Xuất hiện trong buổi phỏng vấn này, Hứa Vĩ Văn vẫn diện vest lịch lãm đúng chuẩn một soái ca, nhưng những gì nam diễn viên chia sẻ về nghề, về cuộc sống của mình lại là nhiều lát cắt thú vị và gai góc vượt qua hình dung của nhiều người.
Nhà sản xuất, đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã nhận xét về Hứa Vĩ Văn như thế này: “Những đạo diễn khác đã bị ấn tượng với Văn bởi hình ảnh soái ca, đẹp và an toàn ở nhiều bộ phim khác”. Nhưng không chỉ các đạo diễn sinh ra định kiến soái ca khi nhìn vào Hứa Vĩ Văn, mà ngay cả khán giả Việt cũng luôn mặc định Hứa Vĩ Văn sẽ chỉ xuất hiện trên màn ảnh cùng những vai diễn đẹp đẽ không tì vết. Năm 2020 có thể coi là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp diễn xuất của Hứa Vĩ Văn khi anh đảm nhận vai Quang ở Tiệc Trăng Máu – một người chồng làm ăn thất bại, bị vợ lừa dối, luôn mặc cảm về bản thân và vai ông Bé ở Trái Tim Quái Vật – người đàn ông 60 tuổi với tính cách quái gở, ngoại hình khiếm khuyết.
“Tôi nhận rất nhiều định kiến kể từ khi bước vào nghề đến giờ. Người mẫu đóng phim, ca sĩ đóng phim, bình hoa di động, chỉ đóng được vai soái ca thôi… Thực ra vẻ bề ngoài không mang lại gì cho tôi hết trơn” – Hứa Vĩ Văn thẳng thắn thừa nhận về những định kiến vây quanh mình bấy lâu nay. Xuất hiện trong buổi phỏng vấn này, Hứa Vĩ Văn vẫn diện vest lịch lãm đúng chuẩn một soái ca, nhưng những gì nam diễn viên chia sẻ về nghề, về cuộc sống của mình lại là nhiều lát cắt thú vị và gai góc vượt qua hình dung của nhiều người.
Kaity Nguyễn là “hàng hiếm” và bảo bối của điện ảnh Việt Nam, Kiều Minh Tuấn sẽ “làm trùm” từ 10 – 20 năm nữa
Đóng Tiệc Trăng Máu cùng thế hệ đàn em nổi bật như Kaity Nguyễn, Kiều Minh Tuấn, anh có cảm thấy áp lực tuổi tác, vai vế gì không?
Không. Kaity Nguyễn rất nhiều năng lượng trên phim trường, tươi mới và lễ phép. Kaity Nguyễn quá ok, là hàng hiếm đấy! Nếu đặt một danh xưng cho Kaity thì cô bé là bảo bối của điện ảnh Việt Nam, khó tìm được diễn viên nào như vậy lắm. Về diễn xuất, Kaity còn vượt trội hơn một số đàn chị của mình.
Còn Kiều Minh Tuấn là nam diễn viên tôi thích nhất. Lứa diễn viên bây giờ chưa ai thay thế được Tuấn đâu. Tuấn sẽ “làm trùm” từ 10 – 20 năm nữa. Ở lứa 87, 88 thì khó ai vượt Tuấn lắm, cậu ấy vẫn là số 1 về khả năng diễn xuất.
Nói về Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn như vậy liệu có quá lời, vì số lượng tác phẩm cả hai tham gia vẫn chưa quá nhiều nhặn?
Quan trọng là tư duy diễn xuất và sự sâu sắc, biết chọn lựa và không tham công tiếc việc. Họ làm đúng trách nhiệm của một người diễn viên. Ở Việt Nam đa số đã quên mất mình là diễn viên chứ không phải ngành nghề khác. Thật ra thời ba mẹ tôi gọi nghề này là minh tinh đấy! Tôi thấy bé Kaity Nguyễn đang đi đúng hướng minh tinh rồi. Mình phải biết giá trị của mình ở đâu. Diễn viên thì nhiều chứ minh tinh lại ít. Minh tinh là người có sức quyến rũ. Họ sẽ có năng lực diễn xuất hơn, có tâm hồn và phán xét về sự nghiệp của mình hơn.
Nhưng với một bộ phim có cả một dàn diễn viên trong mơ như Tiệc Trăng Máu thì cũng khó để kiểm soát hiệu ứng, sự đón nhận của khán giả ở từng diễn viên?
