Bộ phim kinh dị của đạo diễn Peter Mourougaya sở hữu phần kịch bản phi lý, dàn nhân vật ngu ngơ đến mức đáng sợ hơn cả bối cảnh bệnh viện ma.
Truyền thuyết đô thị (urban legend) là tập hợp những câu chuyện rùng rợn lan truyền trên mạng xã hội nhằm mục đích đọc cho vui. Theo thời gian, những lời đồn đoán khiến nhiều người lầm tưởng chúng có thật. Do đó mà các nhà làm phim đã bắt đầu khai thác đến mảnh đất màu mỡ này.
Trong số đó, Thang Máy được lấy cảm hứng từ trò chơi “sang thế giới khác” nổi tiếng. Song, phim chỉ mang đến thất vọng bởi nội dung tệ hại.
Trailer phim “Thang máy”
Thang Máy bắt đầu khi Jina (Tống Yến Nhi) mất tích khi chơi trò thang máy trong một khu bệnh viện bỏ hoang. Lúc ấy, cô đang có mối quan hệ bất chính với Sơn (Nguyễn Xuân Hiệp) – dượng của người bạn thân tên Trang (Yu Dương). Sự việc khiến Trang bị tổn thương và ám ảnh đến mức không dám đi thang máy.
Một năm sau, Sơn cũng mất tích khi cố gắng chơi lại trò chơi ấy để tìm Jina. Đến khi một người bạn thân khác là Ngọc (Mai Bích Trâm) cũng gặp nạn, Trang buộc phải đối mặt với nỗi sợ để giải cứu những người thân yêu.
Bối cảnh tốt nhưng hù dọa rập khuôn
Theo luật của trò thang máy, người chơi luôn phải đi một mình với địa điểm lý tưởng nhất là những tòa chung cư cao tầng nhưng vắng người hoặc bỏ hoang. Sau khi bấm một loạt tổ hợp tầng theo “công thức”, họ có thể mở cánh cửa bước vào thế giới khác.
Với phần nội dung tiềm năng này, Thang Máy dễ dàng tạo ra một bối cảnh “ăn tiền” nhờ khu bệnh viện bỏ hoang u tối. Khung cảnh bệnh viện về đêm sặc mùi tử khí phát ra vẻ lạnh sống lưng ngay cả khi đông người, huống chi ở đây là bỏ hoang.
Những dãy hành lang dài tăm tối, những bàn ghế cũ kỹ, gỉ sét, những lọ thuốc, quần áo vương vãi khiến khán giả phải sởn tóc gáy. Phim cũng khai thác khá tốt phần ánh sáng mờ ảo từ những bóng đèn trải dài khắp tòa nhà hay màu đỏ rực rùng rợn từ biển báo cấp cứu.
Phim sở hữu phần âm thanh khá tốt, thể hiện rõ được tiếng bản lề cửa rít lên hay những bước chân ngày một gần. Những giọng nói ma mị được lồng ghép tốt giúp Thang Máy tạo được hiệu ứng đáng sợ nhất định.
Bày biện “bắt mắt” là thế nhưng đến khi chốt hạ bằng các màn hù dọa thì phim lộ rõ sự cũ kỹ, rập khuôn. Tạo hình ma nữ không khác gì đang đeo mặt nạ đi chơi Halloween thì bị đạo diễn bắt vào đóng phim vậy.
Nhân vật này lúc nào cũng chỉ có một kiểu hù là đưa sát mặt vào màn hình có lẽ vì sợ người xem không đủ tinh ý nhận ra lớp hóa trang “không có chút giả trân” nào của mình. Những chiêu trò của đạo diễn Peter Mourougaya cũng đã được cả trăm phim khác sử dụng đến mức nhàm chán.
Nhân vật và kịch bản “thiếu muối”
Không ít bộ phim kinh dị của Hollywood cũng dựa trên những truyền thuyết đô thị nổi tiếng. Song, họ luôn biết cách tạo ra một cốt truyện xung quanh đủ cuốn hút. Trong khi đó, ê kíp Thang Máy thì chẳng biết làm gì khác ngoài việc tạo đủ mọi lý do để nhân vật đâm đầu vào chơi cái trò “trời đánh” này.
Dù biết nơi đây bị ma ám là thật nhưng hết người này đến người nọ vẫn chơi thử một lần… cho biết. Đơn cử như Ngọc ít phút trước còn kêu sợ và chứng kiến Sơn mất tích thì lát sau cũng đi vào thang máy như một tấm chiếu mới chưa từng trải.
Không chỉ Ngọc, các nhân vật khác trong Thang Máy cũng gây khó chịu bởi sự “thiếu muối”. Họ có chung một suy nghĩ là cái bóng đen trong bệnh viện bỏ hoang thì chắc chắn là thân thiện và chịu kết bạn làm quen nên cứ thấy ở đâu là chạy theo hỏi tên tuổi tới đó. Bản thân Trang cũng nói rằng những ai tỏ ra sợ hãi thì sẽ bị hạ sát nhưng cô là người hèn nhát nhất mà cuối cùng… vẫn chẳng sao.
Chả hiểu nhân vật này quyết định cứu bạn ra sao nhưng cả phim chỉ biết ôm đầu sợ hãi. Có lẽ, khán giả sợ ma thì ít mà sợ mấy câu thoại vô nghĩa, lặp đi lặp lại của Trang thì nhiều. Song, cho đến hết phim, người ta vẫn chưa thể lý giải được lý do cô nàng này sợ đi thang máy là gì vì tất cả đều lạc quẻ. Những hình ảnh quá khứ của Trang còn bé cứ xuất hiện đan xen rối chẳng đi tới đâu.
Phim cứ thể ném vào những chi tiết vô thưởng vô phạt rồi không hề giải thích bất cứ thứ gì liên quan. Rốt cuộc, con ma kia có âm mưu gì? Sức mạnh của nó là gì? Lý do của Jina là gì? Mối quan hệ của cô và Sơn rốt cuộc được xử lý ra sao?
Hàng loạt câu hỏi cho tới cuối phim vẫn chẳng được giải đáp. Nhưng nhức nhối nhất có lẽ là câu hỏi rốt cuộc thì đạo diễn Peter Mourougaya làm phim này để nói lên điều gì khi mà tới nhân vật chính còn chả hiểu rõ câu chuyện của mình.
Rốt cuộc, Thang Máy chỉ là một bộ phim coi cho vui nếu bạn không đủ “đô” xem những bộ phim kinh dị hơn hay chỉ muốn giết thời gian ngoài rạp hoặc không biết rủ người yêu đi chơi chỗ nào.
Theo 2Sao