Sở hữu kịch bản gốc 100% Việt Nam, một nhà sản xuất tên tuổi đứng sau, dàn diễn viên tròn trịa, ý tưởng tiềm năng và cú twist gây bất ngờ, song Trái Tim Quái Vật thất bại trong việc gieo vào lòng khán giả cảm xúc và trên hết là sự thỏa mãn mang tính thuyết phục.
CHÚ Ý: CÓ TIẾT LỘ NỘI DUNG PHIM, GỒM CẢ PLOT TWIST
Nếu hỏi thể loại nào đang được điện ảnh Việt chú ý trong một năm trở lại đây, chắc chắn đó sẽ là thriller – thể loại giật gân, hồi hộp. Bắt đầu từ cuối năm 2019 với Thất Sơn Tâm Linh , Bắc Kim Thang và Chị Chị Em Em , dòng phim này đang cho thấy một tiềm năng lớn, bởi khán giả đã càng ngày càng chán những bộ phim tình cảm, hài dễ dãi, kém chất lượng. Phim thriller mang đến cảm giác điện ảnh nghiêm túc, tập trung vào câu chuyện, diễn xuất, mang đến sự hào hứng cho khán giả ở những yếu tố gây sợ hãi, căng thẳng. Hơn thế, thể loại này khiến khán giả không thể ngừng đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi cú twist xuất hiện khiến mọi thứ vỡ oà.
Trái Tim Quái Vật của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp có thể xem là bộ phim thriller chuẩn của năm 2020. Xoay quanh cái chết bí ẩn trong một khu chung cư sắp giải tỏa, phim theo dấu 4 nhân vật, đồng thời cũng là 4 nghi phạm của vụ án. Khán giả được cung cấp một bức tranh toàn cảnh có nhiều lỗ trống, sau đó phim dần dà đưa họ những mảnh ghép dưới hình hài ký ức. Lối kể chuyện phi tuyến tính của phim lần giở manh mối giữa quá khứ, hiện tại, dẫn dắt đến cú plot twist gây bất ngờ ở cao trào phim. Nghe tưởng như khá thành công trong cách kể chuyện về thể loại, song phim bị mắc phải nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề về “tính thuyết phục”.
Từ những tình tiết làm loãng thể loại…
Điểm trừ đầu tiên dành cho phim chính là những tình tiết khiến khán giả tụt mood vì lệch ra khỏi thể loại mà phim đang hướng tới, cùng sự nghiêm túc, có phần u ám, giật gân, gai góc mà phim đã thiết lập từ những ngày đầu quảng bá.
Ở phần mở đầu của phim, sự u ám được thiết lập bởi một tai nạn thương tâm, với nạn nhân sống sót duy nhất là một đứa bé mồ côi. Tựa phim hiện lên đi kèm một trích dẫn mang tính tôn giáo. Mọi thứ hứa hẹn một bộ phim thriller tiềm năng về đề tài trả thù, sang chấn tâm lý. Khi vừa vào hồi 1, tất cả mọi thứ trước đó bị “lật lại” hoàn toàn bởi tình huống gượng gạo của những nhân vật “chào sân”.
Tai nạn thương tâm đã mở ra Trái Tim Quái Vật
Khi giới thiệu Dustin (Trịnh Thăng Bình), một diễn viên hết thời, chúng ta thấy cảnh shipper Lâm (B Trần) đi ngang qua 2 cô gái đang “on set” ở phim trường tụm vào nói xấu Dustin: “diễn viên hết thời mà còn bày đặt”. Đây là một cách xử lý khá cũ, vụng về và đầy tính “truyền hình”, bởi với điện ảnh chắc chắn sẽ có rất nhiều cách để kể được câu chuyện chàng diễn viên hết thời mà không cần những diễn viên quần chúng phải giải thích cho khán giả.
