Nhiều phim dài tập của Hàn Quốc bị công chúng “ném đá” dữ dội vì xúc phạm, bôi nhọ văn hóa hoặc xuyên tạc lịch sử. Nhà sản xuất nhanh chóng xin lỗi nhưng khó có thể xoa dịu công chúng, một số phim còn bị dừng phát sóng.
King The Land – bôi nhọ văn hóa Ả Rập
Phim King The Land (Tựa Việt: Khách sạn vương giả) do Hàn Quốc sản xuất với sự tham gia của Lee Jun-ho và Im Yoon-ah đóng chính. Phim chiếu trên đài JTBC từ ngày 17-6 và phát trực tuyến trên TVING ở Hàn Quốc, trên Netflix ở một số khu vực được chọn.
Phim có được lượng người xem lớn nhưng cũng gây ra tranh cãi dữ dội sau 2 tập 7 và 8 phát sóng. Cụ thể, trong tập 7 và 8 có sự xuất hiện của nhân vật phụ là hoàng tử Ả Rập Samir. Nam diễn viên người Ấn Độ Anupam Tripathi được chọn hóa thân thành Samir.
Hoàng tử Samir được khắc họa là tay chơi nghiện rượu mê gái, thích đi bar xập xình
Hoàng tử Samir là bạn học cũ của nam chính Gu Won (Lee Jun-ho đóng) và được mời đến khách sạn King The Land để nghỉ dưỡng. Tại đây, Samir bị nhan sắc Sa Rang (Yoon-ah đóng) mê hoặc nên tìm cách tán tỉnh cô khiến Gu Won khó chịu. Trong phân cảnh khác, Samir đến quán bar trong khách sạn tận hưởng không gian xập xình với nhiều người đẹp xung quanh.
Công chúng bất bình, cho rằng phim khắc họa Samir vừa nghiện rượu lại mê gái là sự thiếu tôn trọng văn hóa Ả Rập. Việc truyền tải hình ảnh này là sự bôi nhọ, xúc phạm văn hóa. Việc chọn lựa một diễn viên Ấn Độ vào vai hoàng tử Ả Rập trong phim của Hàn Quốc cũng bị cho là không thích hợp. Họ tẩy chay phim, kêu gọi ngừng chiếu.
Trước dư luận bức xúc, đội ngũ sản xuất phim “thêm dầu vào lửa” khi giải thích rằng tất cả bối cảnh, tình tiết… phim đều hư cấu. Họ không có ý định châm biếm hay bóp m éo văn hóa. Họ tôn trọng các nền văn hóa khác và sẽ chú ý đến quá trình sản xuất.
Phim bị tẩy chay vào lúc đang thu hút khán giả
Lời giải thích bị cho rằng là bao biện, “đá bóng” trách nhiệm và vì nhân vật Samir được khẳng định nhiều lần trong phim là hoàng tử của Ả Rập. Nhà sản xuất phim là JTBC ngay sau đó phải viết thông cáo xin lỗi chính thức và hứa hẹn sẽ xem xét kỹ lưỡng các phân đoạn nhạy cảm để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.
“Chúng tôi xin lỗi chân thành, sâu sắc vì đã gây ra phiền hà cho người xem vì đã không xem xét toàn diện về các giá trị văn hóa. Chúng tôi không có ý định châm biếm hay bóp méo về bất kỳ văn hóa, quốc gia nào cụ thể. Chúng tôi đã thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm cũng như sự cân nhắc về các nền văn hóa khác nhau và sẽ cố gắng để tạo ra nội dung phù hợp với tất cả dù họ đến từ nền văn hóa nào” – thông cáo có đoạn viết.
Little Women – Xuyên tạc lịch sử Việt
Phim Little Women (tựa Việt: Ba chị em) do Kim Hee-won làm đạo diễn, Jung Seo-kyung viết kịch bản, nội dung dựa trên tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1898 của nhà văn Louisa May Alcott. Phim có các diễn viên: Kim Go-eun, Nam Ji-hyun, Park Ji-hoo, Wi Ha-joon, Uhm Ji-won,… và phát trên Netflix.
Phim xuyên tạc lịch sử Việt
Phim đã bị gỡ khỏi Netflix khu vực Việt
Trong tập 8, khi các nhân vật nhắc về chiến tranh Việt Nam có sự xuyên tạc lịch sử bằng những từ ngữ nhạy cảm. Không chỉ công chúng Việt, nhiều khán giả Hàn Quốc cũng bất bình, chỉ trích phim.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT-TH-TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã gửi văn bản đến Netflix yêu cầu gỡ phim. Tuân thủ văn bản, Netflix đã gỡ phim khỏi khu vực Việt Nam.
Khi biết tin, cộng đồng mạng Hàn Quốc bình luận: “Bộ phim thì hay nhưng sự tức giận của cộng đồng mạng Việt là hợp lý”; “Tôi cảm thấy xấu hổ quá!”; “Các nhà sản xuất cần xin lỗi sau vụ việc”…
Phim Joseon Exorcist – không tôn trọng văn hóa
Phim Joseon Exorcist (tạm dịch: Pháp sư trừ tà Triều Tiên) do đài SBS phối hợp sản xuất và phân phối, ngừng chiếu vĩnh viễn. Phim đã hoàn thành 80% cảnh quay.
Cảnh phim có đồ ăn Trung Quốc và chum rượu có chữ Hán bên trên
Khán giả bất bình khiến phim bị cấm chiếu vĩnh viễn
Sau ngày phát sóng đầu tiên vào tháng 3-2021, “Joseon Exorcist” đã gây tranh cãi dữ dội xoay quanh việc đồ ăn Trung Quốc và chum rượu có ghi chữ Hán xuất hiện trong một phân cảnh tiệc tùng trong phim. Khán giả cho rằng ê-kíp làm phim cố tình xuyên tạc lịch sử, không tôn trọng văn hóa nước nhà khi vay mượn văn hóa Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc vua Taejong được kính trọng trong lịch sử lại xây dựng hình ảnh c.hém g.iết bách tính khi đang hoang tưởng trên phim khiến công chúng không đồng tình. Mặc dù phim hư cấu nhưng khi sự hư cấu trở nên quá đà cũng khiến người xem khó chấp nhận.
SBS sau đó đã đưa ra tuyên bố xin lỗi và lời giải thích ban đầu. Họ cũng tuyên bố sẽ chỉnh sửa phim để tránh những lỗi này trong các tập sau. Dù vậy, phản ứng dữ dội từ người xem tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
Sau 2 tập, các nhà tài trợ vội vã rút khỏi phim, SBS thông báo họ sẽ dừng một tuần để chỉnh sửa phim. Tuy nhiên, 2 ngày sau, SBS xác nhận phim sẽ ngừng chiếu vĩnh viễn.
Trong làn sóng chỉ trích phim, hơn 184.000 người đã ký vào bản kiến nghị dừng chiếu phim vĩnh viễn gửi cho Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc).
Theo Người Lao Động