Diên Hi công lược và Như ý truyện lần lượt bị ‘trảm’, việc ‘cấm’ 13 thể loại phim không còn là lời đồn?
Năm ngoái, mạng xã hội Trung Quốc và Việt Nam ‘nháo nhào’ trước thông tin Tổng cục điện ảnh Trung Quốc cấm phát sóng đến 13 thể loại phim và đưa 3 thể loại phim khác vào danh sách hạn chế, trong đó có những thể loại ‘ruột’ của phim Trung như cung đấu, thanh xuân vườn trường, tâm linh, đam mỹ, xuyên không,…
Nhiều mọt phim Hoa ngữ đã thể hiện sự phẫn nộ vì ‘cấm tiệt’ như thế thì chỉ còn nước xem phim hoạt hình hoặc là phim tài liệu!
Diên Hi công lược
Tuy nhiên đây chỉ là tin đồn, thực hư chưa rõ ràng, do trang Sohu đăng lại từ một trang tin của Hongkong. Những trang tin lớn khác của Trung Quốc như Sina, QQ đều không hề đăng tải thông tin này. Tổng cục điện ảnh cũng không có thông báo chính thức nào về việc ban hành danh sách những thể loại bị cấm. Tuy nhiên thực tế là những thể loại trên đã gặp nhiều khó khăn trong việc lên sóng.
Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện là hai dự án cung đấu khủng gây sốt ở đại lục và bán bản quyền phát sóng cho hàng chục quốc gia khác nhưng ở quê nhà cũng chỉ ngậm ngùi chiếu mạng. Như Ý truyện chấp nhận chiếu mạng sau thời gian dài ‘nằm đắp chiếu’ và không thể ‘chốt deal’ với nhà đài. Diên Hi công lược mặc dù đầu tư khủng nhưng ngay từ ban đầu đã xác định chiếu mạng, đó là con đường ‘dễ thở’ hơn thay vì cố chen chân lên truyền hình.
Như Ý truyện
Khó khăn trong việc xin cấp phép phát sóng đã buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng. Trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng phim cung đấu, cổ trang giảm mạnh, trong khi những phim có bối cảnh hiện đại, đề tài gần gũi với cuộc sống được sản xuất nhiều hơn. Việc Diên Hi công lược và Như Ý truyện bị gỡ khỏi các nền tảng xem phim trực tuyến cũng xem như đặt dấu chấm hết cho thể loại cung đấu. Đây được xem là động thái cực kỳ mạnh tay của Tổng cục điện ảnh Trung Quốc.
‘Trảm’ cung đấu và kìm kẹp hàng loạt thể loại ‘ruột’ khác, phim Trung Quốc còn gì để xem?
Nhiều fan ruột cho rằng việc các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc ‘trảm’ phim cung đấu và hạn chế mười mấy thể loại khác thì các nhà làm phim còn gì để làm nữa? Trung Quốc vẫn là một trong những nền điện ảnh lớn của châu Á và thế giới với các thể loại phim đa dạng, số lượng dồi dào nhưng cổ trang vẫn là món ‘đặc sản’, là niềm tự hào của truyền hình Trung Quốc. Không chỉ ở đại lục, tuổi thơ của nhiều khán giả Việt gắn với những bộ phim cổ trang Trung Quốc như Tây du ký, Tể tướng Lưu Gù, Thiên long bát bộ, Thần điêu đại hiệp,… Cổ trang là thể loại mà người Trung Quốc có thể làm tốt nhất, gây được tiếng vang nhất.
Chân Hoàn truyện được xem là tượng đài của dòng phim cung đấu.
Trong mười năm trở lại đây, loạt phim cung đấu vang danh châu Á như Chân Hoàn truyện, Mỹ nhân tâm kế, Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Diên Hi công lược, Như Ý truyện… đã khiến các nhà làm phim coi đây là miếng bánh béo bở, ‘ngon ăn’ để khai thác. Có lẽ sẽ có thêm hàng chục bộ phim cung đấu khác nữa ra đời nếu như không có những quy định hạn chế của Tổng cục điện ảnh.
Nhờ những bộ phim này mà có những tên tuổi vô danh vụt sáng thành sao như Ngô Cẩn Ngôn, Hứa Khải và những tên tuổi kì cựu được củng cố thêm danh tiếng như Tôn Lệ, Lâm Tâm Như, Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Xa Thi Mạn,… Văn hóa Trung Quốc cũng được ‘xuất khẩu’ khắp năm châu thông qua sự ảnh hưởng của phim ảnh. Những địa danh nổi tiếng như cố cung, phim trường Hoàng Điếm, Vô Tích,… đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch nhờ tầm ảnh hưởng của phim ảnh.
Ngô Cẩn Ngôn một bước thành sao hạng A nhờ Diên Hi công lược.
Trung Quốc có thể làm nhiều thể loại phim nhưng cổ trang vẫn có lịch sử phát triển lâu đời và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất. Việc hạn chế thể loại này có phải Trung Quốc đang tự trói chân mình, chặn đứng cái mỏ vàng tiềm năng?
