Dù hình thức phát hành phim song song tại rạp chiếu và OTT gặt hái nhiều thành công ở nước ngoài, mô hình này đối diện hạn chế với thị trường Việt Nam.
OTT, hay Over-The-Top, là dịch vụ cung cấp nội dung gia tăng như phát thanh, truyền hình, tin nhắn… từ nhiều nhà cung cấp khác nhau trên nền mạng Internet. Trong vòng 10 năm trở lại đây, OTT phát triển mạnh mẽ và biến đổi liên tục qua nhiều hình thái khác nhau để phù hợp xu hướng thị trường.
Công thức phát hành phim cùng lúc ở rạp chiếu và nền tảng trực tuyến đã gặt hái thành công nhất định tại Hollywood, nhưng liệu Việt Nam có nên tiến cận mô hình này là vấn đề còn gây ra nhiều tranh luận.
Wonder Woman là một trong những phim đầu tiên phát hành cùng lúc tại rạp và OTT.
Sự phát triển của OTT
Trong lĩnh vực phim ảnh, Netflix đóng vai trò như nhà tiên phong khi hãng biến VOD ( Video on Demand) trở thành ngành công nghiệp sản xuất nội dung số khổng lồ, không còn đơn giản là cho thuê phim theo yêu cầu tại gia. Năm 2019, tổng giá trị của ngành OTT trên toàn thế giới là 121,61 tỷ USD, và con số này dự đoán đạt 1,039 nghìn tỷ USD, theo Allied Market Research. AppAnnie cho biết tính đến quý 4 năm 2020, đã có hơn 239 tỷ giờ nội dung được xem trên các nền tảng OTT.
Không chỉ Netflix, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới quyết định đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý Big Data từ hành vi người dùng, cá biệt hóa nhu cầu người xem cũng đang được nền tảng OTT tập trung đầu tư. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 3 năm, loại hình này đã nở rộ với hơn 10 nhà cung cấp lớn nhỏ đến từ nhiều tập đoàn truyền thông trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một trong 5 ông lớn trong ngành phát hành phim rạp tại Mỹ là Warner Bros. và Walt Disney đã thử nghiệm việc phát hành phim cùng lúc tại rạp và OTT, nhằm đối phó tình trạng rạp chiếu đóng cửa dài hạn. Để đạt được thử nghiệm này, hai ông lớn phải trải qua nhiều cuộc thương thảo căng thẳng với các nhà sản xuất phim lớn tại Hollywood.
Kết quả, hệ thống OTT của hai hãng trên chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong số lượng người dùng sau chưa tới một năm áp dụng. Tuy vậy, mức doanh thu thường thấy của loạt phim bom tấn lại sụt giảm so với trước đại dịch. Và khi rạp phim mở lại từ tháng 3/2021, không chỉ Disney và Warner Bros., mà nhiều ông lớn khác đều có bước tính toán mới, bằng chứng là Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings sẽ lên sóng Disney sau 75 ngày chiếu rạp. Điều này cũng được áp dụng cho các bom tấn tiếp theo như Eternals, Encanto, The King’s Man, Death on the Nile…
Bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng, OTT còn thay đổi thói quen xem phim của người dùng. Họ thích thưởng thức phim ảnh tại nhà qua thiết bị cầm tay. Ở khu vực không có rạp chiếu, khán giả dễ dàng tiếp cận nội dung hơn so với trước đây.
Ngoài ra, chất lượng sản xuất nội dung gốc (original content) trên OTT ngày càng hay ho và hợp thời, đa dạng về thể loại và quốc tịch, thậm chí có phần mới lạ hơn dạng phim tương tác trực tiếp với người xem (interactive movies). Điều này khiến nhà sản xuất phim rạp, đặc biệt tại Việt Nam, phải chạy đua không ngừng để nâng cao chất lượng nội dung và kỹ thuật làm phim để có đủ sức cạnh tranh khi ra rạp.
Thành công của Shang-Chi khi rạp chiếu mở cửa trở lại khiến Disney hủy bỏ việc phim phát hành cùng lúc tại rạp và OTT cho các bom tấn sau đó.
Có nên phát hành phim cùng lúc ở rạp và OTT tại Việt Nam?
Theo bà Vũ Quỳnh Hà, giám đốc sản xuất nội dung của dịch vụ Galaxy Play, việc phát hành phim rạp và OTT cùng lúc là xu hướng không thể tránh khỏi của điện ảnh thế giới dưới tác động của nạn dịch Covid-19.
Đối với Việt Nam, OTT chưa được phát triển mạnh, do vậy, dựa vào ngân sách và quy mô, nhà sản xuất sẽ quyết định một tác phẩm phim có nên phát hành song song tại rạp và OTT không. “Sau thời gian 2 năm dịch bệnh, khán giả Việt Nam cũng dần có thói quen xem VOD nhiều hơn”, bà Vũ Quỳnh Hà nhận xét.
