Chất liệu dân gian có lợi thế là quen thuộc với khán giả, câu chuyện càng quỷ dị càng dễ gây sợ, ám ảnh. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu thử nghiệm, phim kinh dị Việt còn gặp nhiều thách thức.
Đám cưới chuột mang một sắc thái u ám, tiêu cực trong “Kẻ ăn hồn.” (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Điện ảnh Việt Nam ngày càng chịu khó thử nghiệm với dòng kinh dị. Tính đến nay, phim kinh dị Việt đã có những phim đầu tiên ở các dòng như zombie (xác sống), ma cà rồng, phim sinh tồn hay thể loại nặng về “máu me” (slasher)…
Riêng trong cuối năm 2023 có 2 phim kinh dị đều sử dụng chất liệu dân gian là “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu.” Hai phim đều nhận về những phản hồi đa dạng, song có một điểm chung là đều gây chú ý bằng yếu tố dân gian.
Chất liệu dân gian thành phương tiện kể chuyện
Một trong những điểm nổi bật trong hai phim “Quỷ cẩu” và “Kẻ ăn hồn” là các yếu tố dân gian xuất hiện xuyên suốt, là yếu tố giúp tạo không gian và được dùng làm phương tiện kể chuyện.
Chẳng hạn trong “Kẻ ăn hồn,” nhà văn Thảo Trang (tác giả chuyện phim) sử dụng bài vè, vốn là loại hình diễn xướng phổ biến và quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam. Trong phim, bài vè được lưu truyền nhiều đời ở làng Địa Ngục không chỉ cho biết về cách thức giết người man rợ của kẻ phản diện, mà còn hé lộ về người tiếp theo phải chết.
Lũ trẻ đọc bài vè trong “Kẻ ăn hồn.” (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Hay theo truyền miệng, chuyện “Chó đội nón mê” báo điềm gở như gia đình có người già sắp mất hoặc bị suy thoái về đạo đức. Truyện này được dùng trong “Quỷ cẩu.” Khi gia đình của nhân vật chính gặp những chuyện quỷ quyệt, sinh vật kỳ dị này bắt đầu lộ diện. Đây là cách để ngụ ý rằng gia đình này phạm nhiều tội lỗi, điều cấm kỵ với nhau, như tà dâm, hãm hại và thậm chí giết người.
Trên thế giới, phim kinh dị dân gian từ lâu đã là một dòng riêng biệt. Theo các tài liệu nghiên cứu, dòng này thường mang bối cảnh làng quê, nơi biệt lập, mang chủ đề về tín ngưỡng dân gian, hiến tế, mê tín dị đoan.
Sinh vật quỷ chó trong “Quỷ cẩu.” (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
“Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu” không hoàn toàn thuộc thể loại kinh dị dân gian, nhưng sử dụng một hoặc nhiều yếu tố dân gian liên quan.
Cây bút điện ảnh Lucas Luân Nguyễn nhận xét phim “Kẻ ăn hồn” còn nhiều hạn chế song có câu chuyện và thế giới riêng thu hút. Theo ghi nhận của phóng viên, “Kẻ ăn hồn” là một trong rất ít phim Việt được khán giả quan tâm, tạo nhiều hội thoại nhằm lý giải cốt truyện.
Ở tuần công chiếu thứ ba, phim đã đạt gần 61 tỷ đồng doanh thu (28/12) và vẫn có tăng nhẹ mỗi ngày (nguồn thông tin: Box Office Vietnam).
“Quỷ cẩu” dù nhận về nhiều nhận định trái chiều, nhưng vẫn được nhà rạp sắp xếp số suất chiếu lớn thứ nhì (khoảng 2.200 suất một ngày, chỉ sau “Aquaman 2”). Sau gần một tuần công chiếu, phim đã thu 20,5 tỷ đồng.
Thách thức khi dùng chất liệu dân gian
Văn hóa dân gian luôn được coi là nguồn tư liệu giàu có để các sản phẩm giải trí khai thác. Việt Nam cũng vậy, trong đó chất liệu quỷ dị cũng có rất nhiều chuyện phổ biến, ở nhiều thời kỳ như ông Ba Bị, Ma Da, Ma Dai, Thần Trùng (gây ra trùng tang), Quỷ nhập tràng, Linh Miêu, Linh Cẩu…
Trong những năm gần đây, sự ra đời của cuộc thi làm phim ngắn kinh dị của Lotte (2021), loạt sách tranh “Lĩnh nam chích quái” (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017), sách tranh “Ma quỷ dân gian ký” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022) của Duy Văn, tiểu thuyết hư cấu “Tết ở làng Địa Ngục” (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2022)… cũng cho thấy độc giả, khán giả và người làm nội dung ở Việt Nam rất quan tâm đến chất liệu dân gian kinh dị Việt.
Điện ảnh Việt từng có phim “Bắc kim thang” (2019), trong phim có lồng ghép bài đồng dao cùng tên, thu 40,3 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam)
Trong nghiên cứu của mình về sản phẩm kinh dị giải trí, Tiến sỹ tâm lý học Glenn D. Walters (Đại học Pennsylvania, Mỹ) chỉ ra nguyên nhân gây sợ là những yếu tố người xem cảm thấy quen thuộc, có thể nhận diện được như sợ chết, sợ sự bí ẩn, khó nắm bắt hoặc một vấn đề xã hội phổ biến nào đó.
Vì vậy, nhiệm vụ của phim kinh dị không chỉ đơn thuần là hù dọa bằng cảnh máu me, ghê rợn, mà còn phải reo rắc nỗi sợ, sự bí ẩn và cảm giác không thoải mái qua những thứ mà người xem thấy quen thuộc.
Chất liệu dân gian vốn “ghi điểm” ở tiêu chí quen thuộc. Nhưng để tái tạo được không khí căng thẳng ấy thì cần rất nhiều yếu tố.
Bà Kay Nguyễn (đồng đạo diễn “Cô Ba Sài Gòn,” đồng biên kịch “Công tử Bạc Liêu”) chỉ ra không khí này cần được xây dựng bằng nhiều, thậm chí mọi yếu tố trong phim, từ kịch bản, sắp xếp bối cảnh, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất, giọng điệu diễn viên, dựng phim, hậu kỳ, kỹ xảo… để gây thuyết phục. Chưa kể dòng kinh dị cổ trang với bối cảnh quá khứ càng cần kinh phí “khủng” để thiết lập không gian, phong tục, lề thói riêng.
Ghi nhận của phóng viên, nhiều khán giả cho rằng giọng Nam-Bắc lẫn lộn trong hai phim “Kẻ ăn hồn” và “Quỷ cẩu” là một yếu tố lớn khiến chất bản địa trong phim chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tính chưa thuyết phục chung của tác phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều diễn viên có diễn xuất và cách nhả thoại chưa hay, chưa toát lên màu sắc và tâm lý của nhân vật. Phim cũng cần được trau chuốt hơn nữa để chuyện phim trở nên cuốn hút, rành mạch… Đây là một số trong nhiều khía cạnh mà phim kinh dị Việt cần cải thiện để tiếp tục chinh phục khán giả trong tương lai./.
Theo VietNam Plus