướng xử lý.
Theo Zing