Với ‘Quỷ cái’, sự bất lực của biên kịch thể hiện trong việc không thể tìm ra hướng đi mới cho thể loại kinh dị Thái đang dần đi vào lối mòn.
Genre: Kinh dị
Director: Artistaya & Theerakhaha Arriyawongsa
Cast: Anchalee Saisoontorn, Latkamon Pinrojnkirati…
Rating: 3/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Mở màn mùa phim hè 2024, rạp Việt chứng kiến sự đổ bộ của nhiều phim ngoại, với thể loại kinh dị chiếm ưu thế. Quỷ cái là một trong 4 tác phẩm vừa được trình làng. Đây là dự án tới từ Thái Lan – một “cường quốc phim kinh dị” tại châu Á.
Trước đó, nền điện ảnh xứ chùa Vàng luôn có mị lực lớn với khán giả, nhờ việc tạo nên những câu chuyện rùng rợn khiêu khích trí tò mò và bản năng khám phá. Bên cạnh đó còn là sự khôn khéo kết hợp chất liệu văn hóa, tâm linh, dẫn người xem vào một hành trình đầy rẫy bí ẩn khó thể lường trước.
Đó là những điều mà Quỷ cái không làm được. Tác phẩm nối dài chuỗi phim kinh dị Thái chất lượng kém, mờ nhạt trong khoảng thời gian gần đây, bên cạnh Trò chơi chết chóc hay Đền mạng…
Kịch bản nhảm, yếu tố kinh dị cũ kỹ
Quỷ cái (tựa tiếng Anh: The Elite of Devils) do bộ đôi Artistaya và Theerakhaha Arriyawongsa đạo diễn.
Chuyện phim theo chân 5 sinh viên đại học cá biệt. Vì quậy phá và có hành vi gian lận trong kỳ thi, cả nhóm bị yêu cầu phải làm lại bài nghiên cứu. Theo sự chỉ định của giáo sư, họ đặt chân đến dinh thự cổ thuộc sở hữu của dòng tộc danh giá ML.Salukjit. Tại đây, 5 thanh niên ngỗ nghịch này phải đối mặt với một thế lực ma quỷ. Đó cũng là khi cơn ác mộng lớn nhất cuộc đời họ ập đến.
Thời lượng bản chiếu rạp tại Việt Nam là 90 phút, dường như đã bị cắt giảm so với phiên bản gốc (108 phút). Vì lẽ đó, câu chuyện Quỷ cái đứt đoạn, thường xuyên bị ngắt quãng một cách khó hiểu.
Bộ phim cũ kỹ từ câu chuyện tới chất liệu.
Phim mở màn rối rắm với nhiều chuyển cảnh kém duyên, thiếu sự liên kết. Từ thước phim chàng trai ngồi chơi piano, hay cặp đôi trai gái thân mật bàn về bữa tiệc ven hồ, cho đến cảnh anh chàng đang ghi hình một bức tranh kỳ lạ… Khó lòng hiểu được điều mà đạo diễn muốn truyền tải, khi những thước phim được chắp vá tùy tiện và bừa bãi, vừa thiếu nội dung lại chẳng thể hiện chút giá trị nghệ thuật.
Sau màn “lạc đề” đáng quên, Quỷ cái tiếp tục dẫn người xem vào mạch chuyện chính một cách rập khuôn: nhóm người đến ngôi nhà hoang với lý do ngớ ngẩn, phát hiện những thứ kỳ dị và bắt đầu hành xử đầy mâu thuẫn như những kẻ mất trí.
Từ màu sắc, cách dàn dựng cho đến bối cảnh đều cho thấy Quỷ cái quá cũ kỹ, tựa như những bộ phim kinh dị của nhiều thập kỷ trước. Cốt truyện khá mỏng, cùng những sắp đặt tình tiết vô lý thách thức sự kiên nhẫn của khán giả, từ giây phút đầu tiên nhóm bạn đặt chân đến ngôi nhà cho tới lúc loạt bi kịch xảy ra. Khó thể coi đây là một tác phẩm điện ảnh hoàn thiện, vì những lỗ hổng lớn trong kịch bản lẫn đường dây kể chuyện.
Chi tiết về quá khứ phản diện với bức tranh chân dung dính lời nguyền có nhiều điểm tương đồng với bộ phim kinh dị Mười của Việt Nam – ra mắt năm 2007. Ngoài ra, yếu tố đạo giáo được đề cập nhưng lại chỉ được tiếp cận một cách sơ sài.
