Chị Chị Em Em 2, Đất Rừng Phương Nam, Công Tử Bạc Liêu, Người Đẹp Tây Đô là những dự án điện ảnh lấy bối cảnh quá khứ, một số còn dựa trên những nguyên mẫu nhân vật có thật và đều được ấn định lịch ra rạp trong năm 2023.
Chị Chị Em Em 2 là một trong ba phim Việt phát hành tại rạp vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Không những vậy, phim còn là tác phẩm mở đầu cho chùm tác phẩm mang màu sắc hoài cổ của màn ảnh Việt sẽ ra rạp trong năm 2023, gồm Chị Chị Em Em 2, Đất Rừng Phương Nam, Công Tử Bạc Liêu và Người Đẹp Tây Đô. Đây cũng đồng thời là những tựa phim Việt đáng chú ý nhất năm bên cạnh Nhà Bà Nữ, Lật Mặt 6 hay Fanti…
Điện ảnh Việt 2023 khoác tấm áo mới cho những câu chuyện cũ
Trong Chị Chị Em Em 2, Minh Hằng và Ngọc Trinh lần lượt thủ vai Ba Trà và Tư Nhị – hai mỹ nữ nức tiếng Sài Thành một thuở. Phim lựa chọn mốc thời gian hai mỹ nhân lần đầu gặp gỡ – một đã rành rẽ các ngón nghề bắt đàn ông phải quy phục, dâng hiến tiền bạc của cải cho mình, một mới chỉ là cô gái chân ướt chân ráo tìm đường tiến thân vào giới thượng lưu. Theo chân hai người phụ nữ giàu tham vọng, khán giả cũng được hòa mình vào nhịp sống của Hòn ngọc Viễn Đông những năm đầu thế kỷ XX.
Sẽ là thiếu sót nếu kể về cuộc đời của cô Ba Trà và Tư Nhị mà thiếu đi bóng dáng của Công tử Bạc Liêu. Trùng hợp, trong năm 2023, điện ảnh Việt cũng chào đón một tác phẩm lấy chất liệu từ cuộc đời đại gia này. Dự án được giới thiệu với tên Công Tử Bạc Liêu, do nhà làm phim Lý Minh Thắng đạo diễn. Hồi tháng 9/2022, dự án Công Tử Bạc Liêu gây chú ý khi tung đoạn giới thiệu đầu tiên theo phong cách phim hoạt hình stop motion. Tới tháng 10/2022, phim tổ chức casting nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về thời điểm khởi quay hay gương mặt nào được chọn để thủ vai nam chính.
Tạo hình của Minh Hằng, Ngọc Trinh trong Chị Chị Em Em 2 (Ảnh: Bazaar)
Năm 2023, hai thương hiệu truyền hình từng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả Việt Nam là Đất Phương Nam và Người Đẹp Tây Đô sẽ cùng tái ngộ khán giả dưới định dạng phim điện ảnh. Dự án Đất Rừng Phương Nam được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng ê-kíp ấp ủ suốt 5 năm. Phim bấm máy vào tháng 12/2022 và đã công bố những khung hình đầu tiên. Kế hoạch sản xuất phim Người Đẹp Tây Đô được công bố từ tháng 1/2022. Theo chia sẻ của nhà đầu tư tại thời điểm đó, tác phẩm được ấn định lịch phát hành trong năm 2023 và đang trong khâu xây dựng kịch bản. Đến nay, đã hơn một năm trôi qua, vẫn chưa có thêm thông tin mới về dự án.
Nếu Đất Rừng Phương Nam được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, với các nhân vật và sự kiện đều là hư cấu, thì ba bộ phim còn lại đều ít nhiều liên quan đến các nguyên mẫu có thật trong lịch sử. Ba Trà, Tư Nhị và Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đều là các nhân vật có thật trong lịch sử. Bạch Cúc của Người Đẹp Tây Đô cũng là nhân vật được lấy cảm hứng từ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn. Bên cạnh đó, điểm chung của cả bốn tác phẩm là đều lấy bối cảnh miền Nam nửa đầu thế kỷ XX, xoay quanh mốc thời gian thập niên 1930-1950.
