Một số khán giả cho rằng loại bỏ yếu tố “sinpa” (tình tiết được cài cắm nhằm khiến khán giả xúc động) trong phim Hàn sẽ giúp cải thiện chất lượng tác phẩm.
Khi Squid Game trở nên nổi tiếng trên toàn cầu vào năm 2021, các nhà phê bình Hàn Quốc khen ngợi cách bộ phim khai thác yếu tố cảm xúc. Họ cho rằng đây là một trong số lý do chính giúp bộ phim chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả phương Tây.
Tuy vậy, chỉ một năm sau, bom tấn Hạ cánh khẩn cấp – một trong những dự án phim Hàn được mong đợi nhất năm 2022 – đối mặt với hàng loạt lời chê bai, chỉ trích từ người hâm mộ và nhà phê bình bởi các phân cảnh được cho là “lấy nước mắt người xem”.Hạ cánh khẩn cấp bị nhiều chuyên gia chỉ trích bởi những phân cảnh “lấy nước mắt người xem”. Ảnh: Naver.
Hạ cánh khẩn cấp bị nhiều chuyên gia chỉ trích bởi những phân cảnh “lấy nước mắt người xem”. Ảnh: Naver. |
Chứng kiến phản ứng trái ngược của khán giả dành cho hai bộ phim, The Korea Herald nhắc lại câu hỏi đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở ngành công nghiệp phim ảnh: Liệu “sinpa” (từ chỉ các tình tiết kịch tính hóa, cường điệu hóa cảm xúc trong phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc) có gây ảnh hưởng đến chất lượng phim và khả năng thành công của tác phẩm?
Yếu tố giúp thu hút khán giả
Việc các nhà làm phim sử dụng sinpa thường bị đem ra chế giễu, tuy nhiên, thành tích phòng vé cho thấy yếu tố này hoàn toàn có thể đem lại thành công về mặt thương mại.
Ví dụ, hai bộ phim Along With The Gods: The Two Worlds và Ode To My Father từng bị khán giả chỉ trích nặng nề vì những tình tiết sinpa. Dù vậy, đây là bộ phim ăn khách thứ ba và thứ tư trong lịch sử phòng vé Hàn Quốc.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 cũng bị các nhà phê bình đánh giá là “đầy rẫy mô-típ rập khuôn, tình tiết lấy nước mắt người xem quá gượng ép với vô số lỗ hổng trong cốt truyện”. Thế nhưng, đây là bộ phim thành công thứ 11 từ trước đến nay ở thị trường trong nước.
Phân đoạn cao trào của Train To Busan vốn nổi tiếng với các khoảnh khắc sinpa, đặc biệt là cảnh hồi tưởng. Tuy nhiên, tác phẩm chạm mốc 10 triệu vé bán ra chỉ trong 19 ngày, qua đó trở thành bộ phim bán chạy thứ 20 tại phòng vé Hàn Quốc từ trước đến nay.
Thành công thương mại của Train To Busan ở thị trường nội địa thậm chí vượt qua Parasite, tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao của đạo diễn Bong Joon Ho. Tuy nhiên, loạt thành tích quốc tế Parasite gặt hái được khiến bộ phim có lợi nhuận cao hơn nếu xét đến tổng thể.
Có thể thấy, những bộ phim với tình tiết sinpa luôn thu hút người hâm mộ, mặc cho một số khán giả phàn nàn rằng nhà sản xuất “cố gắng quá đà chỉ để lấy nước mắt từ người xem”.Nhiều bộ phim chứa yếu tố sinpa gặt hái thành công về mặt thương mại. Ảnh: Naver.
Sau thành công của Squid Game, Kim Young Dae – nhà phê bình văn hóa nổi tiếng với những bài phân tích về Kpop và BTS – đã ca ngợi bộ phim và gọi nó là “tác phẩm phim truyền hình Hàn Quốc kinh điển”.
“Tôi nghĩ điểm khác biệt của phim truyền hình Hàn Quốc nằm ở cách chúng diễn tả nhân vật, sự kiện theo hướng sinpa, thay vì cách tiếp cận ‘khô khan’ như ở Mỹ hoặc Anh”, Kim Young Dae chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Mô-típ rập khuôn hay kinh điển?
Sinpa đã trở thành mô-típ quen thuộc ở phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc trong hàng chục năm qua. Dù vậy, trên thực tế, sinpa từng mang ý nghĩa là “làn sóng mới”.
