Việc thẩm định cấp phép phổ biến phim chiếu rạp luôn là mối quan tâm của dư luận, trong đó có các nhà phát hành phim, sản xuất phim, đạo diễn phim bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Cảnh phim “ Thành phố mất tích” ( The lost city) phim 13 . Ảnh: CGV
Trailer Thành phố mất tích
2 năm: 29 phim/356 phim không thể phổ biến
Được biết, năm 2020, Cục Điện ảnh không cho phép phổ biến 23/222 phim được thẩm định (bao gồm 38 phim Việt Nam và 184 phim nước ngoài được nhập khẩu), cụ thể: phim nước ngoài: 23/184 phim và không có phim Việt Nam nào. Đó là các phim “Kẻ ăn giấc ngủ (Awoken, Australia), “Đại thảm họa núi Baekdu” ( Ashfall Baekdu Mountaint, Hàn Quốc) ,”Thời khắc thanh trừng” ( The Cleansing Hour, Mỹ), “Sát thủ bất đắc dĩ” (Guns Akimbo, Anh), “Ma thuật đen” (Ratu Ilmu Hitam, Indonesia), “Chó săn tiền” ( Beasts Clawing at Straws, Hàn Quốc), “Đoạt mạng” (The Dare, Bulgaria, Mỹ, Anh), “Chuyện kinh dị trong nhà xác” ( The Mortuary Colletion, Mỹ), “Ngôi làng chết chóc” (Undead – The lost Village, Thái Lan)…
Còn trong năm 2022 (tháng 1 và 2), Cục không cho phép phổ biến 1/20 phim được thẩm định (gồm 4 phim Việt Nam và 16 phim nước ngoài được nhập khẩu), đó là phim “Thợ săn cổ vật ( Unchart, Mỹ).
Như vậy, trong 2 năm 2020 – 2021, tổng số có 29/356 phim truyện chiếu rạp/không hoặc cấm cho phép phổ biến, trong đó có 2/61 phim Việt Nam, còn lại là 27/295 phim truyện nước ngoài nhập khẩu.
Vì sao?
Trong 27 phim truyện nước ngoài nhập khẩu không cho phép phổ biến thì 25 phim không được phép phổ biến do có nội dung, hình ảnh bạo lực, kinh dị, các hành động tội ác, tà thuật, ma quái, xúc phạm tôn giáo, liên quan nước thứ ba, tình dục vượt quá mức phân loại C18, vi phạm Điều 11. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh của Luật Điện ảnh 2006 và các quy định liên quan của pháp luật.
2 phim có các nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam hoặc các nước thứ ba. Trong đó, phim “Thợ săn cổ vật” (Unchart, Mỹ) thể hiện đường chín đoạn một cách rõ ràng (đối với các phim có hình ảnh đường lưỡi bò Cục Điện ảnh đều ra quyết định cấm phổ biến ngay lập tức). Ngoài ra có những trường hợp dù không liên quan tới nội dung phim, nhưng hình ảnh bản đồ, quả địa cầu thế giới, hoặc khu vực trong phim không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc đều được yêu cầu cắt, xóa các hình ảnh đó trước khi cấp Giấy phép phổ biến phim. Đơn cử như phim “Trận chiến sinh tử” (Midway (Mỹ, Canada, Trung Quốc), hình ảnh bản đồ khu vực Thái Bình Dương, quả địa cầu trong phim không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc (thẩm định năm 2020); “Thế giới khủng long: Lãnh địa” (Jurassic World: Dominion (Mỹ, Trung Quốc) có hình ảnh bản đồ thế giới không thể hiện quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc (thẩm định tháng 3.2022).
Lằn ranh đỏ
Dĩ nhiên là nhà phát hành, nhà sản xuất và đạo diễn phim không ai muốn đứa con của mình bị cắt sửa đã đành còn tất nhiên nếu bị cấm thì đó là nỗi đau cả về tinh thần và vật chất. Nhưng vấn đề là họ (với các nhà nhập khẩu phát hành phim ngoại và nhà sản xuất, đạo diễn phim Việt) phải nắm luật và hơn thế là các nghị định, thông tư dưới luật hướng dẫn cụ thể việc thi hành luật. Thế nào là phim được phép phổ biến rộng rãi, phim 13 , 16 và 18 … cảnh bạo lực tránh những điểm gì, có được cận cảnh đầu rơi, máu chảy, giết người, tra tấn dã man gây kích động bạo lực không? Hay cảnh khỏa thân được hở bao nhiêu, kéo dài bao lâu, hay cảnh tình dục trong khung giới hạn ở từng độ tuổi như thế nào? Tất cả đều có những quy định rõ.
Ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia – cho rằng, những cảnh trực quan giết người dã man tác động trực tiếp đến tâm sinh lý của thế hệ trẻ là rất nguy hiểm. Và ông không cổ súy cho những phim quá nặng nề, u ám, tràn ngập cảnh thanh trừng, bắn giết nhau mà không đem lại một thông điệp nhân văn nào.
Có những đạo diễn làm phim rất giỏi (một phần vì họ được luật sư tư vấn), họ chỉ chạm tới ngưỡng cho phép và dừng lại; vì biết rõ chỉ đi quá một chút là bị thổi còi. Cả những cảnh sex, có đạo diễn chỉ quay phần lưng phía sau hoặc phía trước nhưng rất ảo mờ và không hề rõ những bộ phận nhạy cảm thì không ai bắt bẻ được họ.
Có những đạo diễn khi làm phim bị áp đặt yếu tố chủ quan vào phim khi cứ nhét vào miệng những tên xã hội đen hàng loạt câu chửi thề, mà không biết rằng thực tế không hẳn như vậy.
Cũng không quá cứng nhắc đòi hỏi phim tội phạm nào cũng phải tôn vinh, ca ngợi các chiến sĩ công an phá án nhưng nếu biến lực lượng thi hành pháp luật thành những người luôn đến sau, thậm chí còn “ngây ngô” thì đã phản ánh đúng bản chất của hiện thực xã hội chưa?