Phim hot cũng kéo theo không ít điểm tiêu cực
Gây sức hút khủng như thế nhưng không thể phủ nhận những mặt hạn chế của phim truyền hình Trung Quốc những năm qua. Theo xu hướng, cứ thể loại gì hot là các nhà đầu tư, các nhà sản xuất đổ xô theo lợi nhuận, gây nên sự bão hòa. Suốt một thời gian dài, khi nhắc đến phim truyền hình Trung Quốc là người ta nghĩ ngay đến cổ trang, cung đấu, ngôn tình chuyển thể, thanh xuân vườn trường,…
Có những bộ phim đã rất thành công và nổi tiếng, được xếp vào hàng ‘kinh điển’, ‘tượng đài’ nhưng vẫn được làm đi làm lại để tận dụng tiếng vang như Hoàn Châu cách cách, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ,… Vấn đề là phim làm lại nhưng không làm tốt hơn tác phẩm trước đó, thậm chí còn bị chỉ trích thậm tệ về nội dung, cũng như diễn xuất của diễn viên. Thần điêu đại hiệp bản 2014 đã bị chỉ trích gay gắt vì tạo hình ‘cô cô đùi gà’ và nội dung ngôn tình, ‘hường sến’ dù tác phẩm gốc là tiểu thuyết kiếm hiệp. Dàn diễn viên trẻ trong Tân Hoàn Châu cách cách không thể vượt qua cái bóng quá lớn của các đàn anh, đàn chị.
Các bộ phim nổi tiếng được làm đi làm lại nhiều lần nhưng lại bị coi là ‘phá’ nguyên tác.
Việc sản xuất ồ ạt, chạy theo thị hiếu của khán giả đã khiến chất lượng của nhiều bộ phim đi xuống. Nội dung nghèo nàn, được xào nấu đi xào nấu lại, thiếu tính sáng tạo. Kỹ xảo bị chỉ trích là ba xu, rẻ tiền. Nhiều diễn viên ngôi sao mải chạy show nên lạm dụng thế thân quá đà, số ngày họ có mặt ở phim trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là thực trạng đáng buồn của phim Trung Quốc.
Ở những bộ phim thuộc thể loại cung đấu còn gây lo ngại cho cơ quan kiểm duyệt nước này vì xây dựng nhân vật lịch sử bị bóp méo, sai sự thật. Để tăng tính drama, kịch tính cho phim, các phi tần trong cung đều được xây dựng với hình tượng độc ác, mưu mô xảo quyệt, không từ thủ đoạn để hãm hại người, từ vu oan giá họa, làm sảy thai đến những hình thức trừng phạt dã man như cắt lưỡi, châm kim, giết người.
Càn Long, ông vua bị ‘dìm hàng’ không thương tiếc trên màn ảnh.
Trong Như Ý truyện, vua Càn Long được xây dựng với hình tượng ông vua ham mê tửu sắc, ăn chơi vô độ, phụ bạc thê tử kết tóc. Lệnh phi Vệ Yến Uyển với hình tượng mưu mô, xảo quyệt, không từ thủ đoạn hại người. Sang đến Diên Hi công lược, Lệnh phi Ngụy Anh Lạc lại là nhân vật chính với sự thông minh, cơ trí, sòng phẳng, có thù phải trả, còn Kế hoàng hậu của Càn Long lại trở thành người mưu mô, độc ác. Trong Chân Hoàn truyện, vua Ung Chính còn trở thành ‘chúa tể của những cặp sừng’ khi hết bị Chân Hoàn đến Thẩm My Trang lừa dối, bắt ‘đổ vỏ’.
Sự độc ác, mưu mô thủ đoạn của các phi tần khiến khán giả có thể nhận thức sai về lịch sử?
Tổng cục điện ảnh Trung Quốc lo ngại những bộ phim có nội dung drama hóa, xuyên tạc lịch sử sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là những khán giả nhỏ tuổi.
Quy định khắt khe để tạo cú hích cho điện ảnh phát triển?
Nếu nhìn theo góc độ tích cực, sẽ thấy những quy định khắt khe này không những không làm kìm hãm sự phát triển của điện ảnh, ngược lại còn thúc đẩy điện ảnh phát triển hơn. Một mặt hạn chế tình trạng bão hòa, rơi vào lối mòn khi các nhà làm phim đổ xô theo những thể loại hot, câu view. Mặt khác thúc đẩy những thể loại khác phát triển.
Thực tế cho thấy khi hạn chế những thể loại này, phim Trung Quốc không chết mà vẫn sống tốt. Tự nghệ thuật sẽ tìm ra cách để vận hành. Tìm hiểu lịch sử nghệ thuật sẽ thấy ngay cả khi phải phát triển dưới những điều luật, quy định khắt khe thì nghệ thuật vẫn thăng hoa, vẫn có những tác phẩm để đời.
Lấy danh nghĩa người nhà.
Hai năm qua những bộ phim cổ trang với những thể loại cung đấu, xuyên không, ngôn tình chuyển thể,… giảm hẳn. Thay vào đó, những bộ phim lấy bối cảnh hiện đại với kịch bản gốc được viết mới hoàn toàn ngày càng nhiều. Những diễn viên thành danh với những vai diễn cổ trang cũng dần chuyển sang đóng phim đề tài hiện đại. Thành công của 30 chưa phải là hết và Lấy danh nghĩa người nhà đã vượt khỏi biên giới Trung Quốc, gây sốt ở nước ngoài đã cho thấy phim Trung vẫn tạo được tiếng vang ngay cả khi không cần phải áp dụng những công thức.
30 chưa phải là hết.
Điểm chung của cả hai bộ phim trên là đều khai thác những đề tài rất gần gũi, chân thực với cuộc sống như phụ nữ trưởng thành, lập nghiệp, đề tài hôn nhân, gia đình. Xem những bộ phim này vừa thấy chân thực, vừa dễ đồng cảm, không hề có những drama giật gân hay những câu chuyện ngôn tình ‘hường sến’.
Đây có lẽ là tín hiệu tích cực để giới làm phim có thêm niềm tin rằng họ vẫn có thể sống tốt bất chấp những quy định khắt khe của Tổng cục điện ảnh. Đồng thời, đây cũng là cú hích, là động lực để các nhà làm phim nỗ lực đổi mới hơn nữa để truyền hình Hoa ngữ không bị rơi vào lối mòn công thức, thiếu tính sáng tạo.
Theo baodatviet