‘Đóa hoa mong manh’ là cú ngã ngựa thứ 4 liên tiếp của Mai Thu Huyền sau ‘Giấc mơ Mỹ’ và ‘Kiều’.
Đóa hoa mong manh xoay quanh chuyện tình tay ba giữa Thạch Thảo, Sơn và Yvonne. Cô gái trẻ Thạch Thảo với giọng ca lay động lòng người, sau đêm diễn thay cho đồng nghiệp đã lọt vào mắt xanh của Sơn – một nhà sản xuất âm nhạc. Anh giúp cô trở nên nổi tiếng, từ ca sĩ vô danh một bước lên đỉnh vinh quang.
Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, mối quan hệ của cả hai ngày càng vượt quá giới hạn. Chứng kiến chồng thay lòng đổi dạ, Yvonne – vợ của Sơn – tìm mọi cách cứu vãn hôn nhân.
Dự án do Mai Thu Huyền đạo diễn, kiêm sản xuất và đóng vai thứ chính. Cô tiết lộ phim phải thu trăm tỷ đồng mới hòa vốn.
Khán giả lạnh nhạt
Trước khi phim cập bến rạp Việt, Đóa hoa mong manh đã khởi chiếu tại thị trường Mỹ từ cuối tháng 3. Mai Thu Huyền cùng ê-kíp tích cực tổ chức quảng bá, giao lưu với khán giả và các hoạt động cinetour. Song bất chấp những nỗ lực này, phim vẫn chịu cảnh bị lạnh nhạt trên chính sân nhà.
Cuối tuần mở màn, doanh thu tác phẩm chỉ đạt 190 triệu đồng, với 1.974 đầu vé được bán ra trên tổng số 389 suất chiếu. Sau tròn 1 tuần ra mắt, Đóa hoa mong manh dắt túi chưa đầy 330 triệu đồng, số liệu thống kê từ Box Office Vietnam. Có những ngày, số suất chiếu không phải quá thấp song lượng vé bán ra nhỏ giọt, bình quân chỉ khoảng 1 vé/suất chiếu.
Bộ phim của Mai Thu Huyền chìm sâu trong bảng tổng sắp doanh thu phòng vé. Tác phẩm bị áp đảo bởi nhiều dự án công chiếu cùng thời điểm, thậm chí là các phim ra rạp đã lâu. Hành trình của Đóa hoa mong manh tại rạp dự kiến sớm kết thúc, đối diện nguy cơ thua lỗ.
Bộ phim thu chưa đầy 350 triệu đồng sau 1 tuần ra rạp.
Khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 12/4, Đóa hoa mong manh không phải cạnh tranh trực tiếp với bất kỳ phim Việt nào. Chưa kể, bom tấn quốc tế mới cũng chưa xuất hiện. Một số phim ngoại ra mắt cùng thời điểm như Ngày tàn của đế quốc, Hào quang đẫm máu hay Biệt đội săn ma 5 đều không phải những cái tên nổi bật.
Trong bối cảnh phòng vé rộng đường, bộ phim của Mai Thu Huyền vẫn không tạo được dấu ấn đặc biệt. Nguyên nhân chính khiến Đóa hoa mong manh bị khán giả thờ ơ là do chất lượng kém, nội dung cũng chẳng “hợp gu” đại chúng.
Tác phẩm muốn phản ánh đời sống thu nhỏ của những nghệ sĩ gốc Việt tại hải ngoại và vạch trần lớp vỏ danh vọng bóng bẩy. Song thông điệp này chỉ hiện lên mờ nhạt qua dòng chữ “Danh vọng, sắc đẹp, tình yêu chỉ là những đóa hoa mong manh trước gió” hiện lên ở cảnh kết phim.
Thay vào đó, người xem lại bị cuốn vào guồng quay của câu chuyện tình tay ba cũ kỹ và đầy lỗ hổng. Những tình tiết phi lý, tâm lý nhân vật mâu thuẫn cùng diễn xuất nghèo nàn biến Đóa hoa mong manh trở thành một tác phẩm kém chất lượng.
Motif phim có nhiều điểm tương đồng với Glitter (Vondie Curtis-Hall) – một “bom xịt” cũng thuộc thể loại tâm lý/âm nhạc trình làng hơn 2 thập kỷ trước.
