Một số phim Marvel bị khán giả hoặc giới phê bình quay lưng. Nhưng trên thực tế, không phải dự án nào cũng có chất lượng kém.
Fantastic Four (2005) do Tim Story đạo diễn, với kinh phí sản xuất 100 triệu USD và thu về 333,5 triệu USD. Thành tích phòng vé không tệ, nhưng phim bị giới phê bình và một bộ phận không nhỏ khán giả chỉ trích về mặt nội dung. Rõ ràng, tác phẩm này không phải bản chuyển thể hoàn hảo so với Marvel Comics, đặc biệt là về phạm vi và quy mô của cuộc phiêu lưu. Song, đây vẫn là phim về Fantastic Four ấn tượng nhất trong số loạt dự án kéo dài từ 1994 cho đến 2015, đưa gia đình siêu anh hùng đầu tiên của Marvel lên màn ảnh rộng một cách phù hợp. Xét trên mặt bằng chung những tác phẩm cùng thời, đặc biệt về hiệu ứng hình ảnh, Fantastic Four xứng đáng nhận được nhiều sự yêu thích hơn.
Spider-Man 3 (2007) bị đánh giá là phần có chất lượng tệ nhất thương hiệu. Đặc biệt, việc dự án Spider-Man 4 bị hủy càng khiến những thiếu sót trong phần 3 bị đem ra làm đề tài bàn tán. Không ít cây bút cho rằng phim dính phải “lời nguyền trilogy”, tức phần cuối luôn có chất lượng kém hơn hẳn các phần tiền nhiệm. Một phần do nhà sản xuất gặp phải khó khăn trong việc kế thừa những di sản trước và phát triển chúng một cách sáng tạo. Song, không phủ nhận sức hấp dẫn của câu chuyện về Symbiote trong phim. Nó thành công biến nhân vật Peter Parker (Tobey Maguire) trở thành phiên bản tồi tệ nhất của chính mình. Đây được cho là bước tiến tự nhiên với một nhân vật dường như đã được phát triển toàn diện ở thời điểm đó.
The Incredible Hulk (2008) bị coi là tác phẩm “đi vào quên lãng” của MCU. Bởi, không còn dự án nào khác trực tiếp đề cập đến các sự kiện trong bộ phim này sau đó. Thực tế, The Incredible Hulk 2 không được sản xuất, nhân vật chính cũng được recast và do Mark Ruffalo đảm nhiệm. Theo thống kê, The Incredible Hulk là phim có doanh thu thấp nhất trong Giai đoạn 1 của Marvel, dù được “hưởng ké” vinh quang từ chiến thắng của Iron Man. Kịch bản gây tranh cãi, nhưng xét về mặt kết hợp các cảnh hành động và tính cách nhân vật, đây thực chất không phải một bộ phim tệ. CGI của The Incredible Hulk cũng được nhận xét khá tốt so với mặt bằng chung năm 2008.
X-Men Origins: Wolverine (2009) bị đánh giá tệ nhất trong loạt phim X-Men, nội dung kém thú vị hơn hẳn so với The Wolverine, càng không thể so sánh với Logan. Với kinh phí sản xuất 150 triệu USD, dự án thu về 373 triệu USD tại phòng vé toàn cầu. Yếu tố “cứu vớt” tác phẩm là câu chuyện về khoảng thời gian trước khi Wolverine có móng vuốt và bộ xương Adamantium. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa nhân vật và người anh trai Victor trong suốt nhiều năm. Phải thừa nhận, Victor Creed của Liev Schreiber đã mang đến màn trình diễn hấp dẫn, biến một bộ phim còn nhiều thiếu sót trở nên lôi cuốn hơn. Ngoài ra, màn chào sân của Deadpool (Ryan Reynolds), cùng với CGI cũng được trau chuốt tỉ mỉ.
Iron Man 2 (2010) ra đời sau thành công vang dội của phần 1. Thực tế, bộ phim này không thể vượt qua cái bóng quá lớn của dự án tiền nhiệm. Iron Man 2 có quy mô lớn hơn, song đây cũng là điểm góp phần khiến nó để lộ nhiều lỗ hổng nội dung. Chính vì điều này, phần phim thứ 2 về Người Sắt bị nhiều khán giả ghét bỏ. Trên trang Rotten Tomatoes, tác phẩm của Jon Favreau nhận số điểm 71% từ khán giả lẫn các nhà phê bình. Bỏ qua những sạn kịch bản, màn trình diễn Robert Downey Jr. vẫn được đánh giá cao. Chưa kể, kinh phí sản xuất lớn cho phép Iron Man 2 có nhiều phân cảnh hành động ấn tượng hơn so với phần 1.
