Dựa trên hệ thống nhân vật, câu chuyện, bối cảnh… tuy nhiên ‘Đất rừng phương nam’ được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kể hoàn toàn khác với bản truyền hình.
Dự án điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và phim truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Bản truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Ảnh: VĂN HÀ
Đất rừng phương Nam lấy bối cảnh tương tự bản truyền hình (khoảng 1920-1930). Tuy nhiên, cách kể chuyện của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại hoàn toàn khác biệt dù dựa trên câu chuyện, hệ thống nhân vật…
Tuyến nhân vật đổi mới
Trong bản truyền hình Đất phương Nam, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã kể câu chuyện cậu bé An (Hùng Thuận) đi tìm cha. Trên hành trình này, An đã gặp gỡ nhiều nhân vật như Út Lục Lâm, thằng Cò, ông Ba bắt rắn, Võ Tòng, Út Trong, Bác Ba Phi…
Dù dựa trên hệ thống nhân vật, câu chuyện nhưng Đất rừng phương Nam được làm mới hoàn toàn. Ảnh: NSX
Tuy nhiên, thay vì lựa chọn cách làm lại, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đổi mới những mối quan hệ, nhân vật tình tiết của phim.
Cụ thể, nếu nhân vật thằng Cò (Phùng Ngọc) trong bản truyền hình được tô đậm trong trí nhớ khán giả là bạn thân của An, hoạt bát, thông minh lanh lợi với tài dùng ná thun, thì trong Đất rừng phương Nam nhân vật này do Kỳ Phong đảm nhận lại hoàn toàn mờ nhạt, chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh.
Vai Cò trong bản truyền hình Đất phương Nam do Phùng Ngọc đảm nhận. Ảnh: Tư liệu
Thay vì kể về tình bạn, tô đậm mối quan hệ giữa Cò và An thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nhấn sâu mối quan hệ giữa An và Út Lục Lâm, một tên trộm (Tuấn Trần).
Theo đó, trong bản điện ảnh, vai diễn của Tuấn Trần được thể hiện là một người anh, người thân thiết của An.
Tưởng chừng chỉ đi cùng nhau trong thời gian ngắn vì lời hứa giúp đỡ tìm cha, nhưng theo thời gian, cả hai đã gắn bó như ruột thịt. Thậm chí An và Út Lục Lâm có những cảnh quay khiến khán giả bật cười và nhận được sự đánh giá cao.
Út Lục Lâm (Tuấn Trần) và bé An (Hạo Khang)
Ở phiên bản của NS Trung Dân trong bản truyền hình, vai Út Lục Lâm chỉ xuất hiện trong vài cảnh quay với tính cách hào sảng của người Nam Bộ và được nhớ đến qua những cảnh hướng dẫn bé An ăn cắp lợn quay hay nướng gà bằng đất sét.
Út Lục Lâm (Trung Dân) và bé An (Hùng Thuận)
Trong Đất rừng phương Nam, nhân vật Võ Tòng (Mai Tài Phến) khá mờ nhạt, chỉ xuất hiện trong cảnh cướp pháp trường và cảnh quay cuối của phim. Trong phần cuối này, NSX cũng đã giới thiệu Võ Tòng và Út Trong (Bích Ngọc) nhằm gợi mở phần 2.
Vai Võ Tòng bản truyền hình và bản điện ảnh
Ở bản truyền hình vai Võ Tòng do Lê Quang đóng được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thể hiện khá đậm nét và là một trong những nhân vật được yêu mến bởi sự đôn hậu, anh dũng, can trường.
Hình ảnh Võ Tòng của Lê Quang đã in sâu trong lòng khán giả với cảnh bắt cá sấu hay chống lại cường hào ác bá cướp đất, cướp nước… Bên cạnh đó, mối tình của Võ Tòng và Út Trong (Thúy Loan) cũng được yêu mến vì chịu mất mát trong thời điểm loạn lạc.
Ngoài ra, điều gây tranh cãi nhiều nhất về tạo hình cũng như diễn xuất đó là vai Bác Ba Phi. Nhân vật Bác Ba Phi do nghệ sĩ Mạc Can đảm nhận ở bản truyền hình đã đem đến tiếng cười cho khán giả bởi sự dí dỏm, mộc mạc. Tuy nhiên ở bản điện ảnh vai diễn do Trấn Thành thủ vai bị đánh giá không phù hợp, đặc biệt phần hóa trang cũng bị cho là giả, nhất là bộ râu.
Các bang hội yêu nước đã được khai thác
Trong bản truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn các bang hội được thể hiện khá mờ nhạt. Các nhân vật liên quan đến bang hội trong đó có ông Tiều, nhân vật gốc Triều Châu và chỉ xuất hiện ở một vài phân cảnh cùng con gái, bé An hành nghề mãi võ.
Tuy nhiên ở bản điện ảnh, các bang hội yêu nước chống Pháp này được nhấn mạnh và hoạt động kín đáo. Họ giao tiếp bằng ám hiệu, ký hiệu tay.
Nhân vật ông Tiều (Tiến Luật) đại diện cho tổ chức Thiên địa Hội
Nhân vật chủ chốt là ông Tiều được kể xuyên suốt bộ phim với sự cương trực, giỏi võ và yêu thương con gái. Ông đã cứu Võ Tòng giữa pháp trường, sau đó nhận bao bọc bé An, con trai của Hai Thành – thủ lĩnh một tổ chức nghĩa quân.
Đặc biệt, khi bị bắt, hình ảnh ông Thiều cắn lưỡi bảo vệ tổ chức đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả.
Khi phim ra mắt, chi tiết này đã vướng nhiều tranh cãi và bị cho là gây sai lệch lịch sử. Hôm 15-10, NSX họp cùng đại diện Cục Điện ảnh để đề xuất phương án chỉnh sửa phim.
NSX đã công bố bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn.
“Sở dĩ có sự nhắc đến nhiều hơn về Thiên Địa Hội ở bản điện ảnh là vì mình muốn nâng vai trò của nhân vật ông Tiều hơn. Ông Tiều là người dạy cho An trung hiếu nghĩa, những giá trị nhân văn cổ điển, ông thậm chí còn chống lại chính hội của mình để bảo vệ cho An”.
Biên kịch Trần Khánh Hoàng
Theo Pháp Luật