Phim Việt ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ – chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh – đưa khán giả trở về không gian lãng mạn, giàu chất thơ của miền quê Việt Nam. Dù có hình ảnh đẹp, phim lại mất điểm vì cách dẫn chuyện lê thê, thiếu cao trào.
Ngày xưa có một chuyện tình là phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, từng rất ăn khách khi ra mắt năm 2016. Do đó, dự án gây được sự chú ý từ khi mới công bố, hứa hẹn tạo nên thành công tương tự Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Mắt biếc (2019).
Đáng tiếc, tác phẩm chưa tạo được hiệu ứng quá bùng nổ khi ra mắt. Cách dẫn chuyện vẫn còn quen thuộc và hơi công thức, giống các phim chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh trước đó.
Hình ảnh đẹp, câu chuyện lê thê
Chuyện phim đưa người xem trở về miền Trung thập niên 1980 – 1990, theo chân bộ ba nhân vật Miền (Ngọc Xuân), Vinh (Avin Lu), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành.
Khi mới gặp nhau, Vinh “còm” và Phúc “đuôi tôm” đã nhanh chóng “hợp cạ”, dần trở thành đôi bạn thân không thể tách rời. Vinh có tình cảm đặc biệt với cô bạn Miền (Ngọc Xuân) cùng lớp, thường xuyên đứng ra che chở, bảo vệ mỗi khi bạn bị bắt nạt.
Lên cấp ba, Phúc động viên bạn thân thổ lộ tình cảm với Miền mà không hay biết trái tim cô lại chỉ hướng về phía mình. Theo thời gian, cuộc đời đẩy bộ ba bước vào những ngã rẽ, lựa chọn khó khăn, từ đó nhận ra giá trị thực của tình yêu.
Bộ ba nhân vật chính Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) và Vinh (Avin Lu).
Dự án đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh – từng làm Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020). Ở tác phẩm trước, nhà làm phim thử sức với thể loại giật gân, tâm lý tội phạm. Lần này, anh chọn lối kể từ tốn, thủ pháp ghi hình duy mỹ để tăng sự lãng mạn cho câu chuyện.
Đạo diễn đan xen quá khứ và hiện tại, đôi lúc để cho cả ba nhân vật thể hiện tiếng lòng, tạo nên góc nhìn đa chiều.
Khâu mỹ thuật của phim được chăm chút, bối cảnh tận dụng tốt tạo nên nhiều khung hình đẹp. Phần lớn cảnh quay ở Phú Yên toát lên được không gian yên bình, mộc mạc của làng quê với ruộng lúa chín, ánh hoàng hôn, bờ sông, con suối…
Đạo diễn cũng tính toán nhiều góc máy, từ góc rộng đến flycam để bắt trọn vẻ đẹp của miền Trung. Hình ảnh giàu chất thơ kết hợp âm nhạc nhẹ nhàng làm nền cho câu chuyện, giúp các nhân vật trở nên gần gũi hơn.
Tuy nhiên, thủ pháp này còn bị lạm dụng khiến phim thiếu điểm nhấn. Ở nửa đầu, cách dẫn chuyện của đạo diễn có phần dông dài, kịch bản còn một số lời thoại chưa tự nhiên. Đến cuối khi phim bước vào cao trào, đạo diễn vẫn trung thành với lối kể chậm rãi, phần nào làm giảm độ kịch tính.
Về cơ bản, chuyện tình tay ba trong phim khá đơn giản, ít diễn biến bất ngờ. Dù đã lược bỏ nhiều chi tiết so với nguyên tác, phim vẫn tạo cảm giác lê thê với thời lượng lên đến 135 phút.
Ngoài ra, đạo diễn còn sử dụng hai cảnh nóng không quá dài hay gây sốc, nhưng vẫn khiến tác phẩm dán nhãn T16 (cấm khán giả dưới 16 tuổi) khi ra rạp.
Một vài hình ảnh trong phim.
Diễn xuất chưa ấn tượng
Lần đầu chạm ngõ điện ảnh với vai chính, Ngọc Xuân để lại thiện cảm với gương mặt trong sáng, nét đẹp dịu dàng. Vào vai Miền, nữ diễn viên khắc họa thành công hình ảnh một cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó giữa làng quê nghèo, phải đối mặt với nhiều nghịch cảnh và định kiến.
Trong khi đó, Đỗ Nhật Hoàng gây ấn tượng với vẻ nam tính, rắn rỏi. Anh cho thấy Phúc là một nhân vật có nhiều nỗi niềm, vừa đáng ghét nhưng cũng đáng thương.
Ở nửa đầu phim, Đỗ Nhật Hoàng được ưu ái hơn hẳn so với Avin Lu, nhưng về cuối ngôi sao Em và Trịnh lại nổi bật hơn.
Avin Lu có nhiều nỗ lực để ghi điểm với khán giả so với những vai diễn trước, mang đến hình ảnh một Vinh “còm” si tình, ánh mắt luôn chất chứa nhiều nỗi niềm. Song, hình tượng này còn quen thuộc, gợi nhớ nhân vật Ngạn của Trần Nghĩa trong Mắt Biếc (2019).
Các diễn viên phối hợp với nhau khá ăn ý trước ống kính, tạo nên tình bạn đẹp với nhiều khoảnh khắc trong trẻo. Song, câu chuyện tình giữa Miền và Phúc chưa thực sự thuyết phục, không tạo được sự day dứt, buồn bã cần có.
Tính cách, diễn biến tâm lý các nhân vật còn đơn điệu, khiến nét diễn của diễn viên cũng thiếu sự đa dạng. Hơn nữa, tạo hình của Đỗ Nhật Hoàng, Avin Lu còn hơi già dặn, không phù hợp với độ tuổi học sinh phổ thông, cũng là yếu tố gây mất điểm.
Avin Lu có nhiều nỗ lực trong vai anh chàng Vinh “còm” si tình.
Tác phẩm chọn thời điểm ra mắt không thuận lợi, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ bom tấn Venom: Kèo cuối và phim Việt Cô dâu hào môn. Theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), phim đứng thứ ba trên bảng xếp hạng doanh thu cuối tuần nhờ những suất chiếu sớm.
Đến hiện tại, phim đạt hơn 10 tỷ đồng nhưng phản ứng của khán giả không quá nồng nhiệt. Với tốc độ hiện tại, dự án khó có khả năng tái lập thành tích doanh thu 180 tỷ đồng tại phòng vé như Mắt biếc.
Nhìn chung, Ngày xưa có một chuyện tình vẫn đang đi theo công thức chung của phim làm từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm ghi điểm ở khâu hình ảnh, âm nhạc nhưng cách dẫn dắt câu chuyện còn dông dài.
Theo Tiền Phong