Sau thành tích vang dội của phim Mai dịp đầu năm 2024, phòng vé Việt rơi vào cảnh thua lỗ chồng chất. Có tác phẩm đạt doanh thu kỷ lục trăm tỷ nhưng rất nhiều dự án ‘chết yểu’ là điều dễ nhận thấy ở trị trường điện ảnh lúc này.
LTS: Thành công của Trấn Thành, Lý Hải với những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ là điều hiếm hoi bởi đa số các phim Việt ra rạp lâm cảnh lỗ nặng. Sau phim doanh thu 550 tỷ ‘Mai’ của Trấn Thành, điện ảnh Việt lại ế ẩm cho tới khi ‘Lật mặt 7’ của Lý Hải xuất hiện. VietNamNet thực hiện loạt bài phân tích về sự thất bại của hàng loạt phim Việt, lý do thua lỗ cũng như hướng đi cho các bộ phim này khi nhận kết cục bi thảm ngoài rạp chiếu.
Sau ‘Mai’ của Trấn Thành, phim Việt lâm cảnh ế ẩm
Thị trường điện ảnh Việt mở màn đầu năm 2024 sôi nổi với tổng doanh thu 650 tỷ đồng. Trong đó, phim Mai của Trấn Thành tiếp tục phá kỷ lục phòng vé với hơn 550 tỷ đồng, Gặp lại chị bầu của Nhất Trung cán mốc gần 93 tỷ đồng (theo số liệu của Box Office Vietnam).
Sau ‘Mai’, điện ảnh Việt liên tiếp thất thu.
Nối tiếp thành công của Mai, điện ảnh Việt trong 4 tháng qua có vài cái tên nhập cuộc. Thế nhưng điều đáng buồn là tất cả các dự án đều rơi cảnh ế ẩm, đa số đều phải rút khỏi rạp với tình trạng thua lỗ nặng.
Mới đây nhất, phim Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền chỉ thu 394 triệu đồng sau gần 2 tuần ra rạp. Theo nhà sản xuất, dự án cần thu hàng trăm tỷ đồng mới hòa vốn vì chi phí đầu tư, sản xuất rất tốn kém. Với đà doanh thu hiện nay, khả năng lớn phim phải rời rạp trước dịp lễ 30/4, đồng thời bị ghi nhận là tác phẩm lỗ nặng bậc nhất lịch sử rạp Việt.
Quý cô thừa kế 2 – tác phẩm do vợ chồng diễn viên Trang Nhung, đạo diễn Hoàng Duy thực hiện – rời rạp khi chỉ thu được hơn 6 tỷ đồng. Đại diện nhà sản xuất cho biết phim cần phải đạt 40 tỷ đồng mới hòa vốn.
Sáng đèn – phim về cải lương xưa lâm tình cảnh ế ẩm tương tự. Dù nỗ lực trở lại rạp, tác phẩm của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng (tính cả 2 thời điểm công chiếu).
Tương tự, Trà – tác phẩm 18+ đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lê Hoàng chỉ thu 1,6 tỷ đồng. Phim buộc phải rời rạp sau vài ngày khởi chiếu dịp Tết 2024 và không có kế hoạch phát hành tiếp theo.
Phim ‘Cái giá của hạnh phúc’ đạt doanh thu hơn 20 tỷ sau 1 tuần công chiếu vẫn không tránh khỏi thua lỗ.
Từ giữa tháng 4, phòng vé Việt có thêm 2 tác phẩm mới Cái giá của hạnh phúc và B4S – Trước giờ yêu. Cả hai dự án khai thác đề tài trái ngược, một bên là drama gia đình, tiểu tam, phía còn lại hướng đến chủ đề tình yêu, tình dục của giới trẻ. Tuy nhiên, 2 tác phẩm đều ra quân tuần đầu tiên thấp hơn kỳ vọng và chưa vực dậy được loạt thất bại phòng vé của phim Việt thời gian qua.
Đến thời điểm hiện tại, các tác phẩm sau Mai đều rơi vào tình trạng thua lỗ. Vài chục tỷ đồng thất thu là con số đáng buồn với chính nhà làm phim khi phải chịu cảnh thất bại ngay trên chính sân nhà.
Điều này đặt ra dấu chấm hỏi cho chính các đạo diễn, nhà sản xuất tìm lời giải trong việc lựa chọn dự án xứng đáng, có chất lượng để đầu tư công sức, kinh tế và thuyết phục được công chúng ra rạp.
Muôn vàn lý do phim thua lỗ
Một tác phẩm ra rạp bên cạnh chất lượng đủ tốt cần có sự cộng hưởng từ yếu tố bên ngoài, đặc biệt là thời điểm phát hành. Việc chọn đúng mốc thời gian công chiếu hợp lý, không chịu sức ép cạnh tranh của đối thủ trong và ngoài nước góp phần giúp phim đảm bảo phần nào doanh thu.
Giới làm nghề có nhiều ý kiến khác nhau để giải thích cho thực trạng thua lỗ. Bối cảnh phát hành không thuận lợi gặp nhiều đối thủ cũng là lý do khiến vài phim “chết yểu”.
Phim ngoại tiếp tục đạt doanh thu ‘khủng’ bất chấp thị trường Việt ế ẩm.
3 tháng qua là thời điểm rạp Việt chứng kiến sự đổ bộ của các dự án quốc tế đa dạng thể loại. Bom tấn này đều có mức doanh thu cao: Quật mộ trùng ma (211 tỷ đồng), Godzilla x Kong: Đế chế mới (135 tỷ đồng), Kung Fu Panda 4 (134 tỷ đồng).
