Điện ảnh Việt Nam đang trong thời điểm vàng để phát triển đột phá, nhưng sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đang đặt ra những bài toán đau đầu cho ngành Nghệ thuật thứ 7.
Nếu một thập kỷ trước đây, doanh thu trăm tỷ là con số dường như chỉ xuất hiện trong mơ, thì tới thời điểm hiện tại, thị trường nội địa đã sở hữu tới hơn 10 tác phẩm cán mốc trên 100 tỷ.
Rõ ràng, đây là tín hiệu đáng mừng đối với điện ảnh Việt Nam, nhưng quay đi, ngoảnh lại, những đạo diễn, diễn viên xuất hiện ở top 10 này chỉ toàn những ‘gương mặt thân quen’. Vẫn là những Victor Vũ, Charlie Nguyễn , Phan Gia Nhật Linh ,… trong cương vị đạo diễn, Trấn Thành , Ngô Thanh Vân , Thái Hòa,… là diễn viên chính, còn những cái tên mới, trẻ dường như… mất hút.
Sự thiếu thốn nhân lực này được Nhất Trung – đạo diễn phim Cua lại vợ bầu khẳng định: ‘Chúng ta đang đặc biệt thiếu những biên kịch giỏi, kịch bản hay nên thị trường vẫn chỉ có chừng đó đề tài, câu chuyện. Diễn viên quanh đi quẩn lại cũng chừng đó gương mặt’.
Đạo diễn, biên kịch, diễn viên: Vừa thừa lại vừa thiếu!
Nhắc tới những người ‘cầm trịch’ của phim đại chúng Việt, khán giả thường nghĩ ngay tới ba nhóm đạo diễn: nhóm Việt kiều hoặc từng tu nghiệp tại nước ngoài, tiêu biểu như Victor Vũ, Charlie Nguyễn , Dustin Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh ,… gây ấn tượng bằng lối làm phim có nhiều lớp lang, ẩn ý, chú trọng tới bố cục chính, lôi cuốn khán giả bằng cách sắp xếp tình tiết hợp lý.
Đạo diễn Victor Vũ từng ‘mê hoặc’ khán giả Việt bằng những cú ‘bẻ lái’ cực ‘gắt’ ở cuối phim .
Nhóm thứ hai là những đạo diễn thuần Việt, có nhiều năm ‘chinh chiến’ trên cả màn ảnh nhỏ lẫn rộng: Vũ Ngọc Đãng, Đức Thịnh, Nguyễn Quang Dũng…, khai thác triệt để thế mạnh hài – tình cảm – tâm lý xã hội , phù hợp với thị hiếu của phần đông khán giả. Nhóm thứ ba là những đạo diễn tay ngang, với xuất phát điểm là diễn viên, quản lý, bầu sô. Họ làm phim nhờ vào kinh nghiệm và sự hiểu biết tương đối về mặt bằng chung của làng giải trí.
Dễ dàng thấy được, những tác phẩm thị trường đáp ứng được cả yêu cầu về ‘chất’ và ‘lượng’ của màn ảnh rộng trong nước gần như chỉ tới từ tuýp đạo diễn thứ nhất và thứ hai, vậy nên, dù mỗi năm có tới hàng chục phim Việt ra rạp, thì số lượng tác phẩm gây được tiếng vang với công chúng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ngoài ba nhóm đạo diễn ‘thống trị’ ở mảng phim thương mại, điện ảnh Việt còn ghi dấu ấn của các đạo diễn gạo cội ở mảng phim quốc doanh (phim được Nhà nước đầu tư và sản xuất). Nếu như phim thương mại tập trung nhiều vào yếu tố thị trường, phù hợp với thị hiếu của phần đông khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, thì phim quốc doanh thường thiên về những đề tài khá kén người xem: chiến tranh, lịch sử, nghệ thuật…
Dưới bàn tay của cố đạo diễn Hải Ninh, cố đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Lê Hoàng…, mảng phim quốc doanh tạo ra nhiều tác phẩm ‘mẫu mực’, đạt nhiều giải thưởng cả trong lẫn ngoài nước như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang,…
Vào thời kỳ ‘đỉnh cao’ của mình, đạo diễn Lê Hoàng từng thực hiện Ai xuôi vạn lý – bộ phim đạt giải bạc tại Liên hoan phim quốc tế Bergamo năm 1997. Năm 2001, phim Gái nhảy của ông ra rạp và đạt doanh thu 12 tỷ, tạo nên kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Việt tính từ khi đổi mới.
