Ngày 24-11, vở kịch Ám ảnh (tác giả Đặng Thanh Nga, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) đã công diễn tại Nhà hát Thế giới trẻ (quận 1, TP HCM) với sự góp mặt của nghệ sĩ Thu Trang và Tiến Luật.
Vở kịch “Ám ảnh” nằm trong kế hoạch quảng bá các kịch bản đoạt giải cao tại Trại sáng tác kịch bản do Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát Thế giới trẻ đồng đầu tư. “Ám ảnh” là kịch bản được trao giải nhất tại trại sáng tác kịch bản của Hội Sân khấu TP HCM
Nghệ sĩ Thu Trang (trái), Tiến Luật và diễn viên Kiều Diễm trong vở “Ám ảnh”
Nghệ sĩ Thu Trang và Tiến Luật đã thể hiện vai người mẹ, người cha vô tình là phụ huynh “ác” khi bắt buộc con mình vào đại học không đúng nguyện vọng. “Ám ảnh” là câu chuyện kịch phản ảnh đề tài mà xã hội quan tâm, đó là cha mẹ vì quá hãnh tiến đã đặt lên vai con mình áp lực nặng nề, dẫn đến hậu quả không lường khi chính con mình là nạn nhân của thành tích học tập.
Việc cha mẹ ép buộc con học tập ngày đêm theo đúng nguyện vọng của mình, cốt để khoe với xã hội con mình giỏi có thể dẫn đến hiện tượng cưỡng bức, gây hậu quả nghiêm trọng mà nghệ sĩ phải gióng hồi chuông cảnh báo.
Vở “Ám ảnh” tạo đất diễn cho những gương mặt trẻ
Khi mặt bằng sân khấu kịch hiện nay ngày càng hiếm những kịch bản đi vào những vấn đề gai góc của đời sống, những vấn đề trăn trở của xã hội, sự kiện Hội Sân khấu TP HCM đầu tư tác phẩm đoạt giải cao tại Trại sáng tác kịch bản là một tín hiệu lạc quan, hướng những tác phẩm sân khấu truyền tải những thông điệp tích cực, qua đó tác động tốt đến đời sống xã hội.
Vở kịch không chỉ cảnh tỉnh những bậc làm cha, làm mẹ mải mê chạy theo thành tích của con, buộc con phải thực hiện ước mơ của mình, đã cho thấy sự lệch lạc trong giáo dục con cái là một vấn đề đáng báo động.
Qua vở “Ám ảnh”, kỳ vọng của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu là khán giả sẽ tìm được đáp án của câu hỏi có nên ép con cái học quá nhiều hay không?
Diễn viên Kiều Diễm (vai Ánh Dương) và Hoàng Phi (vai Khải) trong vở “Ám ảnh”
Câu chuyện của cô bé Ánh Dương ở tuổi sắp vào đại học đã khái quát rõ những hệ lụy mà con cái trở thành nạn nhân của cha mẹ trong việc giáo dục sai lầm.
Nghệ sĩ Thu Trang và Tiến Luật đã phối hợp thật ăn ý với các diễn viên: Hoàng Phi, Kiều Diễm, Minh Dự, Phúc Zelo, Tất Diệu Hằng, Lâm Nguyễn…kể một câu chuyện kịch giàu cảm xúc.
Âm nhạc của NSND Hồ Văn Thành đã tạo thêm nhiều cung bậc tình cảm để khán giả vừa thương, vừa ghét nhân vật của Thu Trang, Tiến Luật, đồng thời xót xa cho hoàn cảnh của hai nhân vật Ánh Dương (Kiều Diễm) và Khải (Hoàng Phi).
Bên cạnh những phút giây lắng đọng, cảm xúc thăng hoa, còn có tiếng cười duyên dáng, hài hước qua nét diễn phóng khoáng của Thu Trang, Tiến Luật và Minh Dự. Cả ba đã là một bệ đỡ dàn bao vững cho các diễn viên tuyến chính phát huy sáng tạo.
Hoàng Phi diễn vai Khải rất đời, thể hiện tinh tế từ hành động cho đến đối thoại của nhân vật giang hồ. Còn diễn viên trẻ Kiều Diễm được đánh giá triển vọng khi để lại cho nhân vật Ánh Dương nét ngây thơ, hồn nhiên và cũng đầy nỗi niềm khiến người xem thổn thức.
Những xử lý sân khấu rất ấn tượng của đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu trong vở “Ám ảnh”
Qua vở kịch này, người xem sẽ nhận thấy chính mình trong từng nhân vật, để từ đó khuyến khích con em mình học tập bằng những hình thức tích cực nhất, kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, vui chơi khoa học, phù hợp.
Tác giả Đặng Thanh Nga đã gửi gắm vào kịch bản những tâm tư mà nhiều phụ huynh học sinh, sinh viên hiện nay đang cần nỗ lực nhận diện sao cho đúng. Học là để giúp con trẻ trải nghiệm qua mọi điều rồi chọn điều con thích và phù hợp.
Tránh rơi vào hoàn cảnh như bé Ánh Dương thích được học mỹ thuật, còn cha mẹ cô thì muốn con phải vào Đại học Kinh tế đối ngoại, trong khi cô bé chẳng thích ngành này.
Chính vì thế, cô bé không có niềm đam mê với việc học, rồi cứ loay hoay với sự mệt mỏi cho đến khi gặp được Khải – người thanh niên cũng đã từng có ước mơ được học, được làm vừa lòng cha, nhưng rồi cuộc đời xô ngã để là một đối tượng buôn bán chất cấm.
Bộ ba Thu Trang, Tiến Luật và Minh Dự tạo tiếng cười duyên dáng trong vở “Ám ảnh”
Với thông điệp hữu ích từ bài học được kể trên sàn diễn, nhân vật Ánh Dương sẽ bước vào đời sống hôm nay, theo chân các bậc phụ huynh về đến nhà giúp họ nhận ra rằng cần tạo cho con trẻ thấy được niềm vui trong việc học.
Những lớp diễn lấy cảm xúc người xem trong vở “Ám ảnh”
Thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng xem trọng, mong muốn con mình học giỏi, để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Nhưng việc mong muốn và thực hiện mong muốn của phụ huynh không có nghĩa là ép con cái sống theo ý mình.
Muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em hòa nhập với cộng đồng, được trải nghiệm cuộc sống, được học tập những kỹ năng sống, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu để ứng xử cho phù hợp…
Và các nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở kịch “Ám ảnh” qua bảng dựng rất đẹp của NSND Trần Ngọc Giàu hứa hẹn tìm được sự đồng cảm sâu sắc từ khán giả khi đến Nhà hát Thế giới trẻ.
Theo Người Lao Động