Dù là những gương mặt nổi tiếng trong dàn nữ chính điện ảnh năm qua, cả hai không được gọi tên ở giải Cánh diều. Kết quả thuộc về một diễn viên còn xa lạ với vai người điên.
So với mùa giải tiền nhiệm, hạng mục Nữ chính xuất sắc của Cánh diều lần thứ 19 có vẻ đa dạng hơn hẳn. Các gương mặt được đề cử đại diện cho 3 tác phẩm thuộc 3 dòng phim riêng biệt, thế nên phong cách cũng hoàn toàn khác nhau.
Hình ảnh trong phim Chìa khóa trăm tỷ.
Thu Trang gây ấn tượng bằng kinh nghiệm diễn xuất và khả năng đóng rom-com (hài, lãng mạn) trong phim chiếu tết Chìa khóa trăm tỷ. Nhã Uyên khiến Hội Điện ảnh Việt Nam chú ý với lối diễn giàu chiều sâu, nặng về kịch tính trong phim độc lập Đêm tối rực rỡ.
Đáng khen là sao nhí Chu Diệp Anh – nổi tiếng với Hướng dương ngược nắng, Thương ngày nắng về,… Không chỉ đối đầu hai “đàn chị” lớn hơn mình nhiều tuổi, diễn viên sinh năm 2011 còn là nhân tố quan trọng, góp phần làm nên thành công của Maika – Cô bé đến từ hành tinh khác – thuộc thể loại khoa học viễn tưởng / thiếu nhi.
Ba vai diễn, ba sắc màu
Trong Chìa khóa trăm tỷ, Thu Trang hóa thân Mai, một phụ nữ sinh sống bằng nghề lái taxi, vẫn độc thân dù hơi lớn tuổi. Một lần, cô vô tình giúp đỡ Thạch (Kiều Minh Tuấn) – sát thủ khét tiếng ở thế giới ngầm – khi anh gặp tai nạn và mất trí nhớ. Sau khi đưa Thạch vào bệnh viện, Mai dần trở thành người quan trọng, giúp đỡ anh trong suốt hành trình tìm lại ký ức.
Phim do Lê Thanh Hòa đạo diễn, làm lại (remake) từ tác phẩm Key of Life (2012) nổi tiếng của Nhật, từng được ê-kíp Hàn dựng bản năm 2016 với tên Luck-Key – có sự tham gia của tài tử Yoo Hae Jin và nữ diễn viên Jo Yoon Hee.
Vì thế, thuận lợi của Thu Trang là có thể học hỏi từ hai phiên bản trước, từ đó tìm ra cách xử lý riêng. Hơn nữa, ê-kíp cũng là những gương mặt quen thuộc cô từng cộng tác nhiều lần. Điển hình như nam chính Kiều Minh Tuấn. Theo chia sẻ của “hoa hậu làng hài”, đây là lần hợp tác thứ 9 của cả hai trên màn ảnh.
Trong Chìa khóa trăm tỷ, Thu Trang vẫn thể hiện được lối diễn duyên dáng và hài hước. Đây là lần đầu tiên cô đóng cặp với Kiều Minh Tuấn sau nhiều lần hợp tác ở các dự án khác.
Với kinh nghiệm lâu năm, Thu Trang không gặp khó khăn khi thể hiện nhân vật. Bằng diễn xuất duyên dáng, cô mang lại nhiều tiếng cười cho người xem. Bất lợi duy nhất là vai diễn vẫn còn nhẹ đô, đôi lúc tạo cảm giác quá dễ dàng so với khả năng diễn viên.
Trong khi đó, Đêm tối rực rỡ (Aaron Robert Toronto đạo diễn) xoay quanh đêm tang gia của một gia đình ở miền Nam. Kịch bản khai thác mâu thuẫn giữa các thế hệ để cài cắm thông điệp về bạo lực gia đình, vai trò tình thân,…
Xuất hiện ngay từ những phút đầu, Nhã Uyên vào vai Uyên – người từng bỏ nhà và vừa trở về giữa đêm để dự một đám tang. Cô gặp lại cha mẹ cùng người thân nhưng liên tục xảy ra nhiều mâu thuẫn. Lúc này, nhân vật dần lật mở nỗi đau tinh thần, khơi gợi bí mật về quá khứ trong đó có việc bị bạo hành từ nhỏ.