Phim điện ảnh Công Tử Bạc Liêu gây chú ý với đoạn giới thiệu được thực hiện theo phong cách hoạt hình stop motion (Ảnh: Xưởng phim Màu Hồng)
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 11 dự án phim điện ảnh Việt ấn định thời điểm ra rạp/dự kiến ra rạp trong năm 2023. Trong số này, đã bốn phim – như liệt kê bên trên – lựa chọn kể những câu chuyện đã cách ngày nay nhiều thập kỷ. Đây có thể coi như một dấu hiệu dự báo rằng sau giai đoạn 2020-2021 chuộng các tác phẩm hình sự giật gân, năm 2022 kinh dị chiếm ưu thế thì bước sang 2023, điện ảnh Việt sẽ là một màu sắc hoài cổ, với những tác phẩm phảng phất màu sắc tiểu sử. Dòng phim tiểu sử không còn mới với điện ảnh thế giới, nhưng với dòng phim thương mại Việt Nam, đây vẫn là một hướng đi mới mẻ – mà thành công phòng vé của Em Và Trịnh (2022) là phát s.úng khai màn đầy hứa hẹn.
Khó khăn của những bộ phim Việt lấy bối cảnh quá khứ
Năm 2022, Em Và Trịnh tuy thành công tại rạp nhưng cũng vấp phải không ít chỉ trích từ khán giả. Những chê trách chủ yếu xoay quanh cách bộ phim xây dựng chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên màn ảnh quá khác biệt với hình ảnh ông được ghi tạc trong hiểu biết chung của khán giả. Hai diễn viên Avin Lu và Trần Lực cũng bị đ.ánh giá là chưa lột tả được thần thái của Trịnh Công Sơn trong hai giai đoạn thanh niên và trung niên, gắn liền với những thay đổi lớn của đất nước. Dù Em Và Trịnh không được quảng bá như một tác phẩm tiểu sử, từ cách phản ứng của công chúng, có thể thấy khán giả luôn khắt khe với những ý tưởng làm phim sử dụng chất liệu lịch sử hay phục dựng một bức chân dung nhân vật có thật.
Quay trở lại với chùm phim Việt đầy màu sắc hoài cổ ra mắt trong năm 2023. Nhà sản xuất Will Vũ của Chị Chị Em Em 2 từng chia sẻ với chúng tôi điều khiến anh lo lắng nhất khi triển khai dự án này chính là việc phải tìm ra hướng thay da đổi thịt những sự kiện đã quen thuộc với công chúng, biến nó thành câu chuyện mới mẻ, phù hợp với thời đại hơn. Theo anh, bài toán cân não chính là việc cân bằng các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống với xu hướng điện ảnh hiện đại.
Công tác sản xuất Chị Chị Em Em 2 còn chịu áp lực không nhỏ đến từ khâu phục trang và thiết kế mỹ thuật. Lộng lẫy, xa hoa thôi là chưa đủ, từng khung cảnh, đồ vật hiện lên trên màn ảnh còn phải đảm bảo yếu tố sát thực, trung thành với lịch sử. “Chắc chắn là sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phục dựng và tái hiện các bối cảnh, trang phục hay trau chuốt lời ăn tiếng nói cho nhân vật thật chính xác với thời kỳ bộ phim diễn ra. Do đó, công đoạn tiền kỳ của Chị Chị Em Em 2 sẽ dài hơn những dự án lấy bối cảnh hiện đại khác”, nhà sản xuất Will Vũ chia sẻ.
Đại cảnh chợ nổi được đầu tư công phu trong Đất Rừng Phương Nam (Ảnh: Galaxy)
Vấn đề kinh phí sản xuất cũng từng khiến đoàn phim Đất Rừng Phương Nam đau đầu. Theo chia sẻ từ phía ê-kíp, họ đã nắm bản quyền làm phim từ khoảng năm 2017 nhưng chưa thể triển khai do không tìm được nhà đầu tư phù hợp. Sau 5 năm chuẩn bị, phim đã bấm máy với những hình ảnh đầu tiên được công bố hồi cuối tháng 12. Đó là đại cảnh tái hiện khu chợ nổi từng được nhà văn Đoàn Giỏi miêu tả kỹ lưỡng trong cuốn sách của mình với ánh đèn đuốc sáng rực, các hiệu buôn, tiệm ăn của người Hoa kiều mọc lên san sát.
Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đây là phân cảnh được đầu tư nhất phim. Đoàn đã chọn rừng tràm Trà Sư ở An Giang làm bối cảnh để dựng chợ nổi. 70% bối cảnh hàng quán, chợ búa, ghe thuyền trên sông đều được dựng mới, tốn một tháng rưỡi để thi công. Cảnh phim được thực hiện với sự tham gia của hơn 300 diễn viên quần chúng.
Đầu tư công phu là vậy, nhưng khi những bức hình đại cảnh chợ nổi trong Đất Rừng Phương Nam được tung ra, ê-kíp vẫn vấp phải không ít bình luận trái chiều từ người dùng mạng. Một số cho rằng bối cảnh được đoàn phim dựng lên “quá long lanh”, “quá đẹp”, “trật tự tới mức thiếu tự nhiên”… khó thuyết phục người xem có thể tin rằng nó thuộc về miền Tây Việt Nam những năm 1940-1950. Số khác chỉ ra đây mới chỉ là hình ảnh hậu trường của một cảnh quay, chưa phải cảnh phim cuối cùng, do đó ý đồ của nhà làm phim vẫn chưa được bộc lộ trọn vẹn, do đó không nên võ đoán.
Cái bóng quá lớn của các bản phim truyền hình thành công cũng có thể gây ra khó khăn cho Đất Rừng Phương Nam hay Người Đẹp Tây Đô (Ảnh: VFS)
Một vấn đề thứ ba, ảnh hưởng không nhỏ tới phản ứng của khán giả trước một bộ phim được xây dựng dựa trên nguyên mẫu có thật là câu hỏi “Ai sẽ đảm nhận vai diễn vai này?”. Với Chị Chị Em Em 2, đây có thể không phải vấn đề quá nghiêm trọng bởi trước Vũ Ngọc Đãng, chưa có nhà làm phim nào đưa câu chuyện của Ba Trà và Tư Nhị lên màn ảnh rộng. Hai cô cũng không phải những chân dung liệt nữ được đời đời vinh danh, nên yêu cầu lớn nhất dành cho hai vai diễn này có thể chỉ là nhan sắc.
Tuy nhiên với Công Tử Bạc Liêu, Đất Rừng Phương Nam hay Người Đẹp Tây Đô, vì khán giả đã từng xem và yêu thích những bộ phim truyền hình cùng tên, vô hình trung, họ đã có ý tưởng trong đầu về việc nhân vật phim mới phải trông như nào, hành động ra sao dựa trên ấn tượng về những màn hóa thân kinh điển trên màn ảnh. Dự án Công Tử Bạc Liêu đã tổ chức tuyển diễn viên vào hồi tháng 10/2022, với những gương mặt sáng giá được gọi tên là Khương Lê, Võ Điền Gia Huy, Bạch Công Khanh, Công Dương, Lãnh Thanh… Đây đều là những diễn viên mang đến ấn tượng trẻ trung, hiện đại, khác với vẻ nam tính kiểu cổ điển của Lê Tuấn Anh trong bản phim truyền hình Công Tử Bạc Liêu hay nét gian manh của Hoàng Sơn trong Người Đẹp Tây Đô.
Đây cũng có thể là thử thách mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải tìm cách vượt qua khi kể lại câu chuyện trong Đất Rừng Phương Nam bằng ngôn ngữ điện ảnh – nhất là khi bao năm qua, khi nhắc tới nhân vật cậu bé An, khán giả sẽ lập tức nhớ đến nam diễn viên Hùng Thuận. Thời điểm dự án điện ảnh Người Đẹp Tây Đô được công bố, câu hỏi lớn nhất mà khán giả đặt ra cũng không phải phim kể gì, do ai đạo diễn mà là “Ai sẽ thay thế được Việt Trinh thủ vai Bạch Cúc trên màn ảnh?”.
Theo Tổ Quốc