Một bộ phim có 2 ngôi sao đã khó kiểm soát và xảy ra đủ chuyện rồi. Nhưng với bảy diễn viên đều có tên tuổi, anh Dũng phải lèo lái chúng tôi làm việc ăn ý với nhau. Chúng tôi đã dành nguyên 3 tiếng để tập thoại, một ngày thoại như vậy 3 lần, diễn đi diễn lại nguyên cuốn kịch bản. Đến khi ráp thoại xong, chúng tôi bỏ kịch bản ra, bày đồ ăn lên và bắt đầu diễn thật. Tập xong xuôi mới ra set quay. Thời gian tập với nhau gấp 3 thời gian quay, cứ như chúng tôi diễn 3 suất chiếu vậy (cười).
Tôi là diễn viên duy nhất phải đi casting phim Tiệc Trăng Máu, nhà sản xuất cũng có những định kiến với tôi
Anh có áp lực khi khán giả liên tục so sánh diễn xuất của mình với các đồng nghiệp ở Tiệc Trăng Máu?
Bảy diễn viên chúng tôi đang được diễn xuất đúng với sở trường của mỗi người. Nếu chúng tôi tráo vai cho nhau thì cũng không ai làm tốt bằng chính bản thân người đó. Chúng tôi rất đoàn kết, không chen lấn, giành giật nhau, lúc nào cũng hiểu được vị trí của mình, hỗ trợ nhau hết mình. Khán giả không thể nào bắt tôi giống như Thu Trang, diễn ra nét của Thái Hoà hay tấu hài theo kiểu Kiều Minh Tuấn.
Ngón tay có ngón ngắn ngón dài, ở ngoài xã hội còn có vô vàn nhân cách khác nhau, thì Tiệc Trăng Máu cũng vậy thôi. Tôi đã làm đúng vị trí của mình. Như anh Nguyễn Quang Dũng nói, bảy diễn viên như một đội bóng đá. Lần này, tôi không còn giữ vị trí tiền đạo mà xuống vị trí tiền vệ, anh Dũng đã giao trái banh cho Thu Trang sút. Tất cả các diễn viên còn lại cũng giữ vị trí hậu vệ, thủ môn…, cùng cố gắng hết mình để trận đấu này phải thắng.
Vậy cơ duyên đóng Tiệc Trăng Máu đã đến với anh như thế nào?
Năm ngoái, khi em trai tôi mất, anh Trinh Hoan ở hãng phim HK Film đã đến viếng thăm và mở lời mời: “Sắp tới tham gia phim này cùng anh nha”. Anh nói vậy để tôi nhanh chóng quay về làm việc cho nguôi ngoai bớt chuyện buồn. Một thời gian sau, tôi mới biết đó là dự án Tiệc Trăng Máu – bản remake từ phim Người Quen Xa Lạ.
Đây không phải lần đầu tiên tôi đóng phim remake, tôi đã từng tham gia Em Là Bà Nội Của Anh, phim điện ảnh remake đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều người đã mời tôi tham gia phim remake mà tôi đều từ chối vì cảm thấy kịch bản chuyển thể như dịch sang tiếng Việt, không có sự sáng tạo và đầu tư. Tiệc Trăng Máu và Em Là Bà Nội Của Anh không phải tác phẩm copy y hệt mà thực sự chuyển thể, chuyển ngữ, thả văn hoá, lối sống, tinh thần của con người Việt Nam vào tác phẩm.
Tôi rất tâm đắc với một câu chị Hồng Ánh từng nói: “Câu chuyện bên Pháp là văn hoá Pháp, câu chuyện của Ý hay Hàn cũng thuộc về đất nước họ. Khi về Việt Nam, chúng ta không đem văn hoá của Hàn Quốc, suy nghĩ của người Pháp và cách sống từ Ý qua Tiệc Trăng Máu được. Phải làm sao dựa trên câu chuyện gốc mà chuyển thành câu chuyện hoàn toàn mới, phù hợp với khán giả Việt Nam“.
Nhưng nhiều người lại bình luận Hứa Vĩ Văn vẫn mang hình bóng của một soái ca vào vai Quang ở Tiệc Trăng Máu, anh nghĩ sao?
Ngay từ đầu, khi nhà sản xuất chọn diễn viên cho Tiệc Trăng Máu thì họ cũng có những định kiến là tôi đóng nhiều vai an toàn rồi, không biết tôi đóng vai Quang có ổn không? Tôi là diễn viên duy nhất phải đi casting vai này, phải chứng minh cho mọi người thấy tôi làm được. Tôi đã gạt bỏ đi vẻ bề ngoài và hình ảnh trước công chúng để thuyết phục rằng những vai diễn tuổi trung niên đã bắt đầu hợp với tôi rồi.
