Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lần đầu lên tiếng về những tranh cãi xoay quanh bộ phim ‘Đất rừng phương Nam’. Anh khẳng định đây là bộ phim cho gia đình, không có ý định gì về chính trị.
Ngày 25/10, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lên tiếng giải thích một số chi tiết gây hiểu lầm, tranh cãi liên quan bộ phim Đất rừng phương Nam.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhiều người công kích phim Đất rừng phương Nam, thậm chí thóa mạ dù chưa xem phim.
“Vì có nhiều lý luận không đúng trong phim diễn ra. Họ nghe bên này, nghe chỗ kia và phát triển thêm hướng họ muốn thóa mạ. Tôi sẽ giải thích cho những người yêu quý bộ phim yên tâm và vững tin thưởng thức”, anh lý giải.
Hai chi tiết gây tranh cãi mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dẫn chứng là trang phục của nhân vật Tiều và hai tổ chức đã được chỉnh sửa gồm: Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn.
“Họ nói trong phim mặc đồ người Hoa. Họ đưa hình dẫn chứng một nhân vật thủ vai người Hoa hoặc lấy hình MV ra. MV là diễn viên góp mặt để thu âm, mặc đồ tự do. Như các bạn thấy có người mặc sơ mi, vest, mặc theo gợi ý của nhà thiết kế. Hoặc họ lấy hình trong phim ‘nhân vật đang cải trang’. Nói chung họ cố gắng tìm mọi cách hay bị giật dây làm sao chứng minh trong phim toàn là trang phục nước khác. Ai xem phim sẽ biết nó không như thế”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh Đất rừng phương Nam là bộ phim cho gia đình, không có ý định gì về chính trị.
Đạo diễn khẳng định bộ phim Đất rừng phương Nam không có ý định gì về chính trị và lý giải chi tiết phim bị chỉ trích làm “sai lệch lịch sử”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết trong phim chỉ có 4 câu thoại nói Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn. Đó là một phần rất nhỏ của phim, mô tả bang hội của nhóm người Hoa tại Việt Nam.
Anh nhấn mạnh lý do ê-kíp quyết định sử dụng hai tên này vì trong bản phim truyền hình cũng có chi tiết nhân vật ông Tiều thuộc nhóm Thiên Địa Hội. Bản phim truyền hình có nhà văn Sơn Nam là cố vấn cho đạo diễn Vinh Sơn, cả hai đã thống nhất đổi thời điểm xảy ra của tiểu thuyết là trước năm 1930 thay vì những năm 40. Khi ấy, chưa có Việt Minh, nên bản truyền hình có tập về Đồng Nọc Nạn.
“Đất rừng phương Nam cũng đổi theo như thế. Vì chúng tôi thấy bối cảnh này khiến cậu bé An lưu lạc qua nhiều môi trường, qua nhiều hội nhóm, qua nhiều văn hóa, lý tưởng của người dân vùng đất Nam bộ khi đấu tranh ở thời kỳ còn rất tự phát. Qua đó, An cũng dần lớn lên theo cùng những cuộc đấu tranh để tìm ra lý tưởng thật sự sau này”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.
Với những lập luận của mình, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kết luận Đất rừng phương Nam là bộ phim dành cho gia đình, kết nối thế hệ. Việc ê-kíp chỉnh sửa một số chi tiết trong phim để đáp ứng yêu cầu của Cục Điện ảnh và tránh những hiểu nhầm về thông điệp bộ phim truyền tải.
“Tư tưởng của bộ phim này là đề cao tình người, tình yêu với vùng đất. Tất cả nhân vật người lớn dù có khác biệt lý tưởng cũng nhìn về một hướng bảo vệ cho thế hệ sau. Về việc đoàn phim sửa lại tên bang hội trong bản phim mới thật sự rất nhanh, bởi vì nó rất ít, không phải vấn đề quan trọng của phim. Nhưng vì nó bị hiểu lầm, nâng cao quan điểm ảnh hưởng đến người chưa xem nên chúng tôi đã sửa mong cho khán giả xem bộ phim rõ những mục đích chính của phim hơn bị lăn tăn những chi tiết nhỏ”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh.
Cũng trong bài đăng này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận mình cũng có cái non, cái chưa tới. Anh đón nhận những ý kiến khen chê nhưng sự thóa mạ, vùi dập triệt tiêu thì thực sự ái ngại.
“Thật sự tôi cũng không đề cao quá bản thân mình, tôi cũng hiểu không có nghĩa phim đầu tư nhiều, tâm huyết là phải bắt người ta yêu quý. Làm nghề chúng ta lớn lên, phát triển nhờ những khách hàng khó tính”, anh chia sẻ.
Sau 12 ngày ra rạp, Đất rừng phương Nam vẫn là chủ đề nóng được dư luận quan tâm. Dù đạt doanh thu ấn tượng với hơn 106 tỷ đồng, bộ phim bị chỉ trích vì làm “sai lệch lịch sử”. Một số khán giả kêu gọi tẩy chay, thậm chí thu hồi để tránh những tác động tiêu cực, hệ lụy về sau.
Theo Tiền Phong