Phim ‘ Trạm cứu hộ trái tim’ đã kết thúc nhưng đây cũng là bộ phim gây tranh cãi rất nhiều trên mạng xã hội bởi những ‘hạt sạn’ từ nhỏ đến lớn nhưng phim vẫn ‘hot’, cho thấy khán giả Việt đang rất dễ dãi.
Tôi là khán giả theo dõi Trạm cứu hộ trái tim từ tập đầu tiên đến cuối phim cũng bởi tôi làm nội trợ, chăm con chỉ quanh quẩn ở nhà nên hầu như những bộ phim phát sóng giờ vàng thường là kênh giải trí duy nhất. Xem phim Việt cũng nhiều trên sóng truyền hình nhưng bộ phim này khiến tôi hơi ngạc nhiên vì sự dễ dãi quá mức của khán giả Việt.
Trạm cứu hộ trái tim đầy “sạn” nhưng vẫn “hot”. Chụp màn hình
Phim ngay từ những tập đầu đã gây tranh cãi bởi nội dung ám ảnh, drama ngập trời… khiến nhiều người muốn tẩy chay, dọa bỏ xem phim nhưng rồi họ vẫn xem đấy. Thôi thì cứ cho đó là yếu tố “câu khách” từ nội dung đi nhưng càng về sau, bộ phim càng lộ nhiều sự “hở sườn” từ tình tiết lủng củng, chắp vá, diễn biến tâm lý của nhân vật đôi khi không hợp lý đến những lỗ hổng kiến thức cơ bản từ biên kịch như xét nghiệm ADN, rồi những “phanh phui” chuyện bác sĩ bỏ rơi bệnh nhân trước giờ phẫu thuật chỉ vì lý do không quá cần thiết, tráo kết quả xét nghiệm, làm giả kết quả xét nghiệm như “cơm bữa”… Nếu thống kê lại thì Trạm cứu hộ trái tim sẽ là phim đứng đầu top khi chứa “rổ sạn” lớn. Nhưng một điều lạ là hình như phim càng nhiều sạn thì khán giả càng kích thích, càng tò mò xem để tranh cãi, để xem nó tới đâu thì phải.
Dàn diễn viên diễn xuất hay chỉ có biên kịch là dở. Chụp màn hình
Tôi có đọc một ý kiến nhận xét phim Trạm cứu hộ trái timrằng: “Dàn diễn viên đóng đều hay chỉ có biên kịch là dở”. Tôi thấy rất đúng bởi nhìn lại thì một bộ phim quy tụ dàn diễn viên rất thực lực, mỗi vai diễn luôn tạo ra cho khán giả những màu sắc khác và hầu như các diễn viên đều thể hiện rất ổn vai diễn của mình. Chỉ riêng biên kịch dẫn dắt nội dung thì hỡi ôi… như tôi đã nêu ở trên.
Riêng về kịch bản cũng là yếu tố nan giải ở phim truyền hình Việt từ rất lâu rồi. Họ cứ mặc nhiên bày ra cho khán giả một “nồi lẩu thập cẩm”, ngon hay dở thì khán giả vẫn “ăn” và chịu trận. Hình như đã tạo thành thói quen trong việc xem phim truyền hình nên nhiều khán giả vẫn “ngó lơ” những kịch bản kém, vẫn xem bộ phim đó như một sự lựa chọn bất đắc dĩ giống như tôi. Dần dần sẽ trở thành sự dễ dãi và điều đó cũng đồng nghĩa với việc chất lượng phim không được nâng tầm, sạn vẫn đầy “nhà”. Với đà này thì phim truyền hình Việt sẽ mãi “giậm chân tại chỗ”.
Theo Thanh Niên