Mỗi dịp đón Tết, vui Xuân luôn là thời điểm các nhà làm phim mang những tác phẩm đặc sắc phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Mùa phim Tết năm nay, thị trường điện ảnh chứng kiến ‘cuộc đua’ của các nhà sản xuất, đạo diễn như: Trấn Thành, Nguyễn Quang Dũng, Thu Trang… Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của phim ra rạp vẫn thiếu điểm nhấn, thể hiện sự tiếp nối các mảng đề tài và cách triển khai từ các tác phẩm trước đó.
Cảnh trong phim “Nụ hôn bạc tỷ” của nhà sản xuất Thu Trang.
Sau thành công vang dội về doanh thu các phim trước đó như: “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai”…, dịp Tết năm nay, đạo diễn Trấn Thành cho ra mắt phim “Bộ tứ báo thủ” – một tác phẩm xoay quanh đề tài gia đình và thể loại hài quen thuộc. Những gương mặt diễn viên quen thuộc như: Lê Giang, Uyển Ân, Lê Dương Bảo Lâm… cùng với Trấn Thành tạo nên ê-kíp ăn ý, hứa hẹn tiếp tục có doanh thu cao từ các phòng vé. Diễn viên – nhà sản xuất Thu Trang cũng sẽ góp mặt trong mùa phim Tết với “Nụ hôn bạc tỷ”. Đây là lần đầu cô đảm nhận vai trò đạo diễn, khiến khán giả kỳ vọng vào sự thay đổi, hấp dẫn trong cách kể chuyện. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mang đến khán giả bộ phim “Yêu nhầm bạn thân” với chủ đề về câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, lãng mạn, đầy cảm động.
Từ ba dự án phim điện ảnh quy mô nêu trên, dự kiến có thể tạo nên “cơn sốt” phòng vé trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Sự phối hợp ăn ý giữa các nghệ sĩ có tiếng với đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp hứa hẹn tạo nét hấp dẫn về mặt nội dung và sự chăm chút đầu tư kỹ lưỡng về kỹ thuật, hình ảnh mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả. Tuy nhiên, đề tài vẫn kế thừa các năm cũ, xoay quanh câu chuyện tình yêu, gia đình với yếu tố tâm lý, hài hước, vừa mang tính giải trí, vừa tạo sự gần gũi, dễ tiếp cận mọi đối tượng khán giả.
Các chuyên gia cho rằng, dù đề tài, cách khai thác phù hợp với không khí Tết, dễ được ưa chuộng, nhưng nếu các bộ phim thiếu sáng tạo, gây cảm giác lặp lại, không đáp ứng niềm mong đợi thì sẽ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Các bộ phim có thể chứa đựng yếu tố thu hút, nhưng không phải ai cũng thích thú với thể loại hài hay các nhóm đề tài quen thuộc. Điều này dẫn đến hiện tượng một bộ phận khán giả tìm đến các lựa chọn khác, trong đó có phim nước ngoài. Việc mỗi tác phẩm điện ảnh, nhất là phim Tết, phải tạo nên nét đặc sắc riêng, thật sự là một thử thách lớn.
Khi phim nội địa ra rạp có dấu hiệu giảm nhiệt, phim nước ngoài chiếu rạp và phủ sóng các kênh truyền hình lại thu hút thị hiếu khán giả một cách sôi động, trong đó có tựa phim hoạt hình đình đám như “Minions” được cả khán giả nhí lẫn người lớn yêu thích; Hollywood có phim kinh điển “Hellboy:
The Crooked Man”, “Kungfu Panda 4”, “Didi” với 15 giải thưởng và 29 đề cử quốc tế cũng là một lựa chọn đáng chú ý cho những ai yêu thích những tác phẩm chất lượng, sâu sắc.
Xu hướng khán giả ít đến rạp, thay vào đó là xem phim tại nhà ngày càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây. Điều này phản ánh sự thay đổi thói quen giải trí, có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân, như: Các dịch vụ xem phim trực tuyến và nhiều nền tảng khác cung cấp trải nghiệm rất chất lượng, linh hoạt; xem phim tại nhà giúp tiết kiệm thời gian, công sức di chuyển, không cần băn khoăn về các yếu tố phụ như chỗ ngồi, tiếng ồn; chất lượng thiết bị tại gia đình được nâng cấp đáng kể; tâm lý thích thoải mái, riêng tư; được lựa chọn phim theo sở thích, thời gian linh hoạt; tiếp cận các nội dung quốc tế dễ dàng…
Giới chuyên môn nhận định, xu hướng xem phim tại nhà tăng phần nào khiến các rạp chiếu phim phải đối mặt với thách thức. Do vậy, các rạp cần cải tiến dịch vụ để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn hơn cho khán giả. Xu hướng này không báo hiệu sự suy giảm của ngành điện ảnh, mà phản ánh sự thay đổi trong thói quen, phù hợp với nhu cầu. Các nền tảng trực tuyến càng phát triển mạnh mẽ, càng trở thành yếu tố kích cầu để các rạp chiếu chuyển mình nhằm thích nghi, cạnh tranh.
Để phim Tết trở nên hấp dẫn và thu hút khán giả trong bối cảnh thị trường phim ngày càng cạnh tranh, đòi hỏi các nhà sản xuất cần có chiến lược cụ thể. Đầu tiên là sự đổi mới đề tài. Các nhà sản xuất có thể thử nghiệm với các chủ đề mới, thậm chí kết hợp nhiều thể loại khác, như: Hành động, tâm lý, lãng mạn hay khoa học viễn tưởng. Bên cạnh đó, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh tuy được cải thiện, song, khán giả vẫn đòi hỏi cao bởi đang có sự chênh lệch về trải nghiệm giữa tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế. Yếu tố sáng tạo về kịch bản, diễn xuất cũng cần được nâng cao, tạo sự đột phá. Hầu như phim Tết đều dễ tiếp cận, nhưng thiếu chiều sâu về nội dung, không ít tác phẩm chỉ tập trung vào những tình huống hài lố, thậm chí ít nhiều gây phản cảm. Các tác phẩm cần tạo sự kết nối với văn hóa, truyền thống và không khí Tết. Đây là các yếu tố còn thiếu hoặc chưa khai thác hiệu quả, sâu sắc ở phim điện ảnh trong nước dịp này. Bên cạnh đó, có những khuyến cáo được đưa ra cho các nhà sản xuất, đó là không nên tạo ra sự kỳ vọng quá mức. Nhiều ê-kíp quảng bá, phóng đại về phim dẫn đến hiện tượng khán giả thất vọng, mất niềm tin.
Các nhà sản xuất không những cần bảo đảm yếu tố lôi cuốn mà còn cần đặc biệt chú trọng đến giá trị nội dung, chất lượng sản xuất và sức lan tỏa của các bộ phim mùa Tết. Điều quan trọng nhất, tác phẩm cần phản ánh bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị nhân văn sâu đậm, giúp con người gắn bó hơn với những giá trị truyền thống, tinh thần đoàn kết và lòng yêu thương.
Theo báo Tuyên Quang