Không ít phim truyền hình Việt được phát sóng thời gian qua bị khán giả phàn nàn vì quảng cáo dày đặc. Tuy nhiên, nếu không có quảng cáo, không dễ gì có được các bộ phim truyền hình hấp dẫn. Làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên?
Tụt cảm xúc vì quảng cáo
Hai bộ phim truyền hình Việt được phát sóng trong khung giờ vàng của VTV hiện nay là “Trạm cứu hộ trái tim” và “Mình yêu nhau bình yên thôi” đang gây được sự chú ý của người xem bởi nhiều tình tiết hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít khán giả cũng phàn nàn vì cách chèn quảng cáo vào phim.
Một phân cảnh quảng cáo được cho là kém duyên trong phim “Chúng ta của 8 năm sau”.
“Trạm cứu hộ trái tim” có thời lượng 45 phút, xen giữa nội dung có 2 lần quảng cáo với tổng thời lượng từ 2-3 phút. Đáng nói, các đoạn quảng cáo luôn được chèn khi phim đang diễn ra tình tiết gay cấn, khiến người xem dễ bị tụt cảm xúc.
Chẳng hạn ở tập 12, ông Trường (NSƯT Phạm Cường) vừa tỉnh lại sau cơn hôn mê đã ngay lập tức tìm người gọi con gái Ngân Hà (Hồng Diễm) để cảnh cáo về bộ mặt thật của con rể. Nhưng người xem chưa kịp biết ông nói gì thì quảng cáo kéo dài hơn 1 phút đã được chèn vào.
Hay như trong tập 15, khi khán giả đang hoang mang lo lắng vì Ngân Hà có thể làm điều dại dột sau cú sốc quá lớn mà chồng gây ra với gia đình, quảng cáo lại tiếp tục chen ngang.
Bộ phim “Mình yêu nhau bình yên thôi” dù chỉ có thời lượng 20 phút nhưng trước khi xem phim khán giả phải xem 18 giây quảng cáo. Chưa kể đến việc nhiều khán giả bị giật mình vì âm thanh của các đoạn quảng cáo đột ngột tăng lên.
Nhiều người chia sẻ, sau những phút quảng cáo, cảm xúc của họ tụt hẳn, bộ phim cũng vì thế mà giảm sự lôi cuốn.
Nhiều quảng cáo kém duyên
Điều đáng nói là tình trạng nêu trên chưa khiến khán giả bất bình bằng việc quảng cáo được lồng ghép quá nhiều và kém duyên trong các bộ phim trước đó như :”Chúng ta của 8 năm sau”, “Hướng dương ngược nắng”. Một số tập phim “Chúng ta của 8 năm sau” thậm chí có thời lượng quảng cáo chen giữa nội dung lên tới 6-8 phút.
Ngoài ra, sản phẩm mì tôm và bánh mì được lồng ghép kém duyên và vô lý đến mức khiến người xem khó chịu. Nhân vật Dương (Huyền Lizzie) dù đang gặp phải chuyện không vui nhưng vẫn có thể thao thao bất tuyệt về công năng của một sản phẩm bánh hay vui vẻ ăn mì rất ngon lành. Phim “Hướng dương ngược nắng” cũng từng bị nhiều khán giả phàn nàn vì sản phẩm bánh, thuốc ho… được đưa vào phim theo cách khá gượng ép.
Còn phim “Lỡ hẹn với ngày xanh” phát sóng 20h30 trên VTV1 có thời lượng quảng cáo trước khi phát sóng là 47 giây. Với giá hơn 40 triệu đồng cho 15 giây, chưa cần chiếu phim, nhà đài đã thu về hơn 120 triệu tiền quảng cáo.
Nếu so sánh với hai bộ phim giờ vàng bom tấn với mức rating khủng “Sống chung với mẹ chồng” (phát trên VTV1) có giá quảng cáo đỉnh điểm là 180 triệu/30s, trong khi đó “Người phán xử” (phát trên VTV3) là 220 triệu/30s thì thời lượng quảng cáo của các phim giờ vàng hiện nay đã có phần được rút ngắn đi hơn. Một phần do các phim giờ vàng hiện nay có mức rating không cao như trước.
Quảng cáo văn minh là tôn trọng khán giả
Thực tế, việc các nhãn hàng tài trợ cho phim ảnh là điều bình thường. Bởi xã hội hóa là hướng đi mà các nhà làm phim đang lựa chọn để có thêm chi phí đầu tư, nhất là phim dài tập.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, việc bắt tay giữa các doanh nghiệp và nhà làm phim đem lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quảng cáo được đưa vào phim một cách bất chấp. Để tôn trọng khán giả, lời thoại hay cảnh phim dành cho quảng cáo cần được đầu tư và biên tập kỹ lưỡng. Một khi khán giả cảm thấy khó chịu và không được tôn trọng, họ sẽ dễ dàng quay lưng.
“Cần có quy định cụ thể để hài hòa các bên và cả khán giả. Cuối cùng, khán giả vẫn là đối tượng mà tất cả đều hướng đến”, luật sư nói.
Trước việc Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến để sửa đổi, luật sư cho rằng, cần quy định cụ thể hơn để ràng buộc trách nhiệm. Chẳng hạn, các chương trình nghệ thuật, nội dung quảng cáo cần được sự đồng ý của nhà sản xuất, đạo diễn. Như vậy mới là tôn trọng quyền tác giả, tránh gây ức chế cho khán giả. “Một bộ phim 45 phút mà quảng cáo kéo dài 10 phút thì là quá dài”, luật sư góp ý.
Trong khi đó, bà Phạm Kim Dung, CEO của Sen Vàng, đối tác sản xuất nhiều phim giờ vàng, các chương trình văn hóa nghệ thuật cho nhiều nhà đài chia sẻ: “Việc quảng cáo xen ở giữa các tập là do nhà đài sắp xếp, đơn vị sản xuất sẽ không can thiệp. Một số đơn vị cũng sẽ được can thiệp nếu như có ký thỏa thuận ăn chia quảng cáo với nhà đài. Hiện tại, các phim của Sen Vàng sản xuất đều có 2 cut quảng cáo và mỗi cut không đủ 5 phút, như vậy vẫn nằm trong quy định của Luật Quảng cáo”.
Góp ý về sửa đổi Luật Quảng cáo, bà Dung cho rằng, cần mở rộng thời gian hơn nữa cho quảng cáo, bởi phần lớn cơ quan báo chí truyền hình hiện nay đều tự chủ thu chi. Nguồn quảng cáo chính là nguồn sống của truyền hình.
“Điều 22, khoản 4, Luật Quảng cáo cũ trước đây chưa được chi tiết. Tuy nhiên, dự thảo mới đã chi tiết và rõ ràng hơn. Thay đổi này phần nào chia sẻ được gánh nặng kinh tế với báo chí, nhất là các đài truyền hình và các nhà sản xuất”, bà Dung nói.
Hiện nay, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ VH, TT&DL lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân từ ngày 1/3 – 1/5.
Trong những chính sách lớn đưa vào hồ sơ sửa đổi bổ sung, có nội dung về giới hạn về thời lượng quảng cáo trên chương trình truyền hình. Cụ thể, mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút.
Việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lồng ghép trong phim truyện phải tuân thủ các quy định về yêu cầu, điều kiện quảng cáo và đảm bảo cung cấp đầy đủ nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Theo báo Giao Thông