Mới đây, sân khấu kịch 5B vừa cho ra mắt vở kịch “Công lý như mặt trời” mang phong cách hài châm biến dân gian của tác giả Vương Huyền Cơ. Đạo diễn Chánh Trực đã có những chia sẻ thú vị khi cùng NSƯT Mỹ Uyên dựng nên vở diễn này.
– Cơ duyên nào đưa anh và NSƯT Mỹ Uyên quyết định dựng lại tác phẩm “Công lý như mặt trời” của biên kịch Vương Huyền Cơ?
Tôi và NSƯT Mỹ Uyên quyết định đồng hành cùng nhau dựng vở “Công lý như mặt trời” của tác giả Vương Huyền Cơ vì chúng tôi tìm thấy chất liệu thời sự của tác phẩm, chúng tôi mong muốn vở diễn sẽ cập nhật được những vấn đề thời sự nóng mà khán giả đang quan tâm. Như những vụ xét xử oan sai gần đây hay các vụ án tham nhũng bị báo chí phanh phu. Vở kịch mang màu sắc hài dân gian, lâu rồi sân khấu kịch 5B chưa dựng lại những vở kịch cổ trang, nên chắc chắn sẽ tạo thêm món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả.
Nhiều khán giả nghe tên vở kịch sẽ nghĩ đây là vở chính luận nhưng thật ra đây là vở hài kịch, cười từ đầu đến cuối, tiếng cười châm biến, cười ngẩm nghĩ với thông điệp đầy ý nghĩa sâu cay, cười mà đôi khi thấy đau. Thông qua loại hình kịch châm biến để nhằm xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn. Vở diễn này còn đáp ứng được điều mong mỏi đủ vai cho tất cả các diễn viên quen thuộc, trụ cột và gắn bó lâu nay với khán giả 5b như tôi, NSUT Mỹ Uyên, Hùng Thuận, Lê Vinh, Quốc Thịnh….
– Được nhiều khán giả biết đến với vai trò tổng đạo diễn nhiều chương trình ăn khách nhưng anh cũng có khá nhiều vai diễn hài hước trên sân khấu. Anh có thể chia sẻ về vai diễn trong vở kịch “Công lý như mặt trời”?
Trong vở kịch, tôi đóng vai quan Lưu Tri Huyện – được mệnh danh là thiên tài phá án, nhưng đây là danh xưng do ông ấy tự thổi phồng bản thân. Khi ông về nhậm chức, ông cam kết trong vòng 3 ngày sẽ phá được bất cứ vụ án nào. Vì sức ép thành tích và thói háo danh, lạm dụng chức quyền, lại háo sắc, nên ông đi từ cái sai này đến cái sai khác. Lưu tri Huyện là nhân vật điển hình đại diện cho các quan tham từ trước đến nay mà báo chí đề cập rất nhiều.
Vai diễn này đưa lên sân khấu mang phong cách hài hước nhưng vẫn bám sát thời sự, đây là vai tôi rất thích và hợp với tôi nên tôi đã nghiên cứu vai đến từng ánh mắt cử chỉ. Vì đây là vở tôi đạo diễn nên mình phải rất kỹ lưỡng trong việc khai thác tính cách nhân vật. Tôi rất thích những vai phản diện và rất thần tượng các nghệ sĩ thường xuyên đóng vai phản diện như nghệ sĩ Hoàng Giang, NSND Diệp Lang, NSUT Minh Châu…nên khi vào vai này, tôi như “cá gặp nước”. Các khán giả khi tới xem cũng khen rất nhiều, tôi cảm thấy mình đủ độ chín về nghề và sự hiểu biết về mặt xã hội, đủ tự tin làm cho vai diễn đáng xem hơn.
– Anh và NSƯT Mỹ Uyên có gặp khó khăn gì nhiều khi dựng phiên bản mới này không như chọn diễn viên sao cho phù hợp và thêm thắt nội dung?
Không chỉ riêng vở này mà bất cứ vở nào cũng là một thách thức đối với những nghệ sĩ chúng tôi. Với vai trò là đạo diễn phải giải quyết rất nhiều thứ như sửa kịch bản, phân vai, cảnh trí, âm nhạc, ánh sáng…Người ta thường nói đạo diễn cũng như tác giả thứ 2 của kịch bản, đầu tiên đây là vở mang nội dung chính kịch nhưng chúng tôi phải sửa thành hài kịch nên phải thay đổi rất nhiều. Tôi rất biết ơn ekip vở kịch “Công lý như mặt trời” đã lăn lộn trên sân khấu cùng tôi tạo nên thành công hôm nay.
Ekip nâng niu từng miếng diễn, quăng bắt nhịp nhàng, bàn nhau từng tình huống, miệt mài kiếm ra lời lẽ phù hợp cho từng nhân vật. Việc phân vai cũng rất quan trọng, đặc biệt, với những diễn viên lần đầu thể hiện vai “khác chất”, như Hùng Thuận lần đầu vào vai kép lão phản diện, Lê Vinh trước đây là kép chính, kép đẹp giờ đóng kép hài…Vở diễn này tôi và NSƯT Mỹ Uyên “thai nghén” khá lâu nhưng khi tập thì dồn sức trong chưa đầy 1 tháng. Chúng tôi muốn ra mắt vở càng sớm càng tốt để phục vụ khán giả.
-Anh cảm thấy thế nào khi hiện nay có khá ít các kịch bản vở kịch phản ánh các vấn đề tệ nạn xã hội, tham nhũng như vở kịch “Công Lý Như Mặt Trời”?