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho rằng việc phát hành phim cùng lúc tại rạp và OTT ở Việt Nam là chưa thực tế, vì mức giá các nhà cung cấp dịch vụ OTT trả cho nhà sản xuất phim còn quá rẻ, không đủ hồi vốn. Nếu phương thức này được áp dụng ở Việt Nam trong thời điểm hiện tại, sẽ không có nhiều người dám đầu tư vào sản xuất phim ảnh.
Theo đạo diễn Charlie Nguyễn, các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam trả giá rất rẻ cho nhà sản xuất.
Hiện tại, chi phí trung bình để sản xuất phim điện ảnh chiếu rạp tại Việt Nam dao động trong khoảng 10-20 tỷ đồng, con số khá thấp so với nền điện ảnh khác tại châu Á. Dịch vụ OTT thường mua các sản phẩm này với giá thấp hơn rất nhiều để trình chiếu trên nền tảng của họ. Thế nên, việc phim ảnh được chiếu rạp để hòa vốn trước khi lên OTT là điều “phải được thực hiện, khó để thay đổi”.
“Nếu so sánh với những gì Disney hay HBO Max đã làm với phim nước ngoài, chúng ta có thể thấy phim Việt có tiềm năng đi theo lộ trình đó đối với nền tảng OTT trong nước. Tuy nhiên, để nhìn nhận rằng phim Việt nên được trình chiếu tại rạp và nền tảng OTT cùng lúc hay không, thì lại phụ thuộc rất nhiều vào mức chi trả của các đơn vị OTT”, theo bà Hằng Trịnh, nhà sản xuất phim kiêm tổng giám đốc hãng phim Skyline.
Mulan thu về 70 triệu USD sau khi phát hành trực tuyến cùng lúc tại rạp, kết quả gây thất vọng so với kinh phí 200 triệu USD Disney bỏ ra để sản xuất bộ phim.
Thách thức với các nhà sản xuất phim
Netflix đã thay đổi cuộc chơi khi đầu tư sản xuất nội dung gốc, kéo các ông lớn OTT chạy vào cuộc đua này. Tuy nhiên, bên cạnh một số series ăn khách, phần lớn phim gốc có chất lượng thấp.
Điều này cũng xảy ra với một số dịch vụ OTT lớn ở Việt Nam, khi các thương hiệu này chi không ít tiền để sản xuất tác phẩm riêng cho nền tảng của mình nhưng nội dung không chất lượng, độ tiếp cận khán giả còn thấp, không đủ sức cạnh tranh với nội dung nước ngoài.
Việc phát hành phim cùng lúc tại rạp và OTT cũng có thể dẫn đến hệ luỵ, như khi các hãng phim chỉ tập trung sản xuất phim cho đủ số lượng phát hành, làm mất đi tính cạnh tranh về chất lượng nội dung, hay khi nhà làm phim trẻ bị cuốn vào việc làm phim theo yêu cầu về số lượng, thay vì tập trung vào sáng tạo. Nếu ngành điện ảnh thương mại quay về thời kỳ “mì ăn liền”, nguy cơ đổ sập là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Diễn viên kiêm nhà sản xuất Anh Dũng, đại diện AD Film, bày tỏ: “Với góc nhìn của một nhà sản xuất, tôi thấy việc sống chung và thích nghi với cách thức mới trong công việc là rất cần thiết. Tất nhiên, bất kỳ nhà sản xuất và nhà đầu tư nào cũng mong muốn mang sản phẩm tốn nhiều công sức, tâm huyết và tiền bạc của mình ra rạp, chứ không chỉ đơn thuần chiếu trên TV và nền tảng online. Khán giả đam mê điện ảnh cũng thích tận hưởng giây phút được xem phim trên màn hình lớn, có hệ thống âm thanh hiện đại, dù các phương thức khác ít nhiều có sự thuận tiện hơn. Nhưng để đảm bảo cả sức khỏe và giá trị tinh thần cho mọi người, phát hành phim ở rạp và OTT cùng lúc có lẽ là phương án thích hợp nhất với tình hình thực tế ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài”.
Trải nghiệm xem phim tại rạp là điều mà OTT khó có thể thay thế được.
Khi được hỏi đến vấn đề này, nhiều chuyên gia làm việc trong ngành điện ảnh cho rằng phim nên được chiếu tại rạp trước khi đưa lên OTT, nhưng với tình hình hiện tại, việc phát hành song song cũng tạo ra nhiều cơ hội và thử thách.