Ngay cả cách biên kịch xây dựng và khai thác tâm lý nhân vật cũng khá ngô nghê. Từ tuyến chính diện cho tới thế lực phản diện đều thiếu động cơ hoàn chỉnh và thuyết phục. Hành trình của các nhân vật nhạt nhòa vì bị mắc kẹt giữa mớ tình tiết hỗn độn.
Có câu chuyện ngụ ngôn về con lừa chết đói giữa hai bó cỏ do không biết chọn bó nào ngon hơn. Biên kịch của Quỷ cái cũng thất bại vì không thể xác định trọng tâm câu chuyện ngồn ngộn tình tiết dàn trải, thừa thãi.
Thoại phim cũng dông dài và sáo rỗng đến kỳ lạ. Đứng trước rắc rối, thậm chí là tình huống liên quan đến an nguy của bản thân, các nhân vật chẳng biết làm gì ngoài lời qua tiếng lại và la hét.
Diễn xuất “giả trân” của dàn cast khó lòng thuyết phục người xem.
Bàn về chất liệu kinh dị, Quỷ cái tiếp tục gây thất vọng khi không thể làm người xem sợ hãi trong bất kỳ tình huống nào. Mọi thứ diễn ra quá dễ đoán, với những màn jump-scare cũ kỹ, lặp đi lặp lại. Phim cố gắng sử dụng bóng tối tạo sự hồi hộp cho người xem, song cách làm này cũng chẳng mấy hiệu quả.
Kinh dị Thái Lan ngày càng nhàm chán
Với Quỷ cái, sự bất lực của biên kịch thể hiện trong việc không thể tìm ra hướng đi mới cho thể loại kinh dị đã đi vào lối mòn. Khi chất xám cạn kiệt, các nhà làm phim chọn cách tái chế chất liệu cũ, xào nấu lại những công thức từng thành công trước đó và mong chờ người xem “cắn câu”. Song, thực tế là khán giả bây giờ chẳng còn thấy ám ảnh, thấy sợ.
Xét trên góc độ nào đó, các nhà làm phim đang “móc ví” người xem khi làm ra những phim kinh dị không thể làm họ giật mình, hay thậm chí ám ảnh ngay cả khi đã bước chân ra khỏi rạp.
Điện ảnh Thái Lan khoảng thời gian gần đây vẫn có những bom tấn kinh dị, điển hình là Tae Yod: Quỷ ăn tạng ra mắt cuối năm ngoái. Song, thành công thương mại không đồng nghĩa với chất lượng xuất sắc. Dù có những yếu tố hấp dẫn nhất định, Tae Yod: Quỷ ăn tạng vẫn bị nhận xét ít sáng tạo, lặp lại những công thức mà dòng phim kinh dị xứ chùa Vàng sử dụng suốt hàng chục năm nay.
Kinh dị Thái Lan giờ đây không còn là món ăn tinh thần quá hấp dẫn với khán giả Việt, hay kể cả khán giả nội địa như trước.
Những cảnh quay tối tăm của Quỷ cái.
Ngoài Tae Yod: Quỷ ăn tạng có chất lượng ổn, phim kinh dị Thái Lan khoảng thời gian gần đây thương xuyên gây thất vọng vì kịch bản tẻ nhạt, rập khuôn trong khi chuyện phim đầy lỗ hổng và rời rạc. Bối cảnh hoang vu, nhân vật ngô nghê với những màn diễn xuất lên đồng, kết hợp cùng âm thanh chát chúa và ánh sáng “lúc có lúc không” dường như đã trở thành công thức.
Và dĩ nhiên, khán giả không còn thấy sợ, cũng chẳng thấy được tôn trọng khi biên kịch dường như muốn “kéo IQ người xem về con số âm” bằng những tình tiết vô lý, sắp đặt quá mức.
Không riêng thể loại kinh dị, dòng phim thương mại xứ sở chùa Vàng ngày càng mất điểm trong mắt khán giả. Tại Hội nghị lãnh đạo điện ảnh Đông Nam Á thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (HIFF 2024) vừa qua, chuyên gia Raymond Phathanavirangoon chia sẻ rằng điện ảnh Thái đang lặp lại những công thức buồn tẻ, không có gì mới mẻ. Ấn tượng về phim bản địa cũng vì thế mà ngày càng tệ trong mắt người xem.
Đó cũng là bài học cho những nhà làm phim Việt, trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh còn thượng đế cũng ngày càng khó tính.
Theo ZNews