‘ Joker: Folie à Deux’ – phần phim riêng thứ hai về kẻ tử thù của Batman – gây tranh cãi khi đổi thể loại từ chính kịch sang phim âm nhạc, cũng như cái kết tương đối khó hiểu với nhiều khán giả vốn không phải ‘fan cứng’.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Cả phần một (2019) và Joker: Folie à Deux (tựa Việt: Joker: Điên có đôi) đều là tác phẩm điện ảnh được giới mộ điệu kỳ vọng, thu về những trào pháo tay dài hơi tại các liên hoan phim quốc tế danh giá. Tuy nhiên, Joker 1 sau khi ra mắt đại chúng đã nhận ý kiến trái chiều: Phần đông đề cao các khung hình duy mỹ cũng như diễn xuất của tài tử Joaquin Phoenix, song phàn nàn về kịch bản không mới, cóp nhặt nhiều từ Taxi Driver và The King of Comedy của nhà làm phim huyền thoại Martin Scorsese.
Ở phần hai, Arthur Fleck/Joker (Joaquin Phoenix đóng) bị giam tại nhà thương điên Arkham, sau vụ hắn sá.t hạ.i người dẫn chương trình Murray Franklin (Robert De Niro). Tại đây, Arthur gặp nữ bệnh nhân Harley “Lee” Quinn ( Lady Gaga) và dần nảy sinh tình cảm. Khi tình yêu giữa hai “kẻ điên” ngày một lớn, cũng là lúc lằn ranh giữa thực tại và ảo mộng, thiện và ác, dần bị xóa nhòa.
Tác phẩm một lần nữa khắc họa chuyện tình nổi tiếng của Joker và Harley Quinn. Ảnh: Warner Bros.
Trong tâm trí Joker có gì?
Đạo diễn Todd Phillips tiếp tục phát huy thế mạnh về hình ảnh trong phần hai. Nếu ở Joker 1, người xem từng vỡ òa trước loạt khung hình giàu tính duy mỹ, thì phần hai cũng không ngoại lệ. Tác phẩm mở đầu bằng đoạn phim hoạt hình mang đậm phong cách Warner Bros., khắc họa việc Joker là nhân cách tà ác đã xúi giục Arthur giế.t ngườ.i. Cảnh phim đầy màu sắc nhanh chóng đối lập với hình ảnh nhà thương điên u ám, nơi tiếng kêu gào và tiếng quát tháo còn rợn gáy hơn cả địa ngục.
Todd Phillips có sự khéo léo khi không cần quá nhiều lời thoại hay mô tả, song vẫn khắc họa được tâm trí Joker thông qua bảng màu đa dạng trên phim. Ở cảnh Arthur bị áp giải dưới trời mưa, tương phản với gam lạnh là những chiếc dù đa sắc, cùng góc quay từ trên cao xuống, gợi nên sự cô đơn giữa thực tại tàn nhẫn. Thế giới trong tâm tưởng của Arthur ngập tràn lời ca ý nhạc, nơi hắn và Lee mặc trang phục sặc sỡ nhất, “tự do” nhất; trái ngược với hiện thực nơi mọi thứ đều phủ màu xám xịt. Về cơ bản, thủ pháp nghệ thuật không mới khi so sánh với phần một, song vẫn mang đến phần nhìn trọn vẹn. Các góc quay tận dụng chiều sâu, góc cận, longshot… cho người xem một bức tranh đa chiều, khắc họa sự lạc lõng của kẻ điên giữa thế giới người tỉnh.
Phim sở hữu nhiều góc quay đẹp, giàu tính nghệ thuật. Ảnh: Warner Bros.
Khác với những bản chuyển thể trước đây, vai trò giữa Harley Quinn và Joker đảo ngược. Từ một nhân vật lụy tình, phụ thuộc, phiên bản do Lady Gaga thể hiện có sự bạo dạn lẫn thao túng. Tác phẩm phân định rõ người ả yêu chưa bao giờ là Arthur Fleck, mà là nhân dạng Joker đã được lý tưởng hóa thành một ý niệm. Joker trong phim tựa chiếc vương miện vô hình, mà kẻ nào đủ phẩm chất mang lên sẽ trở thành vua của những kẻ phi pháp.
Xuyên suốt tác phẩm, người xem cảm nhận được sự ngột ngạt khi Harley Quinn cố gắng lôi kéo Arthur Fleck trở lại bản ngã tà.n á.c này. Ngược lại, Arthur ngày càng xa rời nhân cách Joker, cố gắng kết nối lại với bản chất thiện lương ngày trước.