Xét về cơ hội, điều dễ thấy nhất chính là các tác phẩm sẽ nhanh chóng có cơ hội tiếp cận tới khán giả, không cần chờ đến lúc rạp chiếu hoạt động trở lại. Những đề tài gai góc sẽ không mất đi tính thời sự, nhà sản xuất cũng tính toán được việc cắt giảm chi phí, nhanh chóng thu hồi vốn để tiếp tục sản xuất tác phẩm mới, hòa nhập cùng xu thế thế giới.
Tuy nhiên, lượng người dùng của nền tảng OTT còn khá ít, nên doanh thu từ nền tảng này chưa đủ để bù lại cho nhiều chi phí sản xuất phim khác. Nếu phát hành cùng lúc, cả hai phía đều có thể bị ảnh hưởng, do khán giả phim rạp có thể nghĩ rằng phim đã chiếu trên OTT, từ đó không còn nhu cầu ra rạp xem phim. Ngược lại, xem phim rạp vẫn là nhu cầu giải trí truyền thống, trải nghiệm về âm thanh sống động, hình ảnh sắc nét, cảm giác ngồi xem phim tại rạp chiếu là điều OTT khó có thể thay thế được.
Nhưng trên tất cả, người dùng Việt Nam chưa có thói quen trả phí để xem phim có bản quyền, tình hình phim lậu tràn ngập trên mạng cũng làm giảm đi giá trị phim và lợi nhuận – vấn đề gây nhức nhối suốt nhiều năm qua.
Đạo diễn Bảo Nhân cho rằng nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam “vẫn còn non trẻ và yếu ớt”. Theo đạo diễn Bảo Nhân, doanh thu phim thu được khi chiếu rạp vẫn là nguồn thu chính, khán giả theo dõi OTT chịu trả tiền mua phim chưa đủ nhiều để Việt Nam cân nhắc kế hoạch thu lời từ việc chiếu phim trên nền tảng OTT như các hãng phim nước ngoài. Hơn nữa, vấn nạn bản quyền cũng là rào cản khiến nhà sản xuất phim lo lắng khi chiếu phim trên hệ thống OTT.
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan, đại diện HKFilm, tỏ ra quan ngại về vấn nạn bản quyền: “Khi một bộ phim lên OTT, chỉ cần sau một ngày, bản phim rò rỉ với chất lượng HD đã tràn ngập khắp các trang chiếu phim lậu. Việc bảo hộ tác quyền còn hạn chế, rất khó để ngăn cấm hoặc kiểm soát. Tại các vùng xa hơn, khi phim chiếu cùng lúc ngoài rạp và OTT, nhiều quán cà phê hoặc bida có thể cho khách uống nước hay chơi tại quán xem bất cứ lúc nào. Điều này khiến phim mất đi nguồn thu từ nhiều đối tượng khác nhau, vì nhà sản xuất hay phát hành không nhận được gì từ nguồn thu bán hàng của những nơi kể trên”.
Thêm nữa, sau khi kết thúc trình chiếu tại rạp trong nước, những tác phẩm Việt Nam cần có cơ hội tìm đường cất cánh tại thị trường quốc tế. Sẽ không có chuyện Hai Phượng vào top 25 phim ăn khách trong cuối tuần tại Bắc Mỹ, Bố già không trở thành phim Việt có doanh thu hơn một triệu USD khi chiếu rạp tại Mỹ, Lật Mặt: 48h khó có thể tấn công rạp chiếu ở gần 20 tiểu bang tại Mỹ, nếu ngay từ đầu các bộ phim này được phát hành OTT cùng lúc với rạp. Đồng thời, cơ hội vang danh tại thị trường lớn và nhận đầu tư từ nước ngoài cũng có thể bị dập tắt.
Có thể thấy các phòng chiếu trên toàn cầu đã bắt đầu đạt thành công nhất định khi mở cửa lại. Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc nội dung của CJ CGV Việt Nam, nhận định: “Thật ra, do Covid-19, năm 2020 và đầu năm 2021, các studio phải chấp nhận phát hành phim ở rạp cùng lúc với OTT, nhưng từ quý II năm 2021, họ đã chuyển phần lớn bom tấn qua phát hành rạp trước, sau đó mới đến OTT hay SVOD hoặc PVOD”.
Thực tế, các studio nhận ra phần lớn doanh thu đến từ rạp chiếu trong khoảng 38-40 ngày đầu tiên. Vì vậy, một số hãng phim quyết định phát hành online sau khi chiếu rạp ít nhất 45 ngày, trước đây là 3-6 tháng. Việt Nam hiện nay và trong tương lai gần cũng cho thấy kết quả tương tự, với 90% doanh thu phim đến từ rạp chiếu.
“Tôi nghĩ chưa đến lúc phát hành phim trên hai kênh cùng lúc, vì doanh thu tổng chắc chắn không bằng cách làm hiện tại. Tuy nhiên, trong 5-10 năm tới, không ai có thể dự đoán được xu hướng là gì”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét.
Theo Zing