Bằng những phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn,… trên nền tảng mạng xã hội. Nhiều vụ ồn ào liên tiếp xảy ra những ngày qua khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm với một bộ phận nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Ồn ào từ mạng ảo đến đời thực
Những ngày qua, liên tiếp những vụ lùm xùm cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực nổ ra, đều liên quan tới ứng xử, đạo đức của một số người nổi tiếng. Sau khi kiện tướng khiêu vũ thể thao Khánh Thi gây chú ý vì đòi nợ trên Facebook, tới lượt diễn viên Angela Phương Trinh biến trang cá nhân thành nơi phát ngôn sốc, thiếu kiểm soát.
Angela Phương Trinh, Nam Em phải nộp phạt vì những phát ngôn, thông tin không phù hợp trên mạng xã hội.
Nữ diễn viên gọi những người mang quan điểm khác mình là “giặc”, những ý kiến không giống mình là “truyền thông bẩn” và đăng tải thông tin xuyên tạc, chia rẽ, xúc phạm tôn giáo. Năm 2021, Angela Phương Trinh liên tục đăng tải thông tin sai sự thật về việc chữa trị COVID-19 bằng giun đất, chia sẻ quan điểm về việc trị ung thư bằng cách “nói chuyện với khối u”. Tháng 10/2021, Angela Phương Trinh bị xử phạt 7,5 triệu đồng về các hành vi nêu trên. Tại cuộc làm việc với cơ quan chức năng, Angela Phương Trinh nhận sai, nộp phạt và xóa bài viết có thông tin sai sự thật khỏi trang cá nhân. Lần này sau khi bị dư luận phản ứng, cô tiếp tục xin lỗi và gỡ bài viết.
Cần chế tài đủ sức răn đe với nghệ sĩ vi phạm pháp luật.
Trước đó, người mẫu Nam Em cũng nhận mức phạt hơn 30 triệu đồng do hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc.
Hôm 4/6, Công an Quận 10 (TPHCM) phát hiện một nhóm khoảng 6 người đang tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có ca sĩ Chu Bin (Chu Đăng Thanh). Chu Bin nổi lên khi lọt top 30 một cuộc thi âm nhạc. Nam ca sĩ chủ yếu diễn ở những sự kiện nhỏ.
Không chỉ người trẻ, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có thâm niên làm nghề cũng khó tránh khỏi việc cư xử thiếu chuẩn mực. Tháng 5/2024, NSND Việt Anh có dòng trạng thái gây chú ý. Ông viết: “Tự dưng, rất dị ứng với ảnh đại diện này khi gia đình có người thân tạ thế, có cái gì mới hơn, sáng tạo hơn và thật đầy cảm xúc hơn không? Sao cứ sao chép cái lập thành? Hãy biết nghĩ khác đi cái người khác nghĩ”.
Quan điểm của NSND Việt Anh về việc nhiều người dùng đổi ảnh đại diện Facebook thành màu đen khi gia đình có tang sự vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả không đồng tình khi ông dùng từ “sáng tạo” để nói về chuyện buồn. Sau khi bị phản ứng, NSND Việt Anh đã xóa dòng trạng thái vì không muốn mọi chuyện bị đẩy đi quá xa. Nam nghệ sĩ xem đây là bài học để cẩn trọng hơn trong mọi tình huống, phát ngôn trên mạng xã hội.
Mức phạt thấp, nhiều người phớt lờ
Bàn về vấn đề ứng xử của nghệ sĩ, NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Tuy nhiên khái niệm nghệ sĩ không dễ định hình. Không dễ để xác định một nhân vật có phải là nghệ sĩ hay không.
“Trước hết, nghệ sĩ là công dân Việt Nam, phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Nghệ sĩ hoạt động biểu diễn có tác động tâm lý xã hội, tác động không tốt đến cộng đồng là điều cấm. Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội không dễ, trách nhiệm quản lý thuộc về các sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương được phân cấp quản lý”, NSND Trần Ly Ly nói.
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng phát ngôn thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ, người nổi tiếng là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa – truyền thông Ngô Hương Giang cho rằng, tình trạng ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ nếu không được ngăn chặn, kiểm soát bằng hành lang pháp lý sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
“Chế tài xử phạt yếu, dao động từ 5-10 triệu đồng cho những hành vi phát ngôn lệch chuẩn không nhằm nhò gì so với thu nhập của họ. Vì thế, họ sẵn sàng phớt lờ quy định. Người có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới giới trẻ như nghệ sĩ, người nổi tiếng cần nhận mức phạt nghiêm khắc, thậm chí phải cao hơn những người bình thường”, ông Ngô Hương Giang nêu quan điểm.
Nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể dẫn dắt dư luận bằng những phát ngôn, hành động của mình. Vì thế, khi họ gặp vấn đề về đạo đức, bị dư luận lên án, giải pháp được nhiều người ủng hộ là hạn chế hình ảnh trên phương tiện truyền thông và các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. “Cần đưa nghệ sĩ vào chuẩn mực trong ứng xử. Trách nhiệm công dân cần song hành với trách nhiệm nghệ sĩ”, chuyên gia nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Hà Nội) nhận định, những người nổi tiếng, hoạt động nghệ thuật có sức ảnh hưởng trong xã hội, hành vi ứng xử của họ sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, văn hóa tinh thần của nhiều người, khiến nhiều bạn trẻ có thể học theo, làm theo và tác động đến nhận thức và hình thành nhân cách của giới trẻ.
“Bởi vậy, để xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội phải là những người mẫu mực trong ứng xử. Hành vi thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể tác động tiêu cực đến xã hội, có thể xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, cá nhân. Việc quản lý, xử lý là cần thiết, trong đó không loại trừ trường hợp xử lý bằng chế tài hình sự”, luật sư nói.
Sẽ có chế tài mạnh hơn
Ngày 13/12/2021, Bộ VHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Song quy tắc ứng xử chỉ mang tính định hướng. Nhận định mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội còn thấp, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định hạn chế hình ảnh đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi này trên sóng truyền hình và các phương tiện biểu diễn, phương tiện thông tin đại chúng. Quy định mới dự kiến ban hành trong năm 2024.
Theo Tiền Phong