Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q & Me tại TP. HCM, nội dung phổ biến nhất được xem trên truyền hình là phim truyền hình và phim truyện, chiếm đến 60%. Như vậy, nhu cầu của khán giả xem phim là rất lớn, thị trường phim truyền hình vẫn còn dư địa phát triển, mang đến cơ hội mới cho các nhà làm phim.
VFC – Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam cũng có 1 khảo sát vào năm 2018 với kết quả 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên. Các khán giả này chủ yếu nằm ở nhóm trên 50 tuổi (74,5%) và nhóm 40 – 49 tuổi (50%). Đây là nhóm khán giả khá khó tính nên việc cung ứng số lượng phim, nội dung phim cần phải ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
Theo thống kê từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay, cả nước có đến 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng.
Việt Nam tồn tại 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: truyền hình cáp , truyền hình số vệ tinh , truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên Internet.
Việc đa dạng hóa hạ tầng cung cấp nội dung khiến cho phim truyền hình càng dễ tìm đường tiếp cận đông đảo khán giả hơn. Hiện tại, 1 số bộ phim bên cạnh lên sóng truyền hình còn xuất hiện trên các nền tảng cung cấp nội dung số OTT và các mạng xã hội .
Những năm gần đây, ở khu vực phía Nam, mảng phim truyền hình không còn giữ được thời hoàng kim của những năm 1990 với loạt tác phẩm được yêu thích như Đất phương Nam , Xóm nước đen , Người đẹp Tây Đô , Giã từ dĩ vãng …, thay vào đó là sự nở rộ của các chương trình gameshow, giải trí.
Ngược lại, ở miền Bắc, những năm qua, sau thời gian chững lại thì hàng loạt bộ phim truyền hình ra đời, khẳng định được vị thế ’siêu to khổng lồ’ trong lòng khán giả.
Chỉ trong vòng hơn 5 năm (tính từ năm 2015), hàng chục bộ phim lên sóng giờ vàng phim Việt trên cả 2 kênh VTV1 và VTV3 tạo được sức hút lớn lao khiến cả người làm phim, giới chuyên môn cũng phải ngỡ ngàng. Có thể nói, chưa có thời điểm nào phim truyền hình phía Bắc lại phát triển mạnh mẽ như thời điểm này.
Các bộ phim tạo được tiếng vang, trong đó thậm chí có những tác phẩm được gọi là ‘quốc dân’, phải kể đến như Tuổi thanh xuân , Zippo, mù tạt và em , Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử , Quỳnh búp bê , Về nhà đi con , Sinh tử , Mê cung , Cả một đời ân oán , Hoa hồng trên ngực trái …
‘Cha đẻ’ của loạt phim truyền hình thành công này là VFC . Với sự đổi mới về mọi mặt, nắm bắt được thị hiếu khán giả, VFC đã tạo nên 1 vũ trụ mạnh mẽ của riêng mình.
Thành công của VFC là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đơn vị này dường như đang 1 mình đá trên ’sân nhà’.
Nếu ở phía Nam, dù phim truyền hình không còn giữ được sức nóng của nó nhưng vẫn có nhiều đơn vị tham gia sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát sóng của rất nhiều kênh sóng ở các Đài truyền hình như THVL, HTV2, HTV7…, thì ở phía Bắc lại ngược lại. Ở phía Bắc, ngoài VTV, gần như không có đài truyền hình nào, không có đơn vị tư nhân nào tham gia sản xuất phim truyền hình.
Do đó, trong khi VTV có khung giờ phim Việt cố định hàng ngày thì các đài truyền hình khác thậm chí không có khung giờ chiếu phim truyền hình mới, nếu có thì cũng ít phim Việt phát sóng mà chủ yếu là phim nước ngoài.
Khi ‘mảnh đất màu mỡ’ phim truyền hình phía Bắc thuộc riêng về VFC hiển nhiên sẽ khiến đơn vị này có nhiều lợi thế. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng đồng nghĩa với việc VFC có nhiều áp lực và những hạn chế.
