Những người trong cuộc cho rằng khán giả ngày càng khó tính, phim ra rạp không chỉ dựa vào sức hút của thương hiệu mà còn phải bảo đảm chất lượng mới chinh phục được họ
Hiện nay, phim Việt ra rạp khá im ắng, nếu lặng lẽ thì khó thu hồi vốn còn nếu tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt sẽ có cơ hội thắng lớn. Tuy vậy, phim gây tranh cãi cũng chưa chắc gặt hái doanh thu như kỳ vọng.
Chất lượng quyết định
Phim “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ ra rạp chính thức ngày 3-11, trước đó đã có các suất chiếu sớm. Tác phẩm lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái.
Nội dung “Người vợ cuối cùng” khai thác câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Linh (Kaity Nguyễn đóng) và Nhân (Thuận Nguyễn). Linh vì gia cảnh nghèo khó buộc phải làm vợ ba của quan tri huyện, Nhân đau khổ rời làng Cua Ngộp ra đi. Sau 7 năm, Nhân trở về, tình cờ gặp lại Linh và chuyện tình cảm ngày nào lại nhen nhóm rồi bùng lên mạnh mẽ.
Chọn bối cảnh xưa làm nền để xây dựng câu chuyện “Người vợ cuối cùng”, đạo diễn Victor Vũ mong muốn khán giả luôn trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng cũng khuyến khích người xem cùng nhìn lại để đánh giá những quan niệm sai lầm trong quá khứ. Phần lớn khán giả hài lòng về yếu tố phục trang, bối cảnh, diễn xuất của dàn diễn viên trong phim nhưng thất vọng ở kịch bản khi kể câu chuyện tình yêu một cách cũ kỹ, nhàm chán dẫn đến nhạt nhòa, dễ đoán.
Cảnh trong phim “Người vợ cuối cùng”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Theo trang thống kê phòng vé độc lập Box Office Việt Nam, “Người vợ cuối cùng” hiện thu hơn 51 tỉ đồng. Phim này không còn ở vị trí dẫn đầu doanh thu tính theo ngày mà đang bị đẩy xuống thứ ba sau hai phim ngoại “Những kỷ nguyên của Taylor Swift” và “Biệt đội Marvel”.
Trong khi đó, phim “Đất rừng phương Nam” – do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi – hiện thu được hơn 135 tỉ đồng. Phim gây ồn ào thời gian qua ở khâu kịch bản với nhiều chi tiết chưa xử lý khéo léo, thiếu thuyết phục, phải chỉnh sửa.
“Người vợ cuối cùng” và “Đất rừng phương Nam” là hai phim được nhiều khán giả trông chờ bởi ê-kíp thực hiện có thương hiệu. Phim thu hút chú ý ngay từ khi công bố dự án, với xu hướng khai thác văn hóa vùng miền, nét đẹp bản địa, gắn liền câu chuyện lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cùng những tên tuổi như Victor Vũ, Kaity Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Trấn Thành… Tuy vậy, yếu tố quyết định để thu hút khán giả vẫn là chất lượng tác phẩm.
“Những phim được ê-kíp danh tiếng thực hiện có lợi thế truyền thông ban đầu, tạo sự tò mò để khán giả đến rạp nhưng trụ được hay không lại phụ thuộc vào chất lượng tác phẩm. Những phim từ ê-kíp mới đòi hỏi phải nỗ lực gấp nhiều lần nếu muốn có được sự chú ý để xây dựng dần thương hiệu riêng” – đạo diễn Mai Thế Hiệp nhìn nhận.
“Chiêu trò” hết thời
Trước đây, một tác phẩm tạo được độ lan tỏa trên mạng thì dễ dàng có sức hút và thắng đậm doanh thu. Nhiều phim đã làm được điều này như: “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”…
Trong đó, “Nhà bà Nữ” là phim gây nhiều tranh luận trái chiều nhưng doanh thu cũng tăng nhanh chóng. Tác phẩm này đang dẫn đầu danh sách phim Việt ăn khách nhất từ trước tới nay với 475 tỉ đồng. Phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” cũng được nhiều người quan tâm nhờ hoạt động quảng bá dày và mạnh của ê-kíp thực hiện cùng thương hiệu của tác phẩm, gặt hái doanh thu 272 tỉ đồng.
Dẫu vậy, “chiêu trò” này đã lỗi thời khi phim “Đất rừng phương Nam” và trước đó là “Em và Trịnh” gây tranh cãi dữ dội nhưng lại chẳng gặt hái doanh thu như kỳ vọng. “Đất rừng phương Nam” sau những suất chiếu sớm gặt hái hơn 45 tỉ đồng đã sụt giảm doanh thu dần, dù số suất chiếu vẫn lớn. Nguyên nhân là do nhiều khán giả không còn nhu cầu xem phim vì những ý kiến trái chiều, cho rằng phim “lật sử”.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, phim điện ảnh làm ra là để phục vụ khán giả nên dù muốn hay không cũng phải nỗ lực chinh phục họ. Khán giả giờ đã hiểu biết nhiều, không dễ dàng bị chi phối, điều hướng bởi thông tin trên truyền thông hay mạng xã hội.
“Nhà làm phim nhiều kinh nghiệm cũng khó có thể biết được khán giả đang có nhu cầu gì, xu hướng thích gì. Đôi khi tác phẩm chinh phục được 99% nhưng chỉ 1% không nhận được sự thiện cảm của khán giả cũng khó duy trì được sức mua ở phòng vé” – bà Liên nhận định.
Theo các nhà chuyên môn, nhiều khán giả Việt Nam rất quan tâm đến các yếu tố văn hóa, lịch sử của điện ảnh – không như khán giả phương Tây vốn cởi mở và chấp nhận các yếu tố giải trí, thương mại. Những tranh cãi gần đây cũng là bài học cho các nhà làm phim rút kinh nghiệm và sáng tạo trong giới hạn, khuôn khổ.
Theo Người Lao Động