Chiến lược truyền thông kém hiệu quả
Mai Thu Huyền bức xúc cho rằng đứa con tinh thần của mình đang bị “chèn ép” trên chính sân nhà, không nhận được sự hỗ trợ của các cụm rạp. Nữ đạo diễn ngạc nhiên vì Đóa hoa mong manh quá ít suất chiếu, lại rơi vào những khung giờ xấu, như 8h hoặc 23h.
Mai Thu Huyền cho rằng nhà rạp đang chèn ép, trong khi truyền thông “tàn nhẫn” với phim của mình.
Mai Thu Huyền tiết lộ Đóa hoa mong manh là dự án điện ảnh mình dành nhiều tâm huyết. “Tác phẩm được quay hoàn toàn trên đất Mỹ” và “từng gặt hái nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế” là hai trong số những lời quảng cáo có cánh liên tục được nhấn mạnh.
Theo nhà sản xuất, bộ phim còn vừa lọt danh sách đề cử tranh giải tại Liên hoan phim New York International Women, và sẽ tiếp tục hành trình vươn sang các thị trường lớn như Mỹ, Anh hay Ấn Độ…
Dẫu vậy, chiến lược quảng bá bằng thành tích này vẫn tỏ ra thiếu hiệu quả. Thành tích phòng vé kém cỏi là lời hồi đáp rõ ràng nhất dành cho nữ đạo diễn.
Thực tế, các Liên hoan phim quốc tế được Mai Thu Huyền liệt kê đều chẳng mấy tên tuổi, ít người biết tới. Trong khi, hầu hết thượng đế ra rạp vì chất lượng hay trải nghiệm thú vị, độc đáo mà bộ phim mang lại, chứ ít ai quan tâm nó từng tranh giải tại bao nhiêu Liên hoan phim.
Việc quảng bá “phim được quay 100% tại Mỹ” cũng không thu hút thêm sự chú ý của khán giả là bao. Bởi những dự án “Made in Vietnam” được khán giả quan tâm, đạt doanh thu cao không thiếu. Danh sách phim ăn khách nhất lịch sử rạp Việt có nhiều tác phẩm được sản xuất tại nội địa, nhưng vẫn thu về cả trăm tỷ đồng, điển hình là bộ 3 phim của Trấn Thành, Lật mặt 6 (Lý Hải) hay Hai Phượng (Lê Văn Kiệt)…
Trước Đóa hoa mong manh, Kiều (2021) từng bị xem là thảm họa điện ảnh.
Đóa hoa mong manh chẳng phải thất bại lần đầu của Mai Thu Huyền trên cương vị cầm trịch dự án. Cô từng có 3 cú “ngã ngựa” khá đau trước đó, lần lượt là Lạc giới (2014), Giấc mơ Mỹ (2017) và Kiều (2021). Cả 4 phim điện ảnh dưới bàn tay Mai Thu Huyền đều có điểm chung: nhận phản hồi tiêu cực từ người xem lẫn giới quan sát và doanh thu không cao.
Dẫu vậy, cô nói vẫn không vì thế mà từ bỏ đam mê làm phim, thậm chí dự án sau đầu tư còn nhiều hơn dự án trước. Nỗ lực của nữ đạo diễn là điều đáng ghi nhận. Nhưng nhìn nhận thực tế, cái tên Mai Thu Huyền trong thị trường điện ảnh vẫn là một dấu hỏi.
Từng là gương mặt quen thuộc, có dấu ấn trên màn ảnh nhỏ, song chiếc ghế đạo diễn/sản xuất không phù hợp với nữ nghệ sĩ sinh năm 1979. Trên góc độ người đứng phía sau máy quay, thứ Mai Thu Huyền còn thiếu là sự quan sát, cùng óc sáng tạo để làm nên những thước phim độc đáo, hấp dẫn khán giả.
Từ Lạc giới cho tới Đóa hoa mong manh, các tác phẩm điện ảnh của cô vẫn cũ kỹ, cả trong kịch bản lẫn cách kể chuyện. Phim của Mai Thu Huyền vẫn thường bị nhận xét ngô nghê, nhiều sạn và những tình tiết quá kịch, sến. Cô cũng có niềm yêu thích đặc biệt với tình yêu, khi cả 4 tác phẩm đều ít nhiều xoay quanh chủ đề này.
Song những góc nhìn tình yêu trong phim của Mai Thu Huyền khó “chạm” đến cảm xúc người xem. Với Đóa hoa mong manh, cách kể chuyện còn tạo cảm giác như đang cổ xúy ngoại tình.
Theo ZNews