Tiếp theo, trong một cảnh họp tổ dân phố về vấn đề đền bù, giải tỏa nhà đất, ông Phan (Trung Dân) đã kêu gọi mọi người hãy đồng lòng bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay lúc các nhân vật quần chúng khác đang hô hào, Chiến (Minh Dũng), một nhân vật đồng tính đã giơ tay và nói bằng một giọng điệu gây cười: “Bảo vệ, bảo vệ cộng đồng LGBT”, sau đó bẽn lẽn và nói “xin lỗi, em bảo vệ lộn đối tượng”. Năm 2020, khi điện ảnh và truyền thông đại chúng đang ngày càng xóa bỏ những khắc họa mang tính phiến diện ở những nhân vật đại diện cho các cộng đồng vẫn còn đang chịu kì thị trong xã hội, đưa một nhân vật đồng tính vào với những màn làm lố, ẻo lả, thu hút sự chú ý, không những là đi ngược lại dòng chảy văn minh của điện ảnh, mà còn góp phần gieo vào người xem một suy nghĩ rập khuôn về cộng đồng LGBT. Chi tiết này ảnh hưởng nặng nề đến thiện cảm của những ai đang kỳ vọng được xem một bộ phim thriller nghiêm túc.
Rải đều cả phim là những phân đoạn tình cảm mùi mẫn giữa Lâm và Khánh (Hoàng Thùy Linh). Tình yêu của Lâm thể hiện một cách nhẹ nhàng, ý nhị, nhưng tiếp tục rơi vào vấn đề của “những cô gái trên trường quay”: khán giả chỉ cảm được tình yêu đó chủ yếu qua lời của những nhân vật khác, khi họ liên tục dèm pha Lâm là “dại gái”, “nuôi mẹ đơn thân”. Từ đó dẫn đến việc tất cả những phân đoạn tình cảm trở nên sáo rỗng, thiếu tính kết nối (chemistry) giữa nhân vật. Những phân đoạn đó không những kéo phim ra khỏi thiết lập thriller, mà còn khơi gợi câu hỏi: tại sao Lâm yêu Khánh đến vậy? Yếu tố tình cảm được thể hiện trên màn ảnh bỗng nhiên có hai diễn viên thực lực, nhưng lại không tạo được niềm tin về diễn xuất của họ.
Lâm luôn phải chịu những lời đàm tiếu khi yêu mẹ đơn thân là Khánh
Nhưng có lẽ, chi tiết làm loãng thể loại nhất vẫn là cú twist lớn nhất của phim. Sau khi vượt qua được hồi 1 khá lãng mạn, vài ba mảng miếng hài không liên quan, hồi 2 trở nên ấn tượng và thu hút, với khá ít điểm trừ. Nhịp phim nhanh, chứa đầy tình tiết cùng một tập hợp các nhân vật khả nghi khắc họa rất đúng tiểu thể loại “whodunit?” (ai là hung thủ?), một tiểu thể loại của thriller. Khán giả được đưa cho kha khá mảnh ghép để bắt đầu có một bức tranh toàn cảnh về vụ án mạng. Ai cũng chờ đợi những mảnh ghép cuối cùng, nâng tầm bộ phim và tháo tất cả mọi nút thắt một cách thỏa mãn. Nhưng không, cú twist cuối đã tạo nên một sự thiếu thuyết phục và tạo ra thêm rất nhiều khoảng trống cần lắp vào: hung thủ là Lâm. Dustin, người giúp Lâm điều tra vụ án không có thật, mà là nhân cách khác của Lâm. Nhân vật chính hiền lành từ đầu thật ra là một “người dẫn truyện giả dối” (unreliable narrator), và là một kẻ đa nhân cách.