Âm nhạc lấn át kịch bản
Có xấp xỉ 19 bài nhạc xuất hiện trong phim, trong đó 15 bài là cover từ những ca khúc nổi tiếng như Get Happy, What the World Needs Now Is Love… Ca khúc chủ đạo của loạt phim – What’s Life – lần này không chỉ xuất hiện như nhạc nền, mà còn được cất lên trong nhiều phân đoạn bởi Joaquin Phoenix và Lady Gaga.
Công bằng mà nói, hai diễn viên chính có sự phối hợp ăn ý, thể hiện trọn vẹn hình tượng một đôi điên rồ qua từng lời ca, ý nhạc. Chất giọng trầm, đục của Joaquin Phoenix mang đến sự ai oán, còn tông cao đến từ Lady Gaga thể hiện rõ sự tự do, có phần nổi loạn.
Phần lớn thoại phim là lời bài hát. Ảnh: Warner Bros.
Tuy nhiên, khối lượng và tần suất xuất hiện các bản nhạc quá nhiều, dễ khiến người xem bội thực. Đành rằng trên thế giới có không ít phim âm nhạc sở hữu 90% thoại là lời bài hát, nhưng có lẽ không ai mong đợi kịch bản này xuất hiện trong một tựa phim lẽ ra phải đào sâu hơn vào yếu tố tâm lý – tội phạm như Joker. Nhà làm phim phải lặp đi lặp lại quá nhiều phân cảnh tưởng tượng có sự góp mặt của âm nhạc, mang đến sự thừa thãi cho tác phẩm.
Ngược lại, loạt phân đoạn quan trọng, như “phiên xử thế kỷ” giữa người dân và Joker, hay cuộc tập kích từ người hâm mộ gã hề, lại bị khắc họa nhạt nhòa. Kịch bản có sự sắp đặt trầm trọng, khi nhiều diễn biến chợt ập đến, không có sự báo trước. Đồng thời, phần lời thoại không phải lời bài hát tỏ ra thiếu trọng tâm, chưa đủ sức nặng, dễ khiến người xem khó hiểu. Nếu so sánh Joker của Joaquin Phoenix và phần thể hiện đến từ tài tử quá cố Heath Ledger trong The Dark Knight (2008), người xem nhận ra gã hề mới thiếu những câu thoại thấm thía, thể hiện nhân sinh quan méo mó nhưng cũng rất thâm sâu, vốn dĩ phải là đặc trưng nhân vật.
Trên hết, tình yêu giữa Joker và Harley Quinn chưa được đẩy đến “chín mùi”. Họ đến với nhau một cách chóng vánh, ngẫu hứng, thiếu điểm nhấn. Đồng thời, Lady Gaga diễn ở mức tốt, song rõ ràng nữ ca sĩ đang không hợp vai. Ở những phân cảnh cần sự điên rồ, Lady Gaga diễn tả bằng nét mặt nguy hiểm, nhưng có vẻ như đó vẫn là cô trong A Star is Born hay House of Gucci, chứ chưa có gì đột phá. Tương tự Joaquin Phoenix mang y nguyên nét diễn từ phần một, nên dù là diễn viên thực lực, anh cũng không tỏa sáng.
Diễn xuất thiếu đột phá, kịch bản lan man là điểm trừ của phim. Ảnh: Warner Bros.
Về cuối, Todd Phillips gửi gắm một cái kết mở, nhấn mạnh quan điểm “Joker là một lý tưởng, không phải một cá nhân”. Tuy nhiên, cách truyền tải thông điệp này lại mờ nhạt, chưa tạo được sức nặng cho người xem.
Joker: Folie à Deux là hồi kết cho hai phần phim riêng về gã hề khét tiếng. Theo Phillips, anh đã “hết duyên” với DC cũng như hãng Warner Bros., nên khả năng cao thương hiệu này sẽ không ra mắt phần ba. So sánh với hãng Marvel cùng Vũ trụ Điện ảnh đang lớn mạnh, giới mộ điệu nhận ra Vũ trụ Điện ảnh DC luôn đứng trên bờ vực bấp bênh, khi nhiều tựa phim khác nhau ra mắt hoàn toàn không có tính kết nối, cũng như các dự án bỏ dở vô thời hạn vì mâu thuẫn nội bộ giữa nhà sản xuất và ê kíp.
Theo Thanh Niên