Iron Man 3 (2013) tiếp tục là phần phim về Người Sắt nhận phản ứng tiêu cực từ một bộ phận khán giả. Theo Screen Rant, sự đón nhận trái chiều dành cho phần tiền nhiệm có thể là nguyên nhân khiến phần 3 bị chê. Cũng trong dự án này, Shane Black thay thế Jon Favreau ngồi lên ghế đạo diễn. Trên toàn cầu, Iron Man 3 thu về hơn 1 tỷ USD, một thành tích phòng vé đáng nể. Nhưng thực tế, phim vẫn bị chỉ trích vì nội dung, thậm chí bị coi là phim về Người Sắt tệ nhất. Điều này một phần do cao trào hồi 3 hụt hơi, khó chạm tới cảm xúc khán giả. Nhưng bỏ qua thiếu sót này, Iron Man 3 vẫn là một bộ phim đáng xem, với nhiều chi tiết thú vị xoay quanh cuộc sống của Tony Stark.
Thor: The Dark World (2014) được phát hành giữa một số dự án MCU hay và thành công nhất tính đến thời điểm đó. So với Captain America: The Winter Soldier hay Guardians of the Galaxy, bộ phim không được đánh giá cao về chất lượng, thậm chí bị coi là phim tồi trong Giai đoạn 2 của MCU. Cốt truyện và phản diện của The Dark World khá mơ hồ, mờ nhạt. Rất may, vai diễn Loki của Tom Hiddleston đã thành công cứu vớt cả tác phẩm. Sự thú vị trong tính cách của vị thần lừa lọc khiến khán giả cảm thấy thích thú. Với kinh phí sản xuất 150 triệu USD, The Dark World thu về gần 645 triệu USD trên toàn cầu.
Avengers: Age of Ultron (2015) có chất lượng khá ổn. Thế nhưng, đứa con tinh thần của đạo diễn Joss Whedon vẫn bị không ít khán giả ghét bỏ. Lý do là phim bị nhận xét nhạt nhòa, đáng thất vọng so với số tiền sản xuất bỏ ra và những gì mà hãng quảng cáo. Nếu như The First Avenger là bước ngoặt đối với MCU và cả dòng phim siêu anh hùng nói chung, hay Infinity War cùng Endgame đều là những “gã khổng lồ phòng vé” để lại di sản vĩ đại, thì Age of Ultron lại chưa cho thấy vị thế đáng có của mình. Cái kết mà nhà sản xuất chọn cho nhân vật cũng gây ra không ít phẫn nộ. Song, công bằng mà nói, đây vẫn là một bộ phim hoành tráng, mang lại trải nghiệm giải trí xuất sắc tại rạp.
Doctor Strange in the Multiverse of Madness (2022) là phần phim tiếp theo về thầy phù thủy quyền năng bậc nhất MCU. Phim mở rộng câu chuyện về đa vũ trụ từng hé lộ trong Spider-Man: No Way Home (2021). Tuy nhiên, nội dung tác phẩm bị đánh giá rắc rối, ôm đồm và hỗn loạn hệt như cái tên của nó. Dẫu vậy, sức nóng từ thương hiệu vẫn kéo khán giả ra rạp thưởng thức phim, thu về gần 956 triệu USD trên toàn cầu. Nhìn nhận một cách khách quan, Dr. Strange 2 vẫn đáp ứng rất tốt nhu cầu giải trí với hiệu ứng âm thanh và hình ảnh mãn nhãn. Sự xuất hiện của nhiều phiên bản Stephen Strange cũng khiến người xem thích thú. Vấn đề nằm ở màn thể hiện của Scarlet Witch đã “lấn át” cả nhân vật chính.
Ant-Man and the Wasp: Quantumania (2023) là bộ phim đầu tiên mở ra Giai đoạn 5 của MCU. Chính vì vậy, dự án này được kỳ vọng đem thời hoàng kim trở lại, nhất là sau Giai đoạn 4 đầy tranh cãi. Gánh vác trọng trách nặng nề trên vai, phần 3 phim về Người Kiến thất bại nặng nề. Phim không được khán giả đón nhận, với thành tích phòng vé kém hơn so với các phần trước. Trên mặt trận phê bình, Quantumania cũng nhận hàng loạt đánh giá tiêu cực, bị coi là bộ phim đáng quên của MCU. Mặc dù vậy, có vẻ như việc phim bị quay lưng cũng do khán giả đã đặt kỳ vọng quá cao. Thực tế, Quantumania không quá tệ. Hiệu ứng hình ảnh phim được hoàn thiện khá tốt, thỏa mãn trải nghiệm thị giác của khán giả tại rạp.
Theo Zing