Cụ thể, vào khoảng một thế kỷ trước, trong thời kỳ Hàn Quốc còn là thuộc địa của Nhật Bản, các vở kịch, tiểu thuyết giàu cảm xúc, đầy kịch tính được xem như lối tiếp cận nghệ thuật “đầy mới lạ”.
Về sau, từ “sinpa” bắt đầu mang ý nghĩa tiêu cực hơn. Sinpa được dùng để chỉ những bộ phim với tình tiết gượng ép, cố gắng khiến người xem cảm thấy “xúc động” khi theo dõi tác phẩm.
Một ví dụ điển hình là bộ phim Sự quyến rũ của người vợ do đài SBS sản xuất và phát sóng vào năm 2008.
Ở cuối bộ phim, nhân vật phản diện chính đột ngột bị ung thư. Điều này khiến cô thay đổi hoàn toàn tính cách và trở thành người tốt bụng. Cuối cùng, cô và nhân vật chính quyết định hòa giải. Bộ phim kết thúc với hàng loạt khoảnh khắc “đẫm nước mắt” xoay quanh một nhân vật phản diện mà chỉ mới vài tập trước, cô còn gây ra rất nhiều tội ác.
Tình tiết gượng gạo, gần như không mang lại lợi ích gì cho cốt truyện ngoài việc khiến người xem rơi nước mắt được gọi là sinpa. Bệnh nan y đột ngột ập đến với nhân vật chính, nhân vật phản diện, thành viên trong gia đình của nhân vật chính, hoặc thậm chí là nhân vật gây hài là một trong số ví dụ kinh điển về sinpa.
Chia sẻ với The Korea Herald, nhà phê bình Kim cho biết vấn đề của sinpa không nằm ở chỗ nó cường điệu hóa, kịch tính hóa cảm xúc, mà là nó quá “công thức, rập khuôn”.
Kim miêu tả Train To Busan như một tác phẩm phim “không đặc biệt xuất sắc, nhưng vẫn hấp dẫn”.
“Cách bộ phim tạo ra sự chia rẽ và thể hiện cảm xúc nhân vật đã ‘tuân theo công thức’. Điều này khiến cho tổng thể bộ phim mang lại cảm giác khá nông cạn”, Kim nhận xét trong bài đánh giá của anh cho bộ phim.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là ví dụ tiêu biểu khác cho việc áp dụng tình tiết sinpa theo công thức nhất định. Lee chỉ trích bộ phim vì đã “hành hạ các nhân vật” để tạo nên tình huống xấu nhất có thể.
“Nhân vật bị chèn ép hết lần này đến lần khác. Mỗi khi bạn thấy họ bị chèn ép, bạn sẽ tự nhiên khóc như một phản ứng tự phát. Mặc dù bạn đang khóc, bạn không tránh khỏi tự hỏi liệu bộ phim có thực sự khiến bạn cảm động hay không”, Lee nhận xét.
Nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik, người từng xuất bản cuốn sách nói về sự đa dạng trong phim ảnh vào năm 2012, nói rằng bản thân sinpa không phải điều xấu, nhưng nó có thể trở thành vấn đề nếu bị sử dụng không đúng cách.
Theo nhà phê bình Kim, một số khán giả cho rằng loại bỏ tình tiết sinpa giúp cải thiện chất lượng bộ phim. Thế nhưng, sinpa cũng có tác dụng thu hút công chúng.
Kim viết: “Công chúng thích kiểu nội dung khiến họ có thể cảm nhận và chia sẻ cảm xúc. Tôi tự hỏi loại bỏ yếu tố cảm xúc khỏi phim điện ảnh, truyền hình có phải điều thích hợp không”.
“Squid Game khiến người xem xúc động khi chứng kiến sự tuyệt vọng của những người chìm trong nợ nần. Tình đồng đội, tình bạn, lòng trắc ẩn và lòng thương người rất được đề cao trong bộ phim. Một số người nói rằng chất lượng bộ phim có thể cải thiện nếu loại bỏ bớt yếu tố này. Tuy nhiên, hầu hết công chúng suy ngẫm về cuộc sống và thế giới thông qua những yếu tố này”, Kim nhận xét.Nhà sản xuất cần sử dụng yếu tố sinpa một cách hợp lý, chừng mực. Ảnh: Naver.
Trên thực tế, ảnh hưởng của sinpa tới bộ phim tùy thuộc vào cách nhà sản xuất sử dụng chúng. Những khoảnh khắc sinpa được thực hiện tốt có thể dẫn đến thành công thương mại. Ngược lại, nếu bị lạm dụng quá đà, chúng sẽ khiến toàn bộ chất lượng bộ phim đi xuống.
Theo Zing