Với Đêm Tối Rực Rỡ, Nhã Uyên cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: Đóng chính, biên kịch kiêm nhà sản xuất. Giống Thu Trang, cô có thuận lợi khi được làm việc cùng chồng – đạo diễn Toronto. Điều bất ngờ là nữ diễn viên lại đang mang bầu 8 tháng khi phim bấm máy.
Trong phim, Nhã Uyên đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cách cô dẫn dắt cảm xúc hệt tàu lượn, chạy thật chậm lên đỉnh để rồi tụt dốc với tốc độ chóng mặt.
Một trong những cảnh ấn tượng nhất phim là khi nhân vật ngồi khóc một mình giữa ban công. Cô liên tục hủy hoại bản thân bằng cách tự vả vào mặt vào đầu, thậm chí dùng dao rạch tay đến chảy máu.
Lúc này, Nhã Uyên thực sự bộc lộ kỹ năng diễn xuất tốt cùng mức độ thấu hiểu nhân vật tài tình mà không phải ai cũng có. Cô không ngừng khiến người xem phải bứt rứt trước nỗi đau của Uyên – một phụ nữ có nội tâm phức tạp, luôn tạo lớp vỏ mạnh mẽ nhưng tận sâu bên trong cũng chỉ là một con người yếu đuối.
Chính vì thế, Nhã Uyên dễ dàng chiếm trọn tình cảm của khán giả lẫn ban giám khảo Cánh diều dù là gương mặt lạ, chưa nổi tiếng.
Diễn xuất của Nhã Uyên trong Đêm tối rực rỡ được đánh giá cao, là yếu tố làm nên thành công của tác phẩm.
So với Thu Trang và Nhã Uyên, sao nhí Chu Diệp Anh hoàn toàn lép vế với vai chính trong phim Hàm Trần đạo diễn. Là nhân vật chính nhưng cô bé có thời lượng xuất hiện còn ít hơn bạn diễn Lại Trường Phú – thắng giải Nam chính xuất sắc tại Cánh diều.
Hơn nữa, Maika được xây dựng như một cô gái ngoài hành tinh, chưa có nhiều kinh nghiệm sống tại Trái Đất nên khả năng bộc lộ cảm xúc cũng kém linh hoạt.
Maika mang đến tiếng cười ở những khoảnh khắc đầu khi mới xuất hiện. Đáng tiếc, sau đó kịch bản không tạo nhiều cơ hội để sao nhí biến hóa hơn. Nhân vật còn hơi một màu, chỉ là bàn đạp để đạo diễn đẩy mạnh vai chính của Lại Trường Phú.
Về cơ bản, Chu Diệp Anh thể hiện tròn vai nhưng chưa đủ xuất sắc để đánh bật hai đối thủ Thu Trang, Nhã Uyên. Song, việc cô bé xuất hiện trong danh sách đề cử cũng là một thành tích ấn tượng. Bởi lẽ cô phải vượt qua nhiều gương mặt nổi tiếng khác như Minh Hằng, Bảo Anh (phim Bẫy Ngọt Ngào), Oanh Kiều (phim Người lắng nghe), Diệu Nhi (phim Bóng đè),…
Phim Việt năm qua ít vai nữ ấn tượng
Năm nay, điện ảnh Việt chưa thực sự hồi sức sau những ảnh hưởng của Covid-19. Thị trường tương đối ảm đạm, mỗi tháng có lác đác một vài tác phẩm ra rạp nhưng không phải dự án nào cũng thành công.
Kịch bản cũ kỹ, nhiều lỗi là một trong những lý do khán giả dần quay lưng với phim nội địa. Đó cũng là yếu tố khiến năm nay điện ảnh Việt không có những vai nữ hay để gây ấn tượng.
Ra mắt dịp Tết, 1990 (Nhất Trung đạo diễn) quy tụ bộ ba nữ chính Lan Ngọc, Nhã Phương và Diễm My 9X, đều là những gương mặt được khán giả yêu thích. Thế nhưng, khi ra mắt phim lại bị chê nhiều hơn khen. Phần lớn đánh giá thấp kịch bản quen thuộc, mô-típ gợi nhớ phim truyền hình Ba mươi chưa phải là hết của Trung Quốc. Chưa kể, diễn xuất của các ngôi sao không giúp phim tốt hơn mà còn gây thất vọng vì kéo chất lượng đi xuống.