Sự nghiệp của tôi không được suôn sẻ như mọi người. Tôi nhận nhiều định kiến lắm! Hồi mới vô nghề thì bị nói người mẫu đóng phim, ca sĩ đóng phim… Ngay cả lúc tôi đoạt giải diễn viên triển vọng thì ngày hôm sau đã có bài báo: “Tất cả những tên tuổi này sẽ làm được gì cho tương lai điện ảnh Việt Nam?“. Chưa hết, khi tôi đóng phim điện ảnh, mọi người còn bảo “người đẹp đóng phim“, “bình hoa di động“…
Thực ra vẻ bề ngoài không mang lại gì cho tôi hết trơn. Thậm chí tên tôi còn bị gạch ra khỏi một số dự án vì những định kiến Hứa Vĩ Văn soái ca, chỉ đóng được vai đẹp thôi, không làm được gì hơn đâu. Tôi không bao giờ thừa nhận danh xưng soái ca vì tôi rất sợ. Suốt ngày phải vượt qua định kiến, tôi thấy rất gian nan, kham khổ, nhức óc đấy.
Khán giả muốn tôi không bao giờ được già nhưng năm nay tôi đã 42 tuổi rồi
Ai cũng nghĩ soái ca là một lời khen về cả ngoại hình và tính cách, còn anh thì ngược lại?
Danh xưng soái ca đã cản trở tôi dữ lắm. Khán giả muốn tôi không bao giờ được già. Kenh14 phỏng vấn tôi cách đây 5 năm, từ thời Em Là Bà Nội Của Anh thành công thì tôi đã 38 tuổi. Bây giờ tôi đã 42 tuổi rồi. Tôi không biết làm sao để mọi người hiểu được tôi cũng phải già đi theo thời gian, trong khi khán giả lại không cho tôi quyền được già.
Tôi muốn có những vai diễn đúng với tuổi thật của mình, thậm chí hơn cả tuổi thật cũng được. Nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nói thế này: “Điện ảnh Việt Nam đang phát triển nhưng đội ngũ biên kịch lại không phát triển kịp. Chính vì thế những kịch bản hay đều rơi vào các phim remake“. Chúng ta không có nhiều biên kịch viết ra những kịch bản dành cho lứa diễn viên ngang tầm với tôi. Đa số những vai chính thì diễn viên đều dưới 30 tuổi. Thế hệ chúng tôi phải “cưa sừng làm nghé” để đóng những vai trẻ hơn, hoặc không có vai dành cho tôi, anh Thái Hoà, chị Hồng Ánh, chị Thu Trang luôn.
Điện ảnh Việt Nam hạn chế những kịch bản dành cho tuổi trung niên, bởi vì đối tượng sẽ ra rạp mua vé xem phim là những người trẻ?
Đó là suy nghĩ của số ít thôi, chứ người có tiền mới mua vé xem phim được chứ? Ở Hollywood, những diễn viên như Leonardo DiCaprio, Tom Hanks, Meryl Streep… vẫn được nhà làm phim bỏ đến 10 triệu, 20 triệu đô để mời đóng phim mà. Họ sẽ tìm được vai diễn hay cho mình, vì kịch bản ở Mỹ rất phong phú. Nếu chỉ chọn đóng những vai dưới 30 tuổi, tức là bạn đang hạn chế sự phát triển của bản thân và những trải nghiệm thực tế bạn có thể đưa vào tác phẩm.
Tại sao Tiệc Trăng Máu bùng nổ? Bởi vì nó quá rộng, quá sâu sắc, quá xã hội và mang nặng tâm lý. Lứa tuổi dưới 30 sẽ xem phim để rút kinh nghiệm. Còn lứa tuổi 40 sẽ đồng cảm và nhìn thấy cuộc hôn nhân của mình, chuyện gia đình, giáo dục con cái trong đó. Lứa tuổi trung niên cũng xứng đáng có phim hay để xem mà.
Đúng vậy! Vai của anh và chị Hồng Ánh bị nói là chưa bùng nổ, thể hiện tâm lý quá kín kẽ và an toàn?
Những người trẻ mới có suy nghĩ đơn giản, nhìn nhân vật của tôi và Hồng Ánh chỉ cảm thấy an toàn, không có gì để nói và không bộc phát như những cặp đôi khác. Nhưng ở lứa tuổi của chúng tôi sẽ thấy đó là hai vợ chồng rất đại chúng trong xã hội Việt Nam – tình yêu nhạt vị sau 20 năm, tranh cãi về cách giáo dục con cái, hôn nhân rạn nứt. Cặp đôi Quang và Ánh có nhiều vấn đề để nói lắm. Quang tinh tế, nhạy cảm và điềm đạm, trước khi nói một điều sẽ nghĩ đến mười điều. Rõ ràng sau trò chơi, tất cả các cặp đôi đều đổ vỡ và trở thành người thua cuộc thì Quang và Ánh lại giành chiến thắng, họ ôm nhau ở cảnh cuối cùng như một sự hối tiếc rằng đối phương là người không ai thay thế được.