Dustin là người giúp Lâm điều tra vụ án không có thật
Thân phận của Lâm đến cuối cùng mới bại lộ
Cho đến cú “twist” lệch nhịp…
Plot twist là món ăn đặc trưng của phim thriller. Tất cả mọi sự căng thẳng chúng ta trải qua thì vui đấy, nhưng cảm giác trải nghiệm một cú lật thông minh, thuyết phục và khiến chúng ta tấm tắc ngợi khen khả năng dẫn dắt, đánh lạc hướng của biên kịch, mới là cảm giác thỏa mãn nhất của dòng phim này.
Tiếc thay, cú twist của Trái Tim Quái Vật đã thất bại ở hai chữ “thuyết phục”. Hung thủ được tiết lộ lại là người tưởng như vô tội nhất của phim – Lâm. Motif này không mới, vì thường trong các phim “truy tìm hung thủ”, hung thủ luôn người mà chúng ta ít nghĩ đến nhất, chứ không bao giờ là người mà mọi bằng chứng đang hướng về. Việc để nhân vật Lâm của B Trần là một bước đi đúng công thức thành công của thể loại, nhưng khi nhân vật được tiết lộ là một kẻ đa nhân cách, mọi thứ bắt đầu rơi rụng khi khán giả nghĩ về tất cả các tình tiết từ đầu phim.
Lâm không chỉ là một kẻ đa nhân cách, mà chàng ca sĩ hết thời Dustin còn chính là nhân cách thứ 2 của cậu. Từ việc Dustin xuất hiện và bày kế cho Lâm điều tra, giúp đỡ Lâm hết lần này đến lần khác, đều là thế giới tưởng tượng của Lâm. Vậy là từ crime thriller (tội phạm, ly kỳ), Trái Tim Quái Vật đổi thể loại đột ngột ở hồi 3 của phim, trở thành một phim psychological thriller (tâm lý, giật gân). Màn tự nói chuyện với bản thân mình của Lâm như một kẻ hóa điên tạo cảm giác “từ trên trời rơi xuống”, dù phim đã xâu chuỗi tất cả sự kiện qua những khung hình rất đẹp, giàu tính kể chuyện.
Việc Dustin giúp đỡ Lâm thực chất chỉ là trí tưởng tượng của anh
Thường với loại twist này, tất cả mọi thứ sẽ được lật lại rất thuyết phục, để khi chúng ta có xem phim đến lần thứ 2, thứ 3, chúng ta vẫn sẽ không thấy lỗ hổng, vì mọi thứ đã được trưng ra sẵn, chỉ nhờ khả năng đánh lạc hướng của biên kịch để không ai quá tập trung vào những mảng miếng được gieo đó. Một vài bộ phim đã “gặt” rất tốt cú twist có thể kể đến The Sixth Sense (1999) , The Others (2001) , TheWretched (2020) . Cú twist thiếu thuyết phục của Trái Tim Quái Vật gợi nhắc đến một cú twist tương tự của phim Việt năm 2019: Bắc Kim Thang . Cả hai đều “thay đổi nhân dạng” của một nhân vật trước đó để tiết lộ sự thật (Thiện Tâm và Dustin) nhưng khi rà soát lại hết của phim chúng ta chỉ thấy cả hai cú twist chỉ dừng lại ở việc “gây shocked”, “tạo sự bất ngờ”, chứ không hề tạo cảm giác thán phục và muốn xem lại để soi phim và học hỏi ngòi bút tài ba của biên kịch.
Một bộ phim có tất cả, nhưng thiếu… trái tim
Khách quan đánh giá, Trái Tim Quái Vật có một sự xông pha dũng mãnh ở thể loại phim táo bạo, đề tài mới lạ cùng dàn cast tốt. Chưa kể đến bàn tay của NSX Quang Huy, bộ phim đã mang trên mình một kỳ vọng khá lớn cho thể loại thriller ở Việt Nam. Kịch bản gốc là một điểm đáng khuyến khích và xứng đáng nhận được sự công nhận. Được chắp bút bởi chính đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, người xem có thể thấy bộ phim được kể từ sự hiểu đứa con tinh thần của mình để mang đến những khung hình rất đẹp. Thiết kế bối cảnh và dựng cảnh trong phim là điểm nhấn mà nhiều phim Việt khác cần học hỏi, với cách sắp đặt ánh sáng, cách đặt những góc máy để đưa khán giả luồn lách qua những hành lang, cầu thang nhỏ hẹp của chung cư cũ kỹ. Đáng tiếc cho phim, vì câu chuyện và twist không thuyết phục, tất cả mọi thứ neo lại sau khi phim kết thúc là một bộ phim nhiều kỹ thuật nhưng thiếu mất cảm xúc.