Là một trong những dự án được đầu tư nhất năm nay, Em và Trịnh (Phan Gia Nhật Linh đạo diễn) thu hút khá nhiều diễn viên nữ vào vai các “nàng thơ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng với một phần kịch bản dàn trải, phim gần như không có nữ chính. Ngay cả nhân vật quan trọng là Dao Ánh lúc trẻ (Hoàng Hà) cũng mờ nhạt, không có nhiều cá tính.
Các nhân vật nữ trong Em và Trịnh được khai thác hời hợt, thiếu chiều sâu.
Một số trường hợp diễn viên đóng tốt nhưng kịch bản tệ khiến họ không có đất thể hiện. Điển hình là Phương Anh Đào với vai chính trong Vô diện sát nhân (Đinh Công Hiếu đạo diễn). Xem phim, khán giả không khó nhận ra nhiều đoạn diễn viên phải “gồng” mình theo kịch bản phi lý.
Tương tự, Oanh Kiều duy trì cảm xúc nhân vật khá tốt trong Người lắng nghe (Khoa Nguyễn đạo diễn). Nhưng cô cũng không cứu nổi kịch bản tệ, cách khai thác nhân vật nghèo nàn và cũ kỹ, cách làm phim còn thiếu sót.
Một dự án cũng khá tôn phái nữ là Bẫy ngọt ngào – Đinh Hà Uyên Thư đạo diễn. Pha trộn yếu tố chick-flick (dòng phim dành cho phụ nữ), tác phẩm có nhiều đất để khai thác vai nữ, tạo điều kiện để các diễn viên trưng trổ khả năng.
Kịch bản phim xây dựng đến 3 nhân vật nữ lần lượt do Bảo Anh, Minh Hằng và Diệu Nhi thể hiện. Đặc biệt, hai ngôi sao Bảo Anh và Minh Hằng gây chú ý với các vai nữ hấp dẫn, có nhiều đất để khai thác.
Cụ thể, giọng ca Trái tim em cũng biết đau vào vai người vợ bị chồng bạo hành, hứng chịu nhiều nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Trong khi đó, Minh Hằng vào vai cô gái độc lập và tự chủ, quyến rũ bên ngoài và mạnh mẽ bên trong. Dù là phái yếu, cô quyết không để người khác lợi dụng mình, sẵn sàng lên kế hoạch để trả thù giúp bạn.
Điểm trừ là kịch bản có ý tưởng nhưng khai thác chưa sâu. Những phụ nữ trong phim luôn xuất hiện với vẻ bóng bẩy, hấp dẫn bên ngoài nhưng bên trong trống rỗng. Ngay cả khi hành động nhiều, họ vẫn không có cơ hội được giãi bày tâm sự, chia sẻ nội tâm.
Đôi lúc các nhân vật trở nên lạc lõng trong câu chuyện của chính mình, khiến người xem khó đồng cảm. Đó là một trong những lý do khiến cả Bảo Anh lẫn Minh Hằng đều không được đề cử diễn xuất tại Cánh diều 2021.
Về cơ bản, điện ảnh nước ta không thiếu diễn viên giỏi nhưng chưa có nhiều kịch bản hay để họ tỏa sáng. Thu Trang, Bảo Uyên và Chu Diệp Anh gần như là lựa chọn tốt nhất mà Hội Điện ảnh Việt Nam có thể lựa chọn năm nay.
Chiến thắng của Bảo Uyên trước các đối thủ là tín hiệu tốt. Nó cho thấy sức hút ngôi sao hay vẻ bóng bẩy bên ngoài không làm nên thành công của vai diễn. Cuối cùng, điều khán giả cần là một kịch bản hay, một diễn viên thực sự thấu hiểu câu chuyện, biết cách bóc từng lớp vỏ cảm xúc của nhân vật ra trước màn ảnh.
Có như vậy, họ mới thực sự ghi điểm và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem.
Theo Zing