Khi xem Tiệc Trăng Máu, khán giả sẽ thích thú với những mảng miếng hài hước, rồi những điều sâu cay được bộc lộ thẳng ra ngoài, nhưng tiềm tàng bên trong chính là ẩn ý, trăn trở qua từng ánh mắt của Quang và Ánh. Cuộc sống là vậy. Khán giả có thể đồng cảm với Quang và Ánh nhưng họ sẽ chất chứa suy nghĩ ấy trong lòng, họ đấu tranh tư tưởng một cách thầm lặng mà không đăng đàn lên Facebook.
Nhiều diễn viên đóng chính ở phim Việt Nam chỉ nổi tiếng chứ đâu có giỏi?
Những diễn viên thuộc thế hệ anh đã chuyển sang làm sản xuất và tự đóng phim do mình đầu tư, liệu có phải vì cơ hội đóng vai chính, vai nổi bật nhất không còn dành cho họ ở ngoài kia?
Phim Việt Nam từ một thập kỷ trở lại đây có nhiều diễn viên đóng chính chỉ nổi tiếng chứ họ đâu có giỏi. Nhiều nhà sản xuất bị “hố hàng” lắm, nhìn số tương tác Facebook cả triệu thì nghĩ sẽ có lượng fan lớn mua vé. Thực ra không phải! Fan điện ảnh khác, họ không xuất hiện trên mạng xã hội.
Doanh số Tiệc Trăng Máu đã hơn 500 ngàn vé nhưng Facebook của tôi hay anh Thái Hoà cũng chỉ có mấy trăm like trong một bài đăng. Anh Thái Hoà đăng bài 3 ngày rồi chỉ được 300 like nhưng rõ ràng phim nào ra rạp cũng doanh thu cao, còn trở thành ông vua phòng vé. Mọi người hãy thực tế đi, đừng nhìn vào Social Media quá! Cái gì thực tế sẽ không hiện ra hết trên mạng xã hội. Không thấy nhiều người khen vai của tôi và chị Hồng Ánh, vì dạng người đó tiềm ẩn, họ chỉ xem phim và đồng cảm với chúng tôi chứ không bấm like hay đăng status khen chúng tôi trên Facebook thì sao?
Vậy nếu cho anh quyền lựa chọn giữa một trong hai cái kết ở Tiệc Trăng Máu, anh sẽ chọn sự đổ vỡ sau khi biết mọi bí mật, hay chọn “nhắm mắt làm ngơ” để tiếp tục sống hạnh phúc?
Với tôi, bất cứ sự tan vỡ nào cũng khai phá ra một cái mới. Tôi rất thích hình tượng phượng hoàng, phải chết đi để được tái sinh một lần nữa. Bản thân tôi cũng có những trải nghiệm thật về một nhóm bạn rất thân sau đó tan vỡ, không còn chơi với nhau nữa, nhưng tôi đã tìm được bạn mới, những trải nghiệm mới và cảm thấy niềm vui mới hơn. Có một câu thoại rất hay của Thu Trang là: “Đôi khi, chúng ta phải học cách chia ly“. Nhiều người cứ cố gắng níu kéo, giữ một ai đó ở bên mà không chịu thay đổi, nhưng biết đâu thay đổi lại là một điều tốt?
Vậy còn vai diễn của anh trong phim Trái Tim Quái Vật chuẩn bị ra rạp ngay sau Tiệc Trăng Máu thì sao?
Đó là một món quà từ nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy dành tặng tôi. Tôi nghĩ không một nhà sản xuất Việt Nam nào dám mời Hứa Vĩ Văn đóng vai 60 tuổi, dù chuyện đó quá bình thường tại Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc. Lứa diễn viên chúng tôi “thèm” hoá thân lắm nhưng không có cơ hội nên mới tự làm nhà sản xuất phim để thỏa mãn chính mình, làm những tác phẩm mà thị trường không đáp ứng được. Chị Ngô Thanh Vân, anh Đức Thịnh hay đàn em như Thu Trang cũng có công ty riêng hết rồi.
Vai diễn trong Trái Tim Quái Vật là một áp lực, một lời thách đố nhưng cũng là một cơ hội để mọi người thấy nhiều khía cạnh ở tôi. Hình tượng soái ca sẽ không còn một “miếng” nào. Mỗi ngày tôi hoá trang 3 – 4 tiếng, tập tướng đi dị tật, rồi “tẩy não” chính mình để trở thành một người đàn ông lớn tuổi quái gở với những suy nghĩ kỳ quặc, biến thái, thậm chí bệnh hoạn.
Cám ơn những chia sẻ của anh Hứa Vĩ Văn!
Theo Tổ Quốc