Câu chuyện về các nhân vật được phóng tác trong “ Em và Trịnh” (ở đây, cụ thể là danh ca Khánh Ly và Giáo sư người Nhật Michiko Yoshii) đã khiến khán giả hoài nghi, đặt câu hỏi: Có hay không chuyện tự do sáng tạo, hư cấu nhân vật trên phim mà không cần xin phép. Các nhân vật được phóng tác trong “Em và Trịnh” có quyền kiện nhà sản xuất?
Có thể nói, trong câu chuyện về phản ứng của các nhân vật được phóng tác trong “Em và Trịnh” cho thấy vấn đề đoàn làm phim đã sai ngay từ đầu.
Được biết, đoàn làm phim có hỏi ý kiến danh ca Khánh Ly, nhưng những góp ý của nữ danh ca dường như không được những người làm phim lưu tâm. Còn riêng với Giáo sư Michiko Yoshii, đoàn làm phim hoàn toàn im lặng, không xin phép. Điều này cho thấy, cách làm phim của ê-kíp “Em và Trịnh” cẩu thả, kém chuyên nghiệp.
Đương nhiên, khi làm phim tiểu sử về người nổi tiếng thường có nhiều công đoạn, khó tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên, điều đáng trách ở đây chính là sự tôn trọng các nguyên mẫu (tức người được phóng tác) – đoàn phim chưa làm tốt. Cách đoàn phim ứng xử với các nhân vật được phóng tác khiến công chúng và cả “người trong cuộc” – nguyên mẫu không hài lòng vì thiếu chuyên nghiệp và đang được xem là bao biện.
Khoản 4, điều 11 Luật Điện ảnh năm 2006 quy định cấm hành vi vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trong hoạt động điện ảnh. Nhưng quy định này không đồng nghĩa với việc nghiêm cấm những tình tiết mang tính hư cấu.
Những nhân vật bị hư cấu có thể có những tổn thương về mặt hình ảnh, tình cảm, gặp phải những vấn đề cá nhân do phim gây ra mà không được quy định rõ ràng trong Luật Điện ảnh.
Rõ ràng, đây chính là ranh giới rất mong manh mà các nhà làm phim ở Việt Nam phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa cuộc đời của những nhân vật có thật lên màn ảnh. Chính điều này đã tạo nên sự mập mờ, khiến các nhà làm phim như đoàn phim “Em và Trịnh” có thể đã lợi dụng cái mác “hư cấu” nhân vật để đưa lên phim gây tranh cãi.
Luật sư Hoàng Hà – văn phòng luật sư L&P tại TPHCM cho biết, nội dung quy định về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, quyền hình ảnh có trong Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) đang áp dụng hiện nay thì việc sử dụng thông tin cá nhân và hình ảnh của các cá nhân để đưa vào phim, kịch hoặc các tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác mà không xin phép là hành vi xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Người bị xâm phạm đến các quyền nhân thân, quyền hình ảnh có quyền yêu cầu gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Với trường hợp của nhà sản xuất “Em và Trịnh” và giáo sư Michiko Yoshii, luật sư Hà khẳng định nếu giáo sư có đầy đủ chứng cứ chứng minh ê-kíp phim “Em và Trịnh” đã sử dụng hình ảnh của mình mà không nhận được sự đồng ý, giáo sư hoàn toàn có quyền yêu cầu phía đoàn phim trả thù lao hoặc xin lỗi, thậm chí là bồi thường nếu có tổn thất về tinh thần và vật chất, thậm chí là khởi kiện. Bởi căn cứ vào quy định tại điều 32 BLDS 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, trong đó cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Trong đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Rõ ràng, khi làm phim về một nhân vật có thật thì sự tôn trọng nhân vật và gia đình của họ phải được đặt lên hàng đầu. Bộ phim được làm ra có thể có nhiều tình tiết hư cấu, nhưng chắc chắn không được làm tổn thương hay tổn hại, sai lệch nhân vật.
Theo Lao Động