Hiện nay, trên sân khấu đúng là khá ít các vở diễn đề tài tệ nạn xã hội, chống tiêu cực hay tham nhũng, đây là điều đáng tiếc. Trong khi đó, phim truyền hình có nhiều phim đi vào đề tài này và có hiệu ứng rất lớn với công chúng. Hội sân khấu TPHCM cũng đã có những buổi gặp gỡ, hội thảo mà tôi được mời tham dự, nêu lên thực trạng này. Chắc chắn sắp tới trên sân khấu sẽ có thêm nhiều vở diễn như “Công lý như mặt trời” góp thêm tiếng nói xây dựng xã hội ngày càng tốt hơn
Viết về đề tài này tác giả phải có sự am hiểu về tình hình kinh tế chính trị xã hội, tác giả phải chắc tay và có vốn sống, khi viết phải đáp ứng được cả tính giải trí và tư tưởng, điều đó không đơn giản. Tôi nghĩ, chúng ta nếu kiên trì sẽ làm được thôi. Nếu các Sân khấu quan tâm nhiều về đề tài này thì tác giả sẽ cho ra thêm nhiều tác phẩm, có cầu thì sẽ có cung thôi. Kịch thời sự là thế mạnh của tôi. Tôi luôn khát khao làm nhiều về đề tài xã hội thời sự mang tiếng cười châm biếm, như ở 5B có các vở: Ảo Thật (đề tài mạng xã hội), Phía sau tội ác (đề tài trộm chó), Công lý như mặt trời (những vụ án quan sai). Tôi mong rằng sẽ có nhiều tác giả đi sâu vào đề tài này hơn để chúng tôi có nguồn kịch bản cho sân khấu.
-Được dàn dựng theo phong cách hài kịch châm biếm dân gian, Công lý như mặt trời mở màn khá ấn tượng với bài vè về nạn tham quan. Anh có cho rằng đề tài này khá “nhạy cảm” hay không?
Tôi nghĩ là không. Bởi vì, những gì chúng tôi đề cập đến, báo chí đã phản ánh rất nhiều. Hơn nữa, công cuộc chống tham nhũng là công cuộc chung của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Là một nghệ sĩ, trước hết là một công dân, mình cần góp tiếng nói để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Thực tế, thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đã chứng minh, công cuộc Chống tham nhũng không có vùng cấm. Tất cả những vụ đại án tham nhũng vừa qua được đưa ra ánh sáng đã tạo niềm tin lớn trong nhân dân. Nghệ sĩ chúng tôi cũng cần nói lên chính kiến của mình về vấn đề này.
-Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, anh muốn khan giả nhìn nhận mình là đạo diễn hay là nghệ sĩ hài Chánh Trực?
Là một đạo diễn sân khấu, đạo diễn Game show, phim Sit-com, tôi hoạt động ở khá nhiều lãnh vực, kể cả diễn viên hài, và đóng chính kịch cũng không tệ (cười). Đồng thời là một giảng viên nghệ thuật nữa. Tôi không đóng khung mình vào một danh xưng nào. Hãy gọi tôi là Nghệ sĩ Chánh Trực. Còn đối với các đồng nghiệp đàn em, các em thường gọi tôi một cách thân thương là Thầy Trực (cười)
-Được biết, sân khấu kịch vừa cho ra mắt chùm hài kịch ngắn tối thứ 5 đang được khán giả yêu thích. Anh có thể chia sẻ các vở kịch này được không?
Sau vở Công Lý Như Mặt Trời, tôi tiếp tục tham gia trong Chùm hài kịch ngắn tối Thứ 5 của 5B với vai trò diễn viên, chùm hài kịch đầu tiên mang tính thời sự và châm biếm cao nên được dư luận rất tốt và vẫn sàn đèn đều đặn hàng tuần. Sắp tới NSUT Mỹ Uyên muốn đặt hàng tôi một chùm hài kịch kế tiếp mang hơi hướng thời thượng hơn, đáp ứng trào lưu của giới trẻ và mang nhiều màu sắc thời đại. Đó sẽ là thử thách mới của tôi trong vai trò đạo diễn lẫn diễn viên hài.
– Vừa là một nghệ sĩ nhưng anh cũng từng đứng trên bục giảng. Kỷ niệm nào mà anh cảm thấy nhớ nhất với các học trò của mình.
Chữ Thầy như cái nghiệp của tôi vậy. Tôi đã từng có thời gian rời xa bục giảng 7 năm để về công tác ở ĐTH TP.HCM nhưng cuộc đời dun dủi tôi lại quay trở lại bục giảng. Hiện tôi đang dạy một lớp diễn viên tại trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh. Tôi vui vì tôi dạy ở đâu học trò cũng thương tôi, chắc có lẽ vì tôi thương các em như cha mẹ thương con vậy, tôi luôn đau đáu dõi theo thành công và cả thất bại của các em.
Cho đến giờ này những học trò tôi dù nổi tiếng hay chưa nổi tiếng vẫn thường xuyên gặp nhau tâm sự về nghề về đời, cùng dìu dắt nhau qua những khó khăn của “nghiệp tằm”. Tôi thường nói với các em: cái nghề này nhọc nhằn, tụi con cứ coi thầy như “cái thùng rác”, sung sướng cứ hưởng đi, đau khổ thì cứ gặp thầy mà xả. Nghề dạy với tôi là cái đạo, khi thấy mình không trọn đạo nữa, tôi xin rời bục giảng.
Minh Trường