Sức ép từ phim ngoại là điều dễ nhận thấy khi được phát hành cùng thời điểm phim Việt. Chính tên tuổi dự án đến từ các “ông lớn”, cộng hiệu ứng tích cực trước đó khi ra mắt ở nước ngoài là điểm thu hút sự tò mò của khán giả trong nước.
Tùng Leo – đạo diễn B4S – Trước giờ yêu nói với VietNamNet một tác phẩm thành hay bại phụ thuộc lớn vào chiến lược truyền thông, quảng bá.
“Doanh thu là câu chuyện rất khó nói. Dựa vào doanh thu chúng ta không thể nhận định bộ phim chất lượng hay không, chỉ có thể nói được rằng chất lượng marketing tốt tới đâu thôi.
Tôi có nhiều người bạn bảo rằng lúc đầu không có ý định xem phim, sau đó bị tác động bởi một số bài đăng nội dung: Phim tốt, hấp dẫn, hay lắm… thế là họ tò mò ra rạp. Còn khi phim đi qua giai đoạn đầu, khán giả tự trải nghiệm thì đó mới là feedback (phản hồi) thật”, anh nêu quan điểm.
Mai Thu Huyền nói phim mình thua do ‘bị chèn ép suất chiếu’.
Mặt khác, một vài đạo diễn, nhà sản xuất lý giải phim thua lỗ vì bị chèn ép suất chiếu. Đạo diễn Mai Thu Huyền cho rằng các phim bị lệ thuộc vào nhà phát hành nước ngoài như CGV, Lotte – đang nắm giữ gần hết thị trường rạp Việt.
Với tác phẩm vừa phát hành, Mai Thu Huyền khẳng định bị đối xử bất công, ép suất chiếu chỉ 1-2 suất mỗi rạp, giờ chiếu xấu vào sáng hoặc tối muộn làm công chúng khó tiếp cận. Trước đó, nhà sản xuất Võ sinh đại chiến có bài tố tương tự với nhà phát hành khi phim gặp thất bại.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam phản hồi tất cả nhà rạp luôn có quy tắc xếp xuất chiếu rõ ràng dựa theo nhu cầu thực tế của khán giả. Doanh thu bán vé trước là một trong vài cơ sở để rạp xếp suất chiếu. Sau khi phim ra rạp chính thức, dựa vào sức mua, rạp tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Đừng đổ lỗi, hãy tìm nguyên nhân!
Thực tế, trong 4 năm gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp phim đạt doanh thu kỷ lục và cũng có không ít tác phẩm “chạm đáy”.
Một chuyên gia cho rằng chính sự phân hóa rõ rệt về bức tranh doanh thu, chất lượng là điều các nhà làm phim phải có sự cân nhắc, rút kinh nghiệm nếu muốn theo đuổi giấc mơ làm phim lâu dài, thay vì chọn cách đổ lỗi mà không nhìn lại mình.
Dù nhiều nỗ lực, các tác phẩm vẫn còn nhiều lỗi, đặc biệt là kịch bản.
Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm nhận định ở dòng phim giải trí chất lượng chưa cao, chưa kể nhiều tác phẩm quá cũ kỹ, nhạt nhẽo và thảm họa đã làm định kiến của khán giả dành cho phim Việt vẫn còn nặng nề khiến hàng chục tác phẩm bị thua lỗ bên cạnh số ít dự án thành công.
Sau dịch Covid-19, thói quen thưởng thức của công chúng ít nhiều thay đổi. Họ quan tâm chất lượng nội dung hơn, có sự chọn lọc kỹ càng trước khi bỏ tiền ra rạp. Đối với tác phẩm chất lượng, người xem sẵn sàng ủng hộ và ngược lại, với phim dở họ sẵn sàng đăng bài chê bai.
Trong các buổi tọa đàm về điện ảnh Việt, câu chuyện kịch bản luôn được mang ra bàn tán. Giới chuyên môn cho rằng nội dung là yếu tố tiên quyết quyết định thắng thua của một bộ phim. Đây đồng thời là điểm chí tử khiến phần lớn tác phẩm “ngã ngựa” vì thiếu câu chuyện hay, hấp dẫn, đủ sức kéo chân khán giả.
Đơn cử, phim Đóa hoa mong manh dù được PR rầm rộ đầu tư, quay hình 100% ở Mỹ song kịch bản nhạt nhẽo, khó tạo sự đồng cảm; Cái giá của hạnh phúc có nhiều tình tiết phi logic, ôm đồm thông điệp, thiếu độ sâu cần thiết; B4S – Trước giờ yêu có đề tài mới mẻ, khai thác đa tuyến nhân vật nhưng không tạo được liên kết nên câu chuyện được kể trở nên rời rạc, vụn vặt.
Hai đạo diễn Hoàng Tuấn Cường (Sáng đèn), Hoàng Duy (Quý cô thừa kế 2) cũng thừa nhận kịch bản, diễn xuất lẫn bối cảnh là điều hạn chế khiến phim không tới được số đông đại chúng.
‘Lật mặt 7’ của Lý Hải được kỳ vọng sẽ vực dậy phòng vé Việt.
Mọi hy vọng cho điện ảnh Việt dịp hè dồn hết vào Lật mặt 7 của Lý Hải. Phim được dự đoán sẽ tạo cú nổ lớn cho phòng vé, sau thành tích Mai của Trấn Thành dịp đầu năm.
Dẫu vậy, nhiều người lại băn khoăn thị trường hiện nay phải chăng chỉ có Trấn Thành và Lý Hải đủ sức chinh chiến? Việt Nam có lẽ cần nhiều hơn nữa những thương hiệu riêng như 2 nghệ sĩ này để giúp thị trường phát triển toàn diện, thay vì le lói 1-2 tia sáng rồi vụt tắt như thời gian qua.
Theo Vietnamnet