Những áp lực và hạn chế mà VFC gặp phải có thể kể đến như thiếu nguồn nhân lực, thiếu kịch bản, thiếu đề tài, họ phải chạy đua với thời gian để sản xuất kịp lượng phim đáp ứng đủ các khung giờ phát sóng…
Ngoài đáp ứng đủ lượng phim, việc VFC sản xuất phim chất lượng cao cũng dẫn đến việc đòi hỏi nhiều thứ, kể cả mặt thời gian. Về điều này, NSƯT Mỹ Uyên – nghệ sĩ từ miền Nam ra miền Bắc quay Cả một đời ân oán – từng so sánh 1 cách rất hài hước là người ta quay 1 ngày 3 tập, còn VFC quay 6 ngày 1 tập khiến họ rất ’sốc’.
Về mặt kịch bản, VFC không thể đảm bảo được 100% các kịch bản tự viết mà phải đi mua kịch bản từ nước ngoài. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng cho biết có thời điểm lượng phim phát sóng trên VTV có kịch bản đến từ nước ngoài chiếm đến 40%.
Hiện tại, trong 3 phim đang phát trên sóng giờ vàng là Hương vị tình thân , Hãy nói lời yêu , Mùa hoa tìm lại thì bộ phim dài hơn 100 tập Hương vị tình thân phát liên tục thứ 2 đến thứ 6 trong tuần được chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc My only one . Chỉ có 2 phim còn lại có thời lượng hơn 30 tập là kịch bản thuần Việt.
Việc nội địa hóa kịch bản nước ngoài dù muốn hay không cũng khiến kịch bản đó ít hay nhiều trở nên xa lạ với đời sống người Việt. 1 ví dụ điển hình là phim Tình yêu và tham vọng (lên sóng năm 2020 được remake từ phim Trung Quốc Thế lực cạnh tranh (tên tiếng Anh: Fighting Time ), song vẫn… đậm mùi màn thầu.
Trong Tình yêu và tham vọng , người xem được gặp những cái tên đậm vị Hán ngữ như tên công ty là công ty Hoàng Thổ, công ty Bách Hợp, hay gặp các nhân vật có những hành động không mấy thấy ở người Việt như chào cúi đầu, gập người với sếp.
Về mặt đề tài, các phim VFC sản xuất thường loanh quanh khai thác đề tài tình yêu – gia đình, chính luận, điều tra phá án… và tập trung ở môi trường thành thị. Suốt những năm qua, tìm mỏi mắt cũng ít thấy có bộ phim nào của VFC khai thác đề tài học đường, người trẻ lập nghiệp…
‘Tôi nghĩ ai làm sáng tạo nội dung cũng có lúc bí cả. Nhất là khi xét về để tài, chủ đề thì dường như bao thế kỉ qua, văn học nghệ thuật đều đã khai thác hết rồi.
Mà không chỉ là ý tưởng hay đề tài, khi đang triển khai kịch bản, chúng tôi cũng có khi bế tắc về tình huống không biết phải xử lí thế nào. Đó thực sự là thách thức về mặt nghề nghiệp’ – Nguyễn Thu Thủy – biên kịch/biên tập của loạt phim ‘ăn khách’ như Tuổi thanh xuân , Về nhà đi con , Hoa hồng trên ngực trái … chia sẻ về khó khăn khi thực hiện công việc của mình.
Về mặt diễn viên, VFC khai thác tối đa các diễn viên là ‘gà nhà’ dẫn đến việc khán giả không khỏi ‘chán mắt’, có khi là bị ‘lú’.
Như diễn viên Hoàng Anh Vũ hiện đang đóng cả 2 phim Hương vị tình thân và Hãy nói lời yêu . 2 nhân vật Duy và Huy có tạo hình na ná nhau, tính cách cũng vậy, nên những tập đầu khán giả thậm chí không phân biệt được, bị lẫn nhân vật ở phim này vào phim kia.