Phim có khá nhiều tuyến nhân vật, với background stories (câu chuyện nền) không được tiết lộ nhiều. Họ bị đẩy vào một tình huống hiểm nghèo với nhịp phim quá nhanh, tình tiết quá dày đặc. Từ đó mọi hành vi của họ trong các hoàn cảnh khác nhau đều tạo cảm giác thiếu tự nhiên, khó để đồng cảm và tin tưởng. Dù dàn diễn viên đã hóa thân hết mình, khán giả vẫn sẽ khó cảm hết tình cảm của Lâm dành cho Khánh, mối quan hệ và mâu thuẫn giữa gia đình ông Bé và Khánh, Lâm, hay sự hết mình của chú Chiến cho việc giúp đỡ Lâm. Chi tiết bé Bu làm đám cưới cho Lâm và Khánh vừa lệch nhịp, lại vừa khó cảm khi một đứa trẻ có thể “bày trò” như vậy lúc được hỏi “ước mơ của Bu là gì?”. Ở cảnh kết phim, cảnh Khánh ngồi cạy ngón tay đeo nhẫn rướm máu, như thể chôn vùi hạnh phúc của mình cũng đầy tính biểu tượng, nhưng vẫn không có cảm xúc.
Một điểm trừ lớn nữa chính là phần âm thanh và âm nhạc của phim. Tất cả các cảnh phim đều bị chèn nhạc nền (score) quá nhiều dẫn đến phân tâm và tạo cảm giác “thao túng về cảm xúc”. Với thể loại thriller, sẽ tốt hơn nếu khán giả có những giây phút căng thẳng bằng sự im lặng, hoặc chỉ những âm thanh tạo ambience (bầu không khí). Phần âm thanh của phim cũng được cân chỉnh chưa hiệu quả, nghe khá đục và tối, không thiết lập được không gian mà nhân vật đang cất giọng. Nếu chú ý kỹ, khán giả sẽ thấy âm thanh trong phim gần như được cân chỉnh đều nhau. Nói to hay nói thì thầm, nói ở không gian kín hay không gian rộng, nói với theo hay nói gần bên, cũng đều không có điểm khác biệt.
Nhìn chung, Trái Tim Quái Vật là một món ăn mới lạ của điện ảnh Việt năm 2020. Câu chuyện có tiềm năng, diễn xuất tốt và thể loại mới mẻ khiến phim trở thành tâm điểm điện ảnh của tháng 11. Tuy nhiên, sự thiếu kiểm soát về những tình tiết hài hay tình cảm lãng mạn đã làm mất đi ít nhiều thiện cảm của những khán giả đam mê thể loại thriller, còn cú twist thiếu thuyết phục lại khiến những khán giả kỹ tính bị cấn nhiều trong lòng. Có lẽ dần dà, những cú twist sẽ không còn xa lạ với khán giả Việt, và những yêu cầu về twist sẽ cao dần lên, không phải chỉ để “cho shocked”. Chỉ ước gì phim đã có thể làm tốt hơn về mặt cảm xúc, để dù không thể chinh phục bộ não khán giả, thì cũng có thể chinh phục họ ở trái tim.
Trailer chính thức của Trái Tim Quái Vật
Trái Tim Quái Vật sẽ có suất chiếu sớm vào các ngày 14 và 15/11, sau đó chính thức công chiếu vào ngày 20/11/2020.