Bây giờ, nhiều khán giả mới ‘ngã ngửa’: Hóa ra bấy lâu nay mình bị gameshow cho ăn ‘một cú lừa’.
Từ một chương trình không mấy nổi bật, “Hành lý tình yêu” bỗng chốc “sáng nhất cõi mạng” với phát ngôn của Công Hoàng – một người chơi tự giới thiệu mình là người Huế.
Trong show hẹn hò này, anh đưa ra tiêu chí chọn vợ gây sốc: “Sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai”.
Phát ngôn này khiến Công Hoàng bị chỉ trích nặng nề, cho rằng anh lạc hậu và cổ hủ, trọng nam khinh nữ và làm xấu con người, văn hóa Huế.
Các gameshow luôn phải có kịch bản
Khoan nói đến điều này, sự tức giận càng “nóng” hơn khi Công Hoàng bị phát hiện từng tham gia show hẹn hò khác, với một thân phận khác.
Ở đó, anh xuất hiện cùng với một người đàn ông được giới thiệu là bố của anh. Sau đó, Công Hoàng thừa nhận, mình chỉ diễn theo kịch bản và người đàn ông kia chỉ là bố giả.
Bây giờ, nhiều khán giả mới “ngã ngửa”: Hóa ra bấy lâu nay mình bị gameshow cho ăn “một cú lừa”.
Theo lời đạo diễn Huỳnh Tấn Phát, bất cứ gameshow nào, kể cả truyền hình thực tế cũng phải có kịch bản. Bởi, một chương trình được sản xuất để lên sóng cần phải qua kiểm duyệt.
Không bao giờ có chuyện có gì quay nấy. Những người trong nghề đều hiểu điều này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất không bao giờ thừa nhận các chương trình có kịch bản và được dàn dựng, thậm chí ngay cả khi những sự giả dối được khán giả phát hiện.
Ngay “Running Man” – chương trình truyền hình thực tế đình đám của Hàn Quốc không ít lần cũng bị nghi ngờ có kịch bản.
“Sự hấp dẫn của gameshow chính là ở sự kịch tính và ngẫu hứng. Nếu nhà sản xuất thừa nhận có kịch bản, hai yếu tố đó sẽ biến mất”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho hay.
Rõ ràng, đối với gameshow hay truyền hình thực tế, kịch bản được coi là “điểm yếu chết người” để có thể nói ra. Nhưng kịch bản là điều buộc phải có để một chương trình có thể diễn ra suôn sẻ, đạt được đúng mục đích đề ra.
Do đó, người xem luôn cần sự tỉnh táo, để coi gameshow chỉ là một chương trình giải trí, cũng để bản thân không trở thành những “chú lừa” bị “xỏ mũi”.
Theo Giao Thông