Trước đó, năm 2020, mở kênh VTV3 các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4, khán giả gặp Thanh Sơn đóng Tình yêu và tham vọng , nhưng thứ 5 và thứ 6, cũng ở kênh VTV3, đã thấy nam diễn viên đóng Đừng bắt em phải quên . Hay Quỳnh Kool, trong năm 2021 này, đang xuất hiện ở Hướng dương ngược nắng phát sóng chưa xong đã thấy nữ diễn viên xuất hiện ở Hãy nói lời yêu .
Khả năng diễn xuất của các diễn viên không phải là vấn đề bàn cãi nhưng việc các diễn viên liên tiếp xuất hiện trong các phim của VFC khiến người xem có lúc cũng phải thốt lên… đóng ít thôi, chúng tôi mệt rồi!
Đã qua rồi cái thời khán giả Việt nhắc đến phim truyền hình Việt với thái độ hoài nghi, với cái lắc đầu ngán ngẩm. Thời nay, khán giả vẫn rất mặn mà với phim truyền hình Việt, thậm chí là mong ngóng tới giờ phim Việt để xem, chỉ có điều có phim hay cho họ xem hay không mà thôi.
Bây giờ, mở mạng xã hội ra là thấy các trích đoạn từ 1 bộ phim truyền hình Việt cũng thu hút hàng triệu lượt xem với hàng nghìn bình luận, không thua kém bất kỳ phim Hàn, phim Trung hot nào.
Hay sáng sớm ra, khi ra quán cắt tóc, gội đầu, ra chợ mua thức ăn, ở công sở… không khó để bắt gặp những cuộc tranh luận về bộ phim vừa lên sóng tối qua. Họ nói thương chị này, ghét chị kia, phẫn nộ khi biên kịch và đạo diễn chưa đối xử công bằng với nhân vật họ yêu thích, chưa trừng phạt thích đáng với nhân vật họ ghét, thậm chí họ đòi tìm cả địa chỉ nhà biên kịch và đạo diễn để… đến đốt.
Theo sự phát triển chung, thị trường ngày càng đa dạng, để phục vụ được nhiều đối tượng khán giả, không chỉ gói gọn trong nhóm khán giả quen thuộc thì cần những đơn vị khác ngoài VFC tham gia lĩnh vực sản xuất phim truyền hình.
Mới đây, 1 tin vui với phim truyền hình phía Bắc, với khán giả yêu phim truyền hình Việt là Viettel Media đã công bố sẽ tham gia vào lĩnh vực sản xuất này.
Sự tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim truyền hình của Viettel Media hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả yêu phim truyền hình Việt thêm nhiều lựa chọn, cũng như mở rộng đối tượng khán giả xem phim truyền hình nước nhà.
‘Với sứ mệnh phục vụ cộng đồng và khát vọng tạo nên những sản phẩm văn hóa mang đậm tinh thần Việt, chúng tôi quyết định bắt tay sản xuất phim truyền hình.
Ngoài các đề tài quen thuộc như tình yêu , gia đình, chúng tôi sẽ tập trung khai thác các đề tài khác như đề tài học đường, người lính… để không có khán giả nào bị bỏ quên, bất kỳ khán giả nào cũng mong ngóng đến giờ thưởng thức phim Việt’ – ông Võ Thanh Hải – Giám đốc Viettel Media nói.
Bên cạnh VFC, sự vào cuộc của các đơn vị sản xuất mới được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm số lượng và tạo nên sự đa dạng cho phim truyền hình Việt. Sự thay đổi mạnh mẽ về chất của phim truyền hình trong vài năm trở lại đây đang củng cố niềm tin với khán giả rằng dòng phim truyền hình sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao toàn diện. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, càng nhiều tác phẩm tốt, khán giả càng có nhiều ‘thực đơn giải trí’ để lựa chọn.
Các bộ phim truyền hình được Viettel Media sản xuất sẽ được phát trên kênh SCTV6 – FIM360.
Theo Báo Đất Việt