Ở thời điểm hiện tại, điện ảnh Việt không hề thiếu đạo diễn. Lỗ hổng đang hiện hữu gọi tên một đội ngũ đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản, có kiến thức lẫn kỹ năng. Chỉ trong khoảng 10 năm, thị trường phim Việt đã chứng kiến sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ, và riêng với 5 năm trở lại đây, mỗi năm có trên dưới 40 phim ra rạp, doanh thu từ điện ảnh năm sau tăng trung bình từ 25 – 30% so với năm trước, nhưng hoạt động đào tạo dường như không theo kịp với guồng quay hối hả của làng phim.
Từ năm 2015 đến năm 2018, tính riêng ở khu vực hoạt động nghệ thuật sôi động nhất cả nước – TP. HCM, chỉ có vỏn vẹn 65 sinh viên Khoa Đạo diễn điện ảnh – truyền hình tốt nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. HCM, mà không ít trong số những sinh viên tốt nghiệp này đã không còn tiếp tục bám trụ với nghề.
Có thể nói, 5 năm là thời gian khá ngắn ngủi để có thể đào tạo ra được một thế hệ ‘thủ lĩnh’ đoàn làm phim có cả kỹ thuật lẫn chuyên môn, thích ứng tốt với thị trường phim Việt đang thay đổi, bắt ‘trend’ từng ngày. Đạo diễn Mỹ Peter Mourouyaga từng nhận xét: ‘So với những người thuộc thế hệ trước rất vững chuyên môn, các bạn trẻ hiện nay thiếu kiến thức nền lẫn kỹ năng làm nghề trầm trọng. Điều này là do thị trường điện ảnh Việt đang phát triển quá nhanh, mà hoạt động đào tạo lại không theo kịp’.
Ngoài đạo diễn, một nhân tố quan trọng khác ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của tác phẩm: biên kịch. Nếu như đạo diễn là người chịu trách nhiệm chỉ đạo, sắp xếp tổng thể bố cục phim, thì biên kịch là người dẫn dắt, đưa khán giả đi xuyên suốt câu chuyện.
Các đạo diễn nổi tiếng như Dustin Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng thường ‘thầu’ luôn cả vị trí biên kịch.
Theo đạo diễn Đức Thịnh, nghề biên kịch là nghề ‘đập đầu vô tường’, số lượng đạo diễn kiêm biên kịch tại Việt Nam chắc chắn lớn hơn số lượng biên kịch đơn lẻ có khả năng viết ‘chắc tay’. Việc thiếu hụt biên kịch giỏi vô hình chung khiến phim điện ảnh nước nhà chỉ quanh quẩn ở những nội dung quen thuộc: hài, tình cảm, kinh dị,…
Bao giờ có yêu nhau là thành quả giữa sự hợp tác của đạo diễn Dustin Nguyễn và biên kịch Trần Lý Trí Tân. Phim đoạt giải Phim xuất sắc nhất tại Cánh diều vàng 2017.
Có thể nói, sự thiếu hụt biên kịch đã dẫn tới xu hướng đang được nhiều người đón nhận: remake phim nước ngoài. Kết thúc năm 2020, Tiệc trăng máu đạt doanh thu 175 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong top những phim Việt Nam có doanh thu cao nhất. Ngoài những lời khen như diễn viên hóa thân vào nhân vật khá tròn trịa, bối cảnh đẹp, nhạc phim hay,… thì Tiệc trăng máu còn được đánh giá là rất giống bản gốc. Chính lời khen này đã khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ, rằng các nhà sản xuất lựa chọn remake phim bởi tiếng vang từ bản gốc, hay vì lượng kịch bản ‘chất’ trong nước quá khan hiếm, ít ỏi?
Tiệc trăng máu – bộ phim gây được tiếng vang cuối năm 2020, đấu năm 2021.
Diễn viên – câu chuyện muôn thuở của điện ảnh nước nhà. Ở Việt Nam, ngoài những trường hợp diễn viên tay ngang, vô tình nhận được lời mời casting, thì các diễn viên trẻ tạm chia ra làm hai nhóm: nhóm ‘đá chéo sân’, bao gồm những người đẹp , hotboy, hotgirl, ca sỹ, người mẫu, MC,… và nhóm ‘chuyên nghiệp’, bao gồm các diễn viên được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc các diễn viên trực thuộc nhà hát kịch.
Tuy số lượng của nhóm ‘đá chéo sân’ rất đông, nhưng số người có khả năng diễn xuất tốt vẫn tương đối lép vế so với những ‘bình hoa di động’. Dẫu vậy, bằng lượng fan đông đảo hay nhờ sức ảnh hưởng ở mạng xã hội , mà những ‘bông hoa’ này vẫn nhận ‘nở rộ’ trên màn ảnh rộng.
Còn với nhóm thứ hai, các diễn viên chịu nhiều ảnh hưởng từ lối đào tạo kịch nghệ, vì thế nên khi xuất hiện trên sân khấu kịch, dường như họ tỏa sáng và tạo được nhiều điểm nhấn hơn là trên màn ảnh rộng, vậy nên, chẳng phải bất cứ diễn viên kịch nào cũng thành công khi ‘chuyển hình’ sang điện ảnh.
Trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, diễn xuất của nữ thứ Ninh Dương Lan Ngọc ‘át vía’ hoàn toàn nữ chính Hạ Vi.
Người đẹp, MC Hoàng Oanh thể hiện khả năng diễn xuất trong Tháng năm rực rỡ .
Thái Hòa là một trong số những nam diễn viên kịch nói thành công trên màn ảnh rộng.
Không chỉ thiếu hụt ở ba yếu tố quan trọng trên, điện ảnh Việt còn thiếu cả đội ngũ xử lý âm thanh, hình ảnh, võ thuật… đều khan hiếm. Cũng theo thống kê từ Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Tp. HCM, từ năm 2015 đến năm 2018, chỉ có 14 sinh viên Khoa Thiết kế mỹ thuật – sân khấu (hệ cao đẳng) và 21 sinh viên Khoa Quay phim (hệ cao đẳng) tốt nghiệp. Nhà sản xuất Bebe Phạm từng chia sẻ, vào tháng 6/2017, khi thực hiện phim 789Mười , cô không thể thuê nổi đạo diễn hình ảnh vì ở thời điểm đó, có tới… 7 phim cùng bấm máy. Những cái tên nước ngoài như nhạc sỹ Christopher Wong hay đạo diễn hình ảnh Cordelia Beresford dần trở nên quen thuộc với công chúng Việt khi tham gia vào khá nhiều bộ phim nổi tiếng.
Thiếu nguồn đạo diễn trẻ có khả năng biến hóa
Trong những năm trở lại đây, người xem say mê với những cú twist ở cuối phim của Victor Vũ, háo hức thưởng thức những phân cảnh hành động trong tác phẩm của Charlie Nguyễn . Nhưng cũng chính họ là những người dám phá vỡ đi thế mạnh của chính mình.
Victor Vũ trở về Việt Nam, ghi dấu bằng hàng loạt những bộ phim kinh dị như Quả tim máu , Scandal: Bí mật thảm đỏ , Scandal: Hào quang trở lại ,… rồi cũng chính anh là người làm người xem trăn trở với Người bất tử , rơi lệ cùng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh , Mắt biếc . Song song với phim hành động, Charlie Nguyễn còn thực hiện kha khá phim hài tình cảm, phim dã sử và nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng.
Ngoài ra còn có thể kể đến đạo diễn Vũ Ngọc Đãng – người từng ghi dấu ấn với dòng phim tình cảm – tâm lý xã hội từng chuyển hướng làm phim kinh dị, hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã và đang bắt đầu hành trình làm phim chuyển thể tiểu thuyết, phim remake, thay vì tự viết kịch bản, tự đạo diễn như trước.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng quay trở về thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp nhờ remake thành công Tiệc trăng máu và Tháng năm rực rỡ .
Nhưng sự vận động, thay đổi này lại đến từ những đạo diễn đã có tiếng tăm, còn lớp đạo diễn trẻ gần như chỉ chuyên chú vào những bộ phim tình cảm nhẹ nhàng và dường như chưa có ý định thay đổi phong cách, hoặc thay đổi nhưng chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nguồn đạo diễn trẻ đã ít, lại đang chỉ tập trung vào một, hai dòng phim khiến nội dung phim điện ảnh Việt đã hẹp lại hẹp hơn.
Thiếu nguồn nhân lực thưởng thức
Với sự lên ngôi của hàng loạt những hệ thống rạp chiếu phim hiện đại, khán giả nước nhà dần hình thành thói quen xem phim. Dẫu vậy, không phải dòng phim nào ra rạp cũng nhận được sự chào đón nhiệt tình từ khán giả.
Dựa trên top những bộ phim nội địa có doanh thu cao nhất, dễ thấy được phần đông khán giả lựa chọn phim hài – tình cảm, phim hành động, phim kinh dị, còn các thể loại khác dường như đang bị bỏ ngỏ.
Năm 2013, Lửa Phật ra mắt với tư cách là bộ phim thể loại huyền ảo – giả tưởng (fantasy) đầu tiên của Việt Nam, do đạo diễn Dustin Nguyễn chỉ đạo, viết kịch bản kiêm sản xuất. Quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, cảnh quay đẹp mắt, nhưng Lửa Phật lỗ khá nặng khi đầu tư khoảng 15 – 20 tỷ, nhưng chỉ thu về tầm… một phần năm.
Lửa Phật được Dustin Nguyễn ‘thai nghén’ suốt nhiều năm, quy tụ diễn viên nổi tiếng, dựng hình ảnh, kỹ xảo hoành tráng, nhưng đến khi ra rạp lại thất bại không tưởng.
Trước đó, Thiên mệnh anh hùng – bộ phim được xem là ‘tường thành’ của dòng phim điện ảnh cổ trang hành động Việt cũng lỗ ’sấp mặt’, đạt doanh thu hơn 16 tỷ trong khi kinh phí bỏ ra là 20 tỷ. Thiên mệnh anh hùng còn phải chịu sự thật bẽ bàng rằng, dù phim có đoạt cả giải Đạo diễn, Diễn viên, Quay phim, Âm thanh và Phim xuất sắc nhất tại giải Cánh diều vàng và nhận cúp Bông sen bạc năm 2012, thì khi ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán, ‘đứa con tinh thần’ của Victor Vũ vẫn lép vế trước Hello cô Ba – một bộ phim hài đơn thuần, nếu không muốn gọi là hài nhảm.
Nếu ở Lửa Phật , công chúng có thể cho rằng phim lỗ không chỉ bởi đề tài mới, mà còn do cách xây dựng câu chuyện rời rạc, chưa liên kết được các mảng không gian và thời gian trong phim, thì với Thiên mệnh anh hùng , khán giả khá khó để bắt lỗi phim. Phim nhiều cao trào, đẹp cả về hình ảnh, nội dung lẫn âm nhạc , được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng vẫn thua vì đề tài kén người xem vào thời điểm đó trên ‘mặt trận’ phòng vé.
Được giới chuyên môn đánh giá rất cao, đoạt nhiều giải thưởng, nhưng Thiên mệnh anh hùng lại ‘thất thủ’ khi đọ doanh thu phòng vé với…
… Phim hài Tết Hello cô Ba .
Giữa một bộ phim hài và một bộ phim cổ trang, phần đa người xem với gu thưởng thức phổ thông sẽ chọn dành ra hai tiếng để tận hưởng cảm giác vui tươi, phù hợp với không khí ngày xuân, hơn là theo dõi một câu chuyện có phần nặng nề, hơi tăm tối.
Sau Lửa Phật , Thiên mệnh anh hùng , phim Việt vẫn có những ‘đứa con đi ngược lối’ như Người bất tử hay Fan cuồng . Cùng số phận với các tác phẩm ‘tiền nhiệm’, chủ đề của những bộ phim này chưa thu hút được đại bộ phận công chúng hay có đủ sức ‘nặng’ để kéo khán giả ra rạp.